Qui định về nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN) trong dự thảo Luật DN (sửa đổi) giản lược "ngành, nghề kinh doanh” vẫn đang là trung tâm của nhiều luồng ý kiến, trong đó có ý kiến đề nghị giữ quy định về ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký DN để phục vụ cho công tác hậu kiểm, thống kê và quản lý nhà nước nói chung. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, không cần thiết phải giữ qui định về ngành, nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận mà ”đăng ký ngành, nghề kinh doanh để cơ quan nhà nước biết, chứ không phải để cấp giấy phép. Khi kiểm tra mà kinh doanh không đủ điều kiện, kinh doanh ngành nghề cấm thì bị xử lý nghiêm. Phải thu giấy phép chứ phạt không thì không ăn thua”
Tăng sự chủ động cho DN
Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, theo Luật DN hiện hành, DN đăng ký ngành, nghề kinh doanh và sau đó, được quyền kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký và được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký DN. Quy định như vậy là không còn phù hợp với Điều 33 của Hiến pháp mới, theo đó, mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Bởi về thực chất, với qui định về ngành, nghề trong Giấy chứng nhận đăng ký DN, “DN chỉ được quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề đã đăng ký. Nếu DN muốn kinh doanh các ngành, nghề chưa ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký DN thì phải làm thủ tục bổ sung, điều chỉnh Giấy chứng nhận. Nếu kinh doanh ngành, nghề không ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì hoạt động kinh doanh bị coi là trái phép” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh phản ánh. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị không ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký DN.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Phó Chủ tịch Quốc hội, không ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận sẽ giảm đáng kể chi phí thực hiện thủ tục hành chính, giảm rủi ro, tăng tính an toàn pháp lý và tính chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp trong kinh doanh. Tuy nhiên, DN vẫn phải có nghĩa vụ kê khai, thông báo ngành, nghề kinh doanh với các cơ quan có thẩm quyền khi đăng ký kinh doanh hoặc khi bổ sung ngành, nghề kinh doanh để thực hiện nghĩa vụ của mình. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, “đăng ký ngành, nghề kinh doanh để cơ quan nhà nước biết, chứ không phải để cấp giấy phép. Khi kiểm tra mà kinh doanh không đủ điều kiện, kinh doanh ngành nghề cấm thì bị xử lý nghiêm”.
“Không sợ không ghi gì thì không ai quản lý”
Lo ngại ảnh hưởng đến hoạt động đấu thầu, ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng dân tộc cho rằng, “không được bỏ ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký DN vì khi xảy ra hậu quả do không có căn cứ để xác định năng lực nhà thầu, hậu quả không chỉ DN chịu mà cả xã hội phải chịu nên phải có tên ngành, nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận để khi kiểm tra hồ sơ có thể thẩm định được khả năng của nhà thầu”. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, vấn đề kiểm tra năng lực nhà thầu đã được giải quyết ở luật đấu thầu nên việc không qui định ngành, nghề trong giấy chứng nhận đăng ký DN không ảnh hưởng.
Nhưng với ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm UBTP vẫn không yên tâm khi không qui định về ngành, nghề trên Giấy chứng nhận về đăng ký DN vì “qui định ngành, nghề kinh doanh là đặc biệt quan trọng trong quản lý nhà nước vì tự do kinh doanh nhưng phải có điều chỉnh, không thể vô tổ chức. Nếu “chỉ cần một thông báo là được chuyển đổi ngành nghề kinh doanh” thì sẽ tạo điều kiện cho DN “lách” luật, khó đảm bảo kiểm soát các hoạt động kinh doanh theo yêu cầu xã hội”. Nhưng Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trấn an, “không sợ không ghi gì thì không ai quản lý vì quản lý DN ở chỗ DN phải kẻ khai khi thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh khi khai thuế và sẽ có hệ thống liên thông để quản lý mà không gây phiền hà cho DN”.