Quốc hội thảo luận dự kiến Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh: Cần sớm có Luật Biểu tình

22/05/2014
Chiều qua 21/5, thảo luận tại tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình cao với việc phải ưu tiên, tập trung cho nhiều văn bản luật có tính cấp bách sau khi Hiến pháp mới được thông qua, trong đó có Luật Biểu tình.

Đề nghị xem xét, thông qua BLHS, BLDS trong 3 kỳ họp

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cơ bản đồng tình với Ủy ban thường vụ Quốc hội, sau khi ban hành Hiến pháp mới thì tập trung cao độ trong nhiệm kỳ này (hoặc gối đầu nhiệm kỳ sau) phải ban hành hệ thống pháp luật mới phù hợp Hiến pháp. Tuy nhiên, Bộ trưởng tha thiết đề nghị Quốc hội cho phép dự án Bộ luật Hình sự (BLHS), Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi được xem xét trong 3 kỳ họp. Bởi, theo Bộ trưởng đây là những Bộ luật quan trọng (BLHS là lĩnh vực công quan trọng nhất, BLDS là lĩnh vực tư quan trọng nhất) sau Hiến pháp. Hai Bộ luật này rất lớn, đồ sộ, nhiều vấn đề nên “phải làm cho thật kỹ để đến 2016 hoàn toàn yên tâm”. Bộ trưởng nói và cũng cho rằng, không nên có chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của toàn khóa mà chỉ nên hàng năm để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Chẳng hạn Luật Quốc tịch cần thiết sửa là phải sửa để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống chứ không thể nói vì không có trong chương trình nên không sửa.

Chỉ rõ thực tế nhiều dự án luật chuẩn bị chưa tốt, chất lượng chưa cao, ĐBQH Huỳnh Thành, Gia Lai nhận xét: Ủy ban Thường vụ Quốc hội là nơi gần nhất, sát nhất để kiểm tra xem xét chất lượng của các dự án luật. Vì lý do này, ĐB Thành gợi ý “nên chăng Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh chương trình luật, sau đó Ủy ban Thường vụ báo cáo lại với Quốc hội, khi có vấn đề thì Quốc hội mới có ý kiến”. ĐB Thành cũng đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ của Luật Hoạt động giám sát Hội đồng nhân dân vì hiện nay hiệu quả hoạt động của HĐND là trên lĩnh vực giám sát. “Không nên để Luật này đến tận nhiệm kỳ sau trong khi Luật HĐND đã thông qua tại kỳ họp thứ 10”.

ĐBQH Hoàng Đăng Quang, Quảng Bình thì đề nghị Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp chặt chẽ hơn nữa để đỡ phải điều chỉnh chương trình nhiều lần. Trình tự sắp xếp đưa vào các dự án luật cũng phải có thứ tự ưu tiên cho phù hợp.

Trước vấn đề thời sự hết sức nóng bỏng trong những ngày qua là vấn đề về Biển Đông, Đại biểu Quốc hội, Luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) phân tích: “trước tình hình Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền Việt Nam, người dân có nhu cầu biểu tình, nhưng chúng ta lại chưa có khung pháp lý cho hoạt động này. Vì chưa có chưa có Luật nên lúng túng, bất cập”. Nhiều ĐBQH đồng tình với ĐB Nghĩa, đề nghị đưa dự án Luật Biểu tình vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.

Vấn đề về thứ tự làm luật trong chương trình dự kiến theo nhiều ĐBQH nhận định cũng có nhiều điểm bất hợp lý. ĐB Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) phân tích “Theo dự kiến thì Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi sẽ được thông qua trước BLHS sửa đổi. Như thế khi rất nhiều khái niệm quan trọng chưa được xác định thì luật thi hành đã được thông qua. Lẽ ra phải thông qua BLHS sửa đổi trước, hoặc phải song hành thì mới đảm bảo được tính đồng bộ, nhất quán của pháp luật”.

Bổ sung dự án Luật Hộ tịch và Luật Quốc tịch sửa đổi

Về đề nghị bổ sung các dự án luật, trong đó có dự án Luật hộ tịch vào Chương trình năm 2014, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đây là dự án luật đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, 2013, tại phiên họp thứ 20 (tháng 8/2013), Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến và nhận thấy còn một số vấn đề của dự án chưa đủ cơ sở quy định và ý kiến chưa thống nhất nên đã quyết định rút khỏi Chương trình. Hiện nay, dự án Luật này đã được chuẩn bị bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung dự án Luật này vào Chương trình như đề nghị của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 của Luật Quốc tịch Việt Nam vào Chương trình xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7. Đây là vấn đề lớn liên quan đến việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào ta ở nước ngoài nên Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam vào Chương trình xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7. Nhiều ý kiến ĐBQH đồng tình với đề nghị này.

Thu Hằng

Theo báo cáo của Chính phủ , tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 188/241 văn bản (122 nghị định, 10 quyết định, 51 thông tư, 05 thông tư liên tịch), đạt 78,01%; còn nợ 53/241 văn bản (17 nghị định, 03 quyết định, 28 thông tư, 05 thông tư liên tịch), chiếm 21,99%.

Ngoài những kết quả đạt được Chính phủ cũng thừa nhận một số hạn chế. Đáng chú ý, tình trạng nợ đọng văn bản không những không giảm mà còn tăng cao hơn so với thời điểm Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, một số văn bản vẫn phải điều chỉnh tiến độ, thời gian trình, ban hành. Đến nay, còn nợ đọng 53 văn bản (17 nghị định, 03 quyết định, 28 thông tư, 05 thông tư liên tịch).