Dự thảo Luật BHXH: Không lo chống thất thu, chỉ lo "vỡ" Quỹ

29/05/2014
Dự thảo Luật BHXH: Không lo chống thất thu, chỉ lo "vỡ" Quỹ
Trong thực tế, chính sự buông lỏng quản lý, xử lý không triệt để đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH) dẫn đến tình trạng nợ, trốn đóng tiền BHXH và đe dọa sự an toàn của Quỹ BHXH, nhưng giải pháp được Chính phủ đề xuất lại là "tăng tuổi nghỉ hưu" để Quỹ BHXH có thời gian thu nhiều, chi ngắn.

Đó là một trong những tâm điểm tại buổi thảo luận tại tổ cũng như trao đổi của ĐBQH bên ngoài hành lang Quốc hội về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sáng qua (28/5). Với rất nhiều băn khoăn về dự thảo Luật này, nhiều ĐBQH cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật BHXH chưa căn cứ vào bản chất của hoạt động BHXH, chưa xây dựng được một chính sách BHXH hoàn chỉnh, mà chủ yếu là sửa để "cứu" Quỹ BHXH.

Chỉ những người "làm ít hưởng nhiều" mới muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu

Đó là nhận định của nhiều ĐBQH trước đề xuất về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Luật BHXH. Theo Chính phủ, đây là giải pháp tạo thêm thời gian để người lao động đóng BHXH, đồng thời rút ngắn thời gian hưởng như một giải pháp để đảm bảo an toàn cho Quỹ BHXH vì hiện nay số người đóng ít, số người hưởng nhiều. Tuy nhiên, nhiều ĐBQH đã phản đối cách lý giải này vì cho rằng, tuổi nghỉ hưu không liên quan đến việc phân định mức thụ hưởng BHXH của người lao động, mà quan trọng là thời gian đóng, mức đóng và sự công bằng giữa các nhóm thụ hưởng vì BHXH thực chất là tiền tiết kiệm của người lao động, chứ không phải tiền của Nhà nước hay xã hội.

Một số ĐBQH cho rằng, tuổi nghỉ hưu không tạo áp lực cho Quỹ BHXH nên đề xuất tính tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Luật này là không có cơ sở. Hơn nữa, "không thể lo sợ vỡ quỹ BHXH mà tăng tuổi lao động, điều này gây dư luận không tốt, nhất là khi luật lao động cũng vừa được mới ban hành" - ĐB Lê Văn Hoàng (TP.Đà Nẵng).

Còn ĐB Ngô Văn Minh (tỉnh Quảng Nam) bức xúc: "ở các nước, người lao động còn biểu tình để giữ và giảm tuổi nghỉ hưu. Giờ chúng ta lấy lý do vỡ quỹ để tăng tuổi nghỉ hưu là vô lý. Vỡ quỹ thì có nhiều cách để đảm bảo như tăng thêm mức đóng, hạn chế mức chi phí quản lý Quỹ, tinh giản biên chế..., chứ không phải tăng tuổi nghỉ hưu".

Các ĐBQH cũng bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất về tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Luật BHXH bởi lo ngại có "một trào lưu kéo dài độ tuổi nghỉ hưu, trái với Bộ luật Lao động vừa được sửa đổi". Hơn nữa, đa số người lao động không muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu, trừ những người "làm ít nhưng được hưởng nhiều quyền lợi".

Mạnh tay mới chống được thất thu

Chính phủ thừa nhận, Quỹ BHXH đang gặp nguy là một phần lớn là do doanh nghiệp trốn, nợ tiền BHXH nhưng cơ quan BHXH chỉ biết "khoanh tay đứng nhìn" bởi họ không có phương tiện, công cụ, cách thức hay sự phối hợp để thu hồi được số tiền BHXH đang bị "quỵt" đó. Mặc dù các DN đều có tài khoản ngân hàng nhưng cơ quan BHXH cũng chịu vì đa số các tài khoản được DN khai báo cho cơ quan BHXH luôn trong tình trạng "rỗng". Trong khi đó, những ngân hàng có tài khoản của DN thì luôn hạn chế tối đa việc phối hợp với cơ quan BHXH trong việc truy thu tiền BHXH của DN để "bảo toàn khách hàng" cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Còn đợi đến khi thanh tra xử lý vi phạm hành chính thì số tiền phạt "không bõ bèn" gì so với những lợi ích mà DN có được từ số tiền BHXH trốn, nợ.

ĐB Lê Văn Lai (tỉnh Quảng Nam) phản ánh, thực tế các DN luôn tìm cách lách luật, tìm mọi biện pháp để trốn và làm sao để phải trả BHXH thấp nhất. Trong đó phổ biến là ký hợp đồng lao động ngắn  hạn (dưới 3 tháng), thậm chí không ký hợp đồng lao động khiến 20-30% lực lượng lao động bị "đảo" thường xuyên giữa các DN. Sự mất ổn định đó khiến người lao động không được tham gia BHXH, ảnh hưởng đến quyền lợi.

Báo cáo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, hiện không thu được tiền BHXH khoảng 5 triệu người với hàng chục nghìn tỷ đồng tiền BHXH đang bị nợ. Thực tế này khiến nhiều ĐBQH đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan quản lý khi chi phí quản lý Quỹ tăng, nhưng nhiệm vụ thu tiền BHXH lại không hiệu quả, "bỏ mặc" cho DN giữ tiền BHXH của người lao động để trục lợi.

Vì vậy, với các kiến nghị cụ thể như quy định cấm người sử dụng lao động có hành vi "không làm thủ tục để người lao động tham gia BHXH", có thanh tra chuyên ngành về BHXH, quy trách nhiệm cho hệ thống ngân hàng trong việc phối hợp giải quyết các hành vi trốn, nợ tiền BHXH, thậm chí áp dụng chế tài hình sự đối với những hành vi trốn đóng BHXH..., các ĐBQH cho rằng, cần có giải pháp quyết liệt ngay trong dự thảo Luật này để chống trốn đóng BHXH mới là giải phán căn cơ giải quyết những vướng mắc trong lĩnh vực BHXH hiện nay.

Hương Giang