Sửa đổi luật ngân sách nhà nước: Xóa tâm lý ỷ lại ngân sách nhà nước

21/07/2014
Hệ thống ngân sách lồng ghép hiện đang áp dụng ở nước ta đang tạo ra sự ỉ lại, thụ động, trông chờ của địa phương vào sự phân bổ ngân sách.

Thực tế đó được phản ánh tại hội thảo “nâng cao vai trò chủ đạo của ngân sách TƯ góp phần tăng cường nguồn lực cho đầu tư phát triển gắn với sửa đổi luật ngân sách nhà nước (NSNN)” do Bộ Kế hoạch-Đầu tư tổ chức sáng qua (21/7) tại Hà Nội và cũng là lý do để Luật NSNN cần được sửa đổi theo hướng tăng cường tính chủ động của các địa phương trong thu chi ngân sách bằng việc tiếp tục phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thu, chi ngân sách cho các địa phương.

Không ai phải chịu trách nhiệm đến cùng

Với điều kiện kinh tế xã hội và khả năng quản lý ở nước ta, hệ thống  ngân sách được thiết kế “mang tính lồng ghép và có tính thứ bậc rất cao” nghĩa là ngân sách cấp trên phải “ôm” cả ngân sách cấp dưới và ngân sách cấp dưới là bộ phận hợp thành của ngân sách cấp trên. Mặc dù có ưu điểm là “tập trung nguồn thu”, nguồn lực tổng về một đầu mối, tránh phân tán, cục bộ theo từng địa phương và có thể điều hòa, điều tiết chung từ TƯ xuống địa phương theo từng địa phương, từng giai đoạn và yêu cầu đầu tư pháp triển, nhất là ở những địa phương khó khăn, vùng sâu vùng  xa.

Song theo các chuyên gia kinh tế, hệ thống ngân sách nặng tính “bao cấp” từ NSNN và “ôm đồm” này đã biến các địa phương trở nên bị động, thậm chí là ỉ lại, trông chờ trong việc thực hiện nhiệm vụ thu chi ngân sách, khai thác nguồn thu, điều tiết nguồn chi… cho phù hợp tình hình địa phương và yêu cầu của TƯ. Đây là một nhược điểm rất lớn trong cơ chế quản lý ngân sách ở nước ta khi đã bỏ “nền kinh tế bao cấp” để phát triển nền kinh tế thị trường.

Hậu quả rõ ràng nhất là việc cân đối ngân sách địa phương như hiện nay, nhất là đối với các tỉnh điều tiết ngân sách về TƯ đã làm nguồn lực ngân sách nhà nước bị phân tán khiến ngân sách TƯ luôn trong tình trạng khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư phát triển, trong khi địa phương không có sự chủ động trong quản lý ngân sách như đánh giá của ông Đỗ Trọng Khanh - Vụ trưởng Vụ Tài chính-Tiền tệ, Bộ Kế hoạch-Đầu tư.

Cũng chỉ ra những bất cập trong quản lý ngân sách theo kiểu lồng ghép này, TS Lê Quang Thuận - Chuyên gia tư vấn chính sách – nhận xét, cách quản lý và điều hành ngân sách hiện nay ngoài việc buộc ngân sách địa phương phụ thuộc ngân sách TƯ thì còn dẫn đến tình trạng “không phải chịu trách nhiệm đến cùng” bởi TƯ không thể quản lý chặt chẽ, chi tiết ngân sách của địa phương, còn địa phương cũng không phải chịu trách nhiệm hoàn toàn khi có sai lầm trong quản lý ngân sách. Nguyên nhân chính là địa phương chưa có quyền tự chủ tài chính.

Thiếu “kỷ luật tài khóa” thì sẽ còn nợ công

Đối với các chuyên gia, sửa đổi các quy định về phân cấp nguồn thu, tập trung nguồn lực cho ngân sách TƯ nhưng phải tăng tính chủ động cho chính quyền địa phương trong việc khai thác, quản lý và sử dụng nguồn thu mang tính ổn định gắn với chức năng quản lý nhà nước của chính quyền địa phương. Trong thu chi NSNN thì NSTƯ phải nắm vai trò chủ đạo, đồng nghĩa với việc TƯ “đỡ phải ôm đồm mà chỉ tập trung lo những nhiệm vụ mang tính chiến lược đảm bảo lợi ích lâu dài mà thôi, tránh trường hợp ngân sách dàn đều như hiện nay” – các chuyên gia thống nhất đưa ra quan điểm cho việc sửa đổi Luật NSNN.

Đồng thời ngân sách địa phương cũng được giao nhiệm vụ cụ thể đảm bảo hoạt động bộ máy nhà nước ở địa phương và những dịch vụ cơ bản gắn trực tiếp với địa phương. Cùng với đó, “Ai lĩnh nhiệm vụ chi thì chịu trách nhiệm hoàn toàn. Nếu một người quyết định chi và người phải chịu trách nhiệm nguồn tiền để chi thì nợ công sẽ còn là con số lớn hơn vì không ai chịu trách nhiệm cả” - ông Lê Khanh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đào tạo, Bộ Kế hoạch-Đầu tư nhận định.

Bên cạnh đó, TS.Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính nhấn mạnh đến một vấn đề đã được nhiều Đại biểu quốc hội đề cập tại phiên thảo luận về quyết toán NSNN năm 2012 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII vừa qua là “kỷ luật tài khóa”. Đối với nhiều chuyên gia, “đây là “chìa khóa” để các nguồn lực tài chính được phân bổ theo các mục tiêu phù hợp thứ tự ưu tiên; các khoản chi tiêu đạt được mục tiêu kết quả ban đầu”.

Có như vậy mới nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách; tăng cường tính kỷ luật, kỉ cương tài chính, khắc phục những bất cập về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa TƯ và địa phương để đảm bảo phát huy tính chủ động của ngân sách chính quyền địa phương trong quả lý sử dụng ngân sách./.

Huy Anh