Đã “mở” nên “mở hết”
Ủng hộ việc giao công chứng bản dịch giấy tờ về cho công chứng để giảm tải cho cơ quan nhà nước, tạo nhiều lựa chọn cho người dân, tuy nhiên theo ĐB Cương dự thảo không nên mở một cách nửa vời mà nên giao cho tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận luôn cả bản sao và chứng nhận chữ ký. Nếu giao như vậy sẽ khắc phục tình trạng một việc người dân phải “chạy” đến hai nơi, cũng là tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói rõ thêm: đã có thời công chứng nhập vào chứng thực gây nên tình trạng quá tải khiến người dân rất bức xúc. Giờ tách công chứng ra khỏi chứng thực thuận lợi hơn cho dân rất nhiều. Tuy nhiên, theo ĐB Thuyền quy định như dự thảo vẫn làm khó cho dân khi chứng thực thì ở cơ quan hành chính, còn công chứng thì ở tổ chức hành nghề. “Dự thảo nên cho phép làm cả sao y, chỉ khác là cái nào công chứng thì thu cao hơn, chứng thực thì thu ít hơn”. Riêng về công chứng bản dịch, ĐB Thuyền cho biết việc quy định công chứng viên chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch giống như người không biết chữ (ngoại ngữ - PV) lại đi chứng ông biết chữ, do vậy cần cân nhắc quy định này.
ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đều đồng tình với việc mở rộng phạm vi cho công chứng với lý do công chứng viên là người có trình độ, kinh nghiệm, giao cho họ công việc này sẽ yên tâm hơn. Quan trọng là người dân có thêm nhiều cơ hội lựa chọn.
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết qua thảo luận, đa số ý kiến trong Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội đều tán thành giao cho công chứng viên thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao như các cơ quan hành chính nhà nước quy định tại Nghị định 79/2007/NĐ-CP để tạo thuận tiện cho người dân cũng như giảm áp lực công việc cho các cơ quan hành chính. Tuy nhiên, để bảo đảm tính chuyên môn hóa trong hoạt động công chứng, dự thảo Luật được quy định theo hướng công chứng viên được thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, đồng thời được chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản nhưng chỉ giới hạn đối với các giấy tờ, văn bản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà mình đã công chứng hoặc đang thực hiện việc công chứng (điểm c khoản 1 Điều 17). Phòng tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã vẫn thực hiện các công việc chứng thực theo quy định tại Nghị định 79/2007/NĐ-CP như hiện nay
Để bảo đảm chất lượng của hoạt động công chứng, dịch thuật, phù hợp với năng lực và điều kiện thực tế của các tổ chức này, đồng thời bảo đảm tốt hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận dịch vụ chứng nhận bản dịch, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giao cho công chứng viên nhiệm vụ công chứng bản dịch giấy tờ. Theo đó, công chứng viên chịu trách nhiệm trước người yêu cầu dịch về tính chính xác của nội dung bản dịch và chứng nhận nội dung bản dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Để kiểm soát chất lượng bản dịch, tổ chức hành nghề công chứng cần lựa chọn cộng tác viên dịch thuật bảo đảm về uy tín, trình độ, đồng thời cộng tác viên dịch thuật phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung dịch theo quy định của pháp luật về dân sự. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp công chứng viên không được công chứng bản dịch.
Cho phép chuyển nhượng văn phòng công chứng
Với những lý do báo cáo giải trình nêu, ĐB Tô Văn Tám, Kon Tum đồng tình với việc cho phép chuyển nhượng các Văn phòng công chứng. Tuy nhiên, ĐB này lưu ý “cần quy định chặt chẽ tránh tình trạng lập Văn phòng để bán. Cần bổ sung quy định ít nhất sau 2 năm thành lập, Văn phòng công chứng mới được chuyển nhượng”.
Báo cáo vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết nhiều ý kiến tán thành với việc cho phép chuyển nhượng Văn phòng công chứng. Tuy nhiên, do Văn phòng công chứng gắn liền với uy tín, kỹ năng chuyên môn và khả năng chịu trách nhiệm toàn bộ của công chứng viên là thành viên, là nơi cung cấp dịch vụ công nên Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cho tiếp thu trong dự thảo Luật theo hướng cho phép chuyển nhượng Văn phòng công chứng nhưng phải kèm theo các điều kiện chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu bảo đảm chất lượng của tổ chức cung cấp dịch vụ công. Người nhận chuyển nhượng tổ chức này cũng phải đáp ứng những điều kiện nhất định như phải là công chứng viên, có kinh nghiệm hành nghề nhất định, cam kết hành nghề tại địa phương... và việc chuyển nhượng này phải được UBND cấp tỉnh cho phép.
Thu Hằng
Nhiều ĐB đề nghị không nên khống chế tuổi hành nghề công chứng
Hai phương án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội về độ tuổi hành nghề của công chứng viên: Phương án 1: Không quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng. Nội dung này sẽ thực hiện theo quy định của Luật viên chức, Bộ luật lao động và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Phương án 2: Công chứng viên được hành nghề đến khi đủ 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ. Công chứng viên của các Phòng công chứng sau khi đã nghỉ hưu theo quy định của Luật viên chức có thể tiếp tục hành nghề công chứng tại Văn phòng công chứng cho đến khi đủ 65 tuổi.
Tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) và một số ĐB khác cho rằng không nên khống chế độ tuổi hành nghề. Tuy nhiên, một số ĐB khác lại ủng hộ quy định này nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng, khắc phục tình trạng công chứng viên “đánh trống ghi tên” mà không đủ sức khỏe hành nghề. |