90% bị kết án phạt tù
Tại hội thảo hoàn thiện quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) về hệ thống hình phạt không tước tự do được Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua 14/7, Trung tướng Trần Văn Độ, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án quân sự TW nêu con số: hàng năm, khoảng 90% người bị kết án ở nước ta bị kết án phạt tù, trong đó có khoảng 20% là người bị kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo. 70% phải chấp hành hình phạt tù, bị tước tự do từ 3 tháng đến 30 năm. Số 10% người bị kết án còn lại bị áp dụng hình phạt tử hình, cải tạo không giam giữ, phạt tiền, cảnh cáo
Theo Trung tướng Trần Văn Độ, đa số các trường hợp mặc dù chế tài được quy định là chế tài lựa chọn giữa phạt tù với các hình phạt khác không phải tù, nhưng Tòa án các cấp vẫn có xu thế áp dụng hình phạt tù đối với bị cáo. Tòa án chỉ không áp dụng hình phạt tù khi không có cơ sở pháp lý, tức khi chế tài điều luật không quy định hình phạt tù; còn trong trường hợp chế tài lựa chọn có phạt tù thì hầu như đương nhiên phạt tù được áp dụng, các hình phạt khác không phải tù thì lại được xem như một ngoại lệ.
Qua nghiên cứu thực tiễn áp dụng các quy định của BLHS về hình phạt, Trung tướng Độ cho rằng, do BLHS quy định hình phạt tù với tỷ lệ quá áp đảo, một số chế tài được quy định chưa hợp lý; hình phạt tù được Tòa án nước ta áp dụng rất phổ biến, chiếm tỷ lệ cao trong hệ thống hình phạt, đồng thời đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng, các tội được thực hiện do lỗi vô ý và một số tội phạm khác, do bất cập trong việc quy định khung hình phạt (qúa rộng), mức tối đa quy định quá cao, nên mức hình phạt áp dụng có sự thiếu thống nhất giữa quy định của BLHS và hình phạt được quyết định.
Phó tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Minh Tâm dẫn ra một vụ án mà ông đã từng mục sở thị tại Đức. Một bị cáo đi câu trộm cá, bị bắt và bị xử phạt 20 ngày tù. Tuy nhiên, Tòa án cho phép bị cáo được lựa chọn giữa việc thi hành án 20 ngày hoặc nộp tiền để thay tù. Đó là chuyện ở nước ngoài, còn Việt Nam thì khác, bị cáo không có quyền được lựa chọn. Mục đích của hình phạt là trừng trị và giáo dục, và cũng qua trừng trị để giáo dục nhưng với những trường hợp bị án tử hình, ông Tâm đặt câu hỏi “có giáo dục được không?”, vì sao ma túy tử hình nhiều nhưng vẫn tăng. Theo ông Tâm, phải quy định rõ vì sao không tước tự do và cơ chế thực hiện việc không tước tự do.
Thẩm phán “ngại” áp dụng hình phạt không tước tự do.
Đây là vấn đề được thẳng thắn chỉ ra trong hội thảo hoàn thiện quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) về hệ thống hình phạt không tước tự do nói trên. Một thẩm phán của Tòa hình sự, TAND Hà Nội dẫn chứng, dù bà từng làm công tác xét xử đã lâu tuy nhiên chỉ mới có 2 vụ cho áp dụng phạt tiền, vì thực tế …rất ngại. Nhiều thẩm phán khác cũng thừa nhận, mặc dù pháp luật cho phép họ có nhiều sự lựa chọn song việc áp dụng phạt tiền, cải tạo không giam giữ …rất ít được áp dụng, mà thực tế phạt tù luôn được đề cao. Thậm chí, có thẩm phán còn cho biết, họ chịu những áp lực nhất định từ dư luận, nếu phạt cải tạo không giam giữ đối với một bị cáo nào đó, sẽ có dư luận cho rằng, đằng sau quyết định đó là những chuyện tiêu cực này kia. Do đó, nhiều thẩm phán lựa chọn tuyên phạt tù … “cho an toàn”.
Trong khi một số ý kiến đồng tình tăng cường các hình phạt không phải tước tự do trong hệ thống hình phạt, thì một luồng ý kiến lại cho rằng nên giữ nguyên hệ thống hình phạt không tước tự do như quy định của pháp luật hiện hành. Quan trọng, theo các ý kiến này là làm sao áp dụng một cách hiệu quả trên thực tiễn. Thậm chí, theo đại diện Bộ Công an tại hội thảo thì những người bị áp dụng cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền nên quy định bắt buộc phải qua một lớp học nào đó để chấn chỉnh lại nhận thức của mình. Bởi nếu cứ như hiện nay, án tuyên xong giao về cho chính quyền địa phương, người bị án không phải làm gì, cùng lắm khi chính quyền yêu cầu thì trình diện là xong, sau thời gian thụ án sẽ được xóa án tích. Như vậy sẽ không có nhiều tác dụng giáo dục, răn đe.
Bên cạnh đó, đành rằng việc áp dụng hình phạt không tước tự do sẽ làm giảm số lượng người bị giam giữ trong các trại giam, và đó cũng là quy định mang tính nhân đạo sâu sắc nhưng quan trọng là điều kiện áp dụng ra sao, với những đối tượng nào, trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi người thụ án cư trú…cũng cần phải làm rõ để việc áp dụng các hình phạt này hiệu quả trên thực tiễn.
Thu Hằng
Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ sáu tháng đến ba năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng, nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.
Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng ba ngày cải tạo không giam giữ.
(Khoản 1, Điều 31, BLHS)
Trung tướng Trần Văn Độ, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án quân sự TW: Phạt tù không nên là “cánh cửa đóng sập trước mắt người phạm tội”
Việc áp dụng phạt tù, tước tự do chiếm tỷ lệ áp đảo có nguyên nhân do truyền thống lịch sử pháp luật hình sự nước ta vốn coi phạt tù là hình phạt quyết định trong hệ thống hình phạt. Thứ hai từ “thói quen” áp dụng hình phạt tù của thẩm phán các cấp. Thứ ba là dư luận xã hội về lợi ích, hiệu quả trừng trị cao của việc áp dụng hình phạt tù. Thứ tư là nhận thức chưa đúng đắn của người áp dụng pháp luật về vai trò của các hình phạt được quy định, nhất là quá coi trọng vai trò răn đe, chống tội phạm của hình phạt tù, trong khi đó lại xem nhẹ vai trò của hình phạt không phải tù, cho rằng các hình phạt đó không đủ sức răn đe người phạm tội và người khác.
Do đó, tôi cho rằng hoàn thiện quy định của BLHS theo hướng hình phạt cần hướng thiện hơn mà không chỉ vì mục đích trừng trị, quan trọng là phòng ngừa. Bởi, với nhiều trường hợp bị phạt tù chỉ thỏa mãn sự bực tức của xã hội mà không tính đến hậu quả vô cùng lớn, nó là cánh cửa đóng sập trước mắt người phạm tội mà nếu không áp dụng phạt tù thì sẽ tốt hơn rất nhiều.
TS. Nguyễn Văn Tuân, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và pháp luật: Cần quy định rõ điều kiện áp dụng hình phạt không tước tự do
BLHS hiện hành chưa quy định đầy đủ điều kiện áp dụng hình phạt không tước tự do nên nhiều khi thẩm phán có tâm lý muốn an toàn, sợ trách nhiệm nên cứ tuyên phạt tù. Thêm vào đó là yếu tố dư luận, trong một số vụ án, dư luận cho rằng việc xử phạt không tước tự do là quá nhẹ nên tạo áp lực lên thẩm phán . Do đó, tôi đề nghị cần quy định rõ điều kiện áp dụng hình phạt không tước tự do cũng như những trường hợp nào được áp dụng không tước tự do làm căn cứ cho thẩm phán khi xét xử và cũng là để cho họ yên tâm trước những tác động của dư luận.
TS. Phạm Quý Tỵ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Người phạm tội cố tình trốn tránh chấp hành hình phạt lao động cải tạo, Tòa án có thể thay đổi hình phạt
Thời tôi còn làm Chánh án TAND TP. Hà Nội, có một thực tế là các thẩm phán khi xét xử rất e ngại áp dụng phạt tiền, cải tạo không giam giữ. Vì nhiều khi tuyên như vậy là dư luận lại đặt vấn đề là có “vấn đề” gì không. Vì thế tôi cho rằng cần quy định làm sao để thẩm phán phát huy tính độc lập trong xét xử; làm sao việc áp dụng phạt tiền và cải tạo không giam giữ trở nên bình thường chứ không nhất thiết phải phạt tù. Riêng hình phạt cải tạo không giam giữ tôi đề nghị cần bổ sung quy định về buộc tham gia cải tạo tại địa phương. Trong trường hợp nếu người phạm tội cố tình trốn tránh chấp hành hình phạt lao động cải tạo, Tòa án có thể thay đổi hình phạt này bằng hình phạt tù, cứ 1 ngày tù bằng 3 ngày lao động cải tạo không giam giữ