Cơ bản đánh giá cao việc sửa đổi Luật Nhà ở, nhiều ĐBQH còn băn khoăn với nhiều sửa đổi của dự thảo Luật khi thảo luận tại hội trường sáng 18/6, nhất là về chủ trương phát triển nhà ở với các phân khúc nhà ở khác nhau trước yêu cầu phát triển. Theo đánh giá chung, dự thảo Luật vẫn còn nặng về tập trung điều chỉnh lĩnh vực phát triển nhà ở theo dự án, các khu đô thị mới; còn nhà ở riêng lẻ, nhà ở hiện hữu tại các khu đô thị cũ, điểm dân cư nông thôn thì chưa thực sự được quan tâm đúng mức và còn thiếu quy định nhằm khắc phục và hạn chế tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường nhà ở, minh bạch hóa thị trường nhà ở, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc tạo lập nhà ở.
Ưu tiên phát triển nhà ở xã hội để cho thuê
Từ thực tiễn, đa số người có nhu cầu nhà ở hiện nay thường không đủ khả năng tài chính để sở hữu nhà ở, kể cả nhà ở xã hội nên nhiều ĐBQH đồng tình kiến nghị, cần tập trung phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng có thu nhập thấp thuê để giải quyết nhu cầu nhà ở thực tiễn vì nhà ở xã hội là chính sách mang tính phúc lợi xã hội.
Một thực tế được nhiều ĐBQH phản ánh là hiện nay nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến nhiều đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, người thu nhập thấp không có điều kiện để tiếp cận loại nhà ở này. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì không thực sự hào hứng với nhà ở xã hội bởi lợi nhuận và khả năng thu hồi vốn thấp hơn rất nhiều so với kinh doanh nhà ở thương mại. Do vậy, nguồn cung về nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Để khắc phục tình trạng này, ĐB Trương Văn Vở (tỉnh Đồng Nai), ĐB Nguyễn Minh Quang (TP.Hà Nội) cùng nhấn mạnh, dự thảo Luật cần quy định đậm nét cơ chế trách nhiệm phát triển nhà ở xã hội, có cơ chế quản lý đặc thù với các ưu đãi để thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội hiện nay ở nước ta.
Dẫn kinh nghiệm nhiều quốc gia đã giải quyết vấn đề nhà ở xã hội khá tốt như có tới 84% dân số Singapore sống trong các căn hộ do cơ quan nhà ở phát triển xây dựng, Hàn Quốc, Nhật Bản có tới 40% dân số thuê nhà để ở, nhà ở cho thuê cũng rất phát triển ở các nước châu Âu, Mỹ và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong cấu thành phát triển kinh tế xã hội, ĐB Nguyễn Lâm Thành (tỉnh Lạng Sơn) cũng đặc biệt tán thành quan điểm phải tập trung phát triển nhà ở xã hội, trong đó thị trường nhà ở cho thuê mang tính chủ đạo. Đồng thời, theo nhiều ĐBQH, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần có quy định điều kiện chặt chẽ đối với đối tượng mua nhà ở xã hội để khắc phục tình trạng trục lợi từ việc lợi dụng chính sách này, gây bất bình đẳng xã hội khi nhiều người còn chưa có nhà ở.
Giải quyết tình trạng “nhập nhằng” thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở
Đó là mong muốn của nhiều ĐBQH đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vì xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thực hiện quyền tài sản của mọi người. ĐB Đinh Thị Mai Lan (tỉnh Cao Bằng) cho rằng, để người nhận sở hữu nhà ở thực hiện một cách đầy đủ và thuận lợi hơn quyền của mình, cần cho phép các chủ thể giao kết hợp đồng ngay khi được công nhận quyền sở hữu, tức là từ thời điểm được công nhận quyền sở hữu.
Đồng ý với quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu trong trường hợp thừa kế được dự thảo quy định, ĐB Trần Văn Tấn (tỉnh Tiền Giang) đề nghị, các trường hợp mua bán nhà ở, thuê mua nhà ở và tặng cho, đổi nhà ở, cần được quy định theo hướng thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là thời điểm đăng ký quyền sở hữu nhà ở tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Nhưng ĐB Trần Văn Minh (tỉnh Quảng Ninh) không đồng tình vì nếu xác định thời điểm chuyển quyền nhà ở kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu với cơ quan có thẩm quyền thì có nghĩa phải thực hiện thêm một giai đoạn nữa sau khi hoàn thành giao dịch chuyển tiền, nhận nhà theo hợp đồng, mà bản chất là việc chuyển quyền sở hữu đã được thực hiện.
Quy định như vậy có ưu điểm là rất thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về nhà ở cũng như công tác thu ngân sách nhà nước, tuy nhiên lại ảnh hưởng đến sự bảo đảm về lợi ích của các chủ thể và sự tiện lợi trong giao dịch, đồng thời cũng không phù hợp với quy định của Luật Đất đai sửa đổi năm 2013. Do đó, để bảo đảm lợi ích cho các chủ thể trong giao dịch cần được ưu tiên và nên tránh dồn cái khó cho người dân, ĐB Minh tán thành quy định, thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở được tính kể từ các bên, khi các bên hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng, như bên mua đã thanh toán tiền và bên bán đã bàn giao nhà ở. Hoặc thời điểm bàn giao nhà ở đối với trường hợp tặng, cho, đổi nhà ở hoặc thời điểm mở thừa kế đối với trường hợp thừa kế nhà ở.
Từ thực tiễn giải quyết tranh chấp nhà ở, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (Phó Chánh án TAND TP.HCM) đặc biệt đề nghị nghiên cứu kỹ vấn đề xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở trong dự thảo Luật để khi Luật Nhà ở (sửa đổi) không còn những quy định “vênh” với Bộ luật Dân sự, khiến việc xét xử các tranh chấp xuất phát từ vấn đề này để lại hậu quả pháp lý vô cùng khác nhau, gây bất ổn trong xã hội như trong thời gian qua.
Huy Anh