Thảo luận về dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi)

28/05/2014
Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để “giải cứu” thị trường bất động sản, tập trung vào phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) có vẻ rất hấp dẫn, nhưng đến nay mới giải ngân được 30% là vấn đề đáng suy nghĩ trong khi các đối tượng cần nhà ở vẫn đang khao khát được “an cư lạc nghiệp”.

Thực tế đó phản ánh những bất cập trong thị trường BĐS, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và tác động trực tiếp đến những người có nhu cầu thực sự về nhà ở tại các đô thị, mà chủ yếu là những người thuộc đối tượng được hưởng chính sách NƠXH. Do đó, khi thảo luận về dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) tại tổ sáng qua (27/5), nhiều ĐBQH vẫn băn khoăn vì "dự thảo Luật vẫn chưa tiệm cận được yêu cầu bảo vệ được người thế yếu và đảm bảo sự công bằng cho tất cả các đối tượng liên quan trên thị trường bất động sản".

Nên tính hỗ trợ nhà công vụ vào lương

Những thực tế đang diễn ra trong việc sử dụng nhà công vụ, cụ thể tại Khu nhà công vụ Hoàng Cầu vừa được báo chí phản ánh đã khiến nhiều ĐBQH đề nghị phải có đánh giá lại những qui định về nhà công vụ trong thời gian qua và khả năng quản lý loại nhà này trong thực tế trước khi qui định cụ thể trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Với qui định về 2 đối tượng được hưởng chính sách nhà công vụ trong dự thảo khi các hình thức để hình thành nhà công vụ đều từ nguồn lực nhà nước, ĐB Lò Văn Muôn (Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) lo ngại về tính khả thi của chính sách nhà công vụ nếu phát triển nhà công vụ không rõ ràng, không định lượng được như hiện nay.

ĐB Cao Sĩ Kiêm (Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ) bức xúc: "Thống kê ở Hà Nội có rất nhiều trường hợp, cán bộ chuyển nhà công vụ cho con, cháu ở, phần lớn là người có vị trí, gây phản cảm về công bằng xã hội nên dự thảo Luật phải làm rõ về tiêu chuẩn, tiêu chí, thời gian sử dụng nhà công vụ, chứ tôi thấy nhà công vụ đang bị biến tướng thành nhà cá nhân".

Cùng mối lo ngại, ĐB Phan Văn Tường (tỉnh Thái Nguyên) đề xuất, "chính sách nhà công vụ thì nên tính vào lương", cũng như có chế tài vào luật để đảm bảo hết thời gian công tác là phải trả lại nhà. ĐB Phạm Xuân Thường (tỉnh Thái Bình) thấy việc phát triển và quản lý nhà công vụ thời gian qua không ổn nên đề nghị thắt chặt quản lý và hỗ trợ tiền thuê nhà cho cán bộ, tốt hơn là xây nhà công vụ, giao cho cá nhân sử dụng rồi lại không thu hồi được.

Mặc dù đánh giá cao ý nghĩa của chính sách nhà công vụ trong việc tạo điều kiện cho cán bộ có nơi ở khi luân chuyển, điều động, đi công tác nhưng ĐB Trần Ngọc Vinh (Chủ tịch Hội luật gia TP.Hải Phòng) nhận xét, "phát triển nhà ở công vụ theo dự thảo Luật sẽ gây tình trạng không công bằng, bất hợp lý và phải theo đuổi giải quyết các hậu quả của việc thực hiện chính sách này". Nên cùng ý kiến của một số ĐBQH, ĐB của TP.Hải Phòng này cho rằng, cần cân nhắc khi phát triển nhà công vụ và có chế độ cho thuê nhà đối với cán bộ thuộc diện hưởng chính sách nhà công vụ.

Còn theo ĐB Lê Minh Thông (tỉnh Thanh Hóa), "Hiện chỉ nên phát triển ở vùng sâu, vùng xa, còn ở TP thì không cần, trừ đối với lãnh đạo cấp cao để thuận tiện cho việc bảo vệ, để tránh lãnh phí vì TP có quỹ nhà cho thuê lớn". Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu bày tỏ quan điểm, nên ưu tiên nhà công vụ cho cán bộ còn khó khăn, chứ không tập trung cho cán bộ cao cấp.

Bảo vệ được quyền lợi của những người thuê, mua NƠXH

Đa số các chính sách hỗ trợ cho thị trường BĐS thời gian qua mới hữu ích cho các nhà đầu tư các dự án NƠXH (về thuế, tiền sử dụng đất...), còn tỷ lệ các đối tượng được thuê, mua NƠXH được hưởng trực tiếp các chính sách hỗ trợ này gần như không đáng là bao so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, tán thành với những qui định về phát triển NƠXH trong dự thảo Luật, ĐB Ksor Phước (Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội) vẫn lo lắng "nếu nhà nước không can thiệp, thể hiện vai trò điều tiết rõ ràng trên thị trường này thì các đối tượng thuê, mua NƠXH được cái gì, nếu chủ đầu tư vẫn bán nhà theo giá thị trường sau khi đã hưởng các chính sách ưu đãi?".

Nhìn nhận vai trò của NƠXH từ các khu công nghiệp, ĐB Lê Thị Nga (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) cho rằng, nhiều vấn đề xã hội phát sinh, bức xúc trong giới công nhân liên quan đến nhà ở, nếu không giải quyết được, không dự kiến được thì chỉ cần cớ nhỏ là bùng nổ những sự việc không đáng có ở những khu vực tập trung lao động này. Nên ĐB Lê Thị Nga kiến nghị, "dự thảo Luật phải có chính sách về nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp" như một giải pháp để ổn định tình hình xã hội của địa phương có khu công nghiệp.

Nhiều ý kiến ĐBQH bày tỏ thống nhất với quan điểm cần phát triển NƠXH theo hướng, Nhà nước phải có vai trò chính, cùng với việc xã hội hóa tạo điều kiện cho mọi người lao động đều có nhà ở trong khả năng của mình...

                                                                Huy Anh