Cho phép mang thai hộ là đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết: việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có ý nghĩa nhân văn, phúc đáp nhu cầu thực tiễn là có một số cặp vợ chồng không có khả năng sinh con mong muốn được thực hiện quyền làm cha mẹ, hiện nay ở nước ta đã có một số cơ sở y tế thực hiện được các kỹ thuật này. Nếu pháp luật không quy định thì do nhu cầu một số cặp vợ chồng vẫn thực hiện việc này, dẫn đến quyền lợi, sức khỏe và kể cả tính mạng của phụ nữ, trẻ em không được bảo đảm, tranh chấp có thể phát sinh, đồng thời không tránh khỏi phát sinh việc mang thai hộ vì mục đích thương mại, trái thuần phong mỹ tục.
Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong Luật. Đồng thời, để quy định chặt chẽ tránh việc lợi dụng thương mại hóa, bảo đảm quyền lợi của các bên, quyền lợi trẻ em, quyền lợi, sức khỏe của người mang thai hộ và điều chỉnh các vấn đề có thể xảy ra như đa thai, con khuyết tật, tai biến sản khoa... nhiều quy định của dự thảo Luật đã được chỉnh sửa.
ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) tán thành cao với việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo bởi lẽ “đây là nhu cầu từ thực tiễn cuộc sống, thực tế trong nước đã có một số cơ sở y tế làm được việc này”. Tuy nhiên, ĐB Tuyết lưu ý “cần quy định chặt tránh bị lợi dụng, bảo đảm quyền của trẻ em và người mang thai hộ, nên quy định độ tuổi tối thiểu và tối đa của người mang thai hộ”. ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình), ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) và nhiều ĐB khác cũng ủng hộ quy định này.
Vấn đề nói trên, khi thảo luận tại tổ, nhiều ĐB đồng tình với dự thảo nhưng cũng đề nghị cần quy định cụ thể, chặt chẽ để tránh thương mại, quy định rõ cơ chế để xử lý các vấn đề tranh chấp, bảo vệ người mang thai hộ, quan tâm quyền lợi đứa trẻ, kiểm soát dân số và tránh lợi dụng để chạy tội, chạy án ...
Tuy nhiên, có những ĐB tỏ ra thận trọng. ĐB Cao Thị Xuân, Thanh Hóa, ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh, Đăk Nông đề nghị “cân nhắc kỹ” vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo bởi theo các ĐB này “dễ bị biến tướng vì mục đích thương mại”. Hơn nữa, hồ sơ pháp lý của đứa trẻ sau này sẽ rất phức tạp khi vừa có mẹ đẻ, mẹ nuôi, lại còn có mẹ mang thai hộ, hiện việc mang thai hộ cũng chỉ rơi vào những cặp vợ chồng có điều kiện kinh tế.
Đề nghị nữ từ đủ 18 tuổi được kết hôn
Về độ tuổi kết hôn, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết còn hai loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với quy định của dự thảo Luật, đó là “Đủ mười tám tuổi trở lên” đối với cả nam và nữ. Loại ý kiến thứ hai, không tán thành với quy định của dự thảo Luật, đề nghị giữ như quy định hiện hành, đó là “Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên”.
Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội hiện nay, tuổi kết hôn trung bình của nam, nữ đều cao hơn khá nhiều so với tuổi kết hôn được quy định trong Luật và có xu hướng ngày càng tăng. Quá trình tổng kết thực thi Luật cho thấy, không có khó khăn, trở ngại đối với vấn đề tuổi kết hôn trong thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với việc giữ quy định về độ tuổi kết hôn như Luật hiện hành.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa Vũng Tàu), Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) đều có chung đề nghị nên giữ nguyên tuổi của nam như quy định của Luật hiện hành tuy nhiên đối với nữ cần quy định “từ đủ 18 tuổi trở lên” cho phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự. “Bộ luật dân sự quy định từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên, nếu luật này quy định chỉ từ 18 tuổi là đủ tuổi kết hôn nhưng lại là người chưa thành niên là không hợp lý”, ĐB Tuyết phân tích.Tuy nhiên, cũng còn ý kiến ĐB cho rằng nên nâng tuổi kết hôn của nữ lên bằng nam giới.
Dự kiến dự thảo Luật HNGĐ sửa đổi sẽ được thông qua tại kỳ họp lần này.
Thu Hằng (nội chính)