Theo đó, kê khai tài sản, thu nhập được quy định là việc ghi rõ ràng, đầy đủ, chính xác các loại tài sản, thu nhập, biến động tài sản, thu nhập phải kê khai, nguồn gốc tài sản tăng thêm theo Mẫu quy định. Mục đích của việc kê khai tài sản, thu nhập là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ cho công tác quản lý công chức, viên chức góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng.
Với nhận thức về tầm quan trọng của công tác minh bạch tài sản, thu nhập, thủ trưởng các đơn vị cần luôn xác định việc kê khai tài sản, thu nhập của công chức có nghĩa vụ kê khai là một nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa vừa trước mắt, vừa lâu dài trong công tác quản lý cán bộ và công tác phòng, chống tham nhũng. Việc tổ chức triển khai các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập một cách nghiêm túc, thực chất, khoa học sẽ góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần gương mẫu, liêm khiết trong đội ngũ công chức lãnh đạo, phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi lạm dụng, lợi dụng, nhũng nhiễu, vụ lợi trong hoạt động công vụ, từ đó góp phần quan trọng giúp các đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn được giao, đồng thời cũng góp phần hỗ trợ và thúc đẩy sự lành mạnh của nền văn hóa công vụ.
1. Trình tự, thủ tục kê khai tài sản, thu nhập
Bước 1: Lập Danh sách Người có nghĩa vụ kê khai
Thời gian:
- Việc lập danh sách người có nghĩa vụ kê khai được thực hiện hàng năm, chậm nhất là ngày 30 tháng 11.
- Việc kê khai tài sản, thu nhập phải hoàn thành chậm nhất là ngày 31/12 hàng năm.
- Việc giao nhận Bản kê khai phải hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/3 của năm sau.
Đối tượng kê khai: Xem chi tiết tại Phụ lục I Thông tư 08/2013/TT-TTCP. Tại Bộ Tư pháp, người kê khai gồm 03 nhóm chính:
- Cán bộ, công chức từ Phó trưởng phòng trở lên
- Một số chức danh chuyên ngành như Thẩm tra viên, thanh tra viên
- Công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo nhưng được bố trí thường xuyên làm các công việc trong các lĩnh vực quản lý ngân sách, tài sản, tổ chức cán bộ, tài chính kế toán..
Quy trình:
Bộ phận phụ trách công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan, đơn vị có trách nhiệm:
- Lập danh sách Người có nghĩa vụ kê khai trình người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phê duyệt. Danh sách phải xác định rõ đối tượng thuộc cấp ủy quản lý, đối tượng được cấp trên quản lý, đối tượng thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý.
- Gửi danh sách người có nghĩa vụ kê khai đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc.
- Gửi mẫu Bản kê khai tài sản, thu nhập, hướng dẫn và yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập.
Bước 2: Tổ chức kê khai tài sản, thu nhập
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được mẫu Bản kê khai, người có nghĩa vụ kê khai phải hoàn thành việc kê khai, nộp 01 bản về bộ phận phụ trách công tác tổ chức, cán bộ và lưu cá nhân 01 bản.
- Trường hợp tại thời điểm kê khai, Người có nghĩa vụ kê khai không thể tiến hành kê khai đúng thời hạn vì lý do khách quan như: nghỉ phép năm hay gặp trở ngại do bất khả kháng, thì thực hiện việc kê khai trước hoặc sau ngày trở về cơ quan làm việc bình thường; trường hợp được cử đi công tác dài ngày, đi nước ngoài, thì việc kê khai được thực hiện bằng bản mềm, hoặc gửi bản cứng qua đường bưu điện, người kê khai bổ sung việc kê khai bằng bản cứng ngay sau ngày trở về cơ quan làm việc bình thường; trường hợp phải điều trị, chữa bệnh tại bệnh viện theo chỉ định của bác sỹ thì thực hiện việc kê khai ngay sau ngày về cơ quan làm việc bình thường.
- Người kê khai phải ký vào từng trang của Bản kê khai; ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm hoàn thành Bản kê khai, ký ở trang cuối cùng của Bản kê khai.
Bước 3: Tiếp nhận, kiểm tra, sao lục, gửi, lưu, quản lý Bản kê khai
Bộ phận phụ trách công tác tổ chức, cán bộ có trách nhiệm:
Tiếp nhận, kiểm tra:
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được bản kê khai) kiểm tra tính đầy đủ về nội dung phải kê khai.
- Trường hợp bản kê khai chưa đúng quy định (theo mẫu) thì yêu cầu kê khai lại, thời hạn kê khai lại là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.
- Người thuộc bộ phận tổ chức, cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý Người có nghĩa vụ kê khai phải kiểm tra tính đầy đủ các nội dung phải kê khai và ký vào từng trang của Bản kê khai, ghi rõ họ tên đầy đủ, ngày tháng năm nhận Bản kê khai và ký tên ở trang cuối cùng của Bản kê khai.
Sao lục, gửi:
- Gửi bản chính đến cơ quan tổ chức cấp trên đối với người kê khai do cấp trên quản lý.
- Gửi bản sao đến cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi sẽ công khai Bản kê khai để thực hiện việc công khai theo quy định. Sau khi công khai, lưu bản này cùng hồ sơ của Người có nghĩa vụ kê khai tại cơ quan mình.
- Bộ phận tổ chức, cán bộ có trách nhiệm mở Sổ theo dõi việc giao nhận Bản kê khai.
- Trường hợp người có nghĩa vụ kê khai được điều động sang cơ quan, tổ chức đơn vị khác thì Bản kê khai phải được chuyển giao cùng hồ sơ cán bộ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mới.
Trường hợp người có nghĩa vụ kê khai nghỉ hưu, thôi việc thì Bản kê khai được lưu giữ theo quy định về quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức.
Bước 4: Quản lý, khai thác, sử dụng bản kê khai
- Bản kê khai được lưu cùng hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức. Khi cần khai thác thì sử dụng Bản kê khai đã lưu cùng hồ sơ cán bộ này.
- Người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm lưu giữ bản sao Bản kê khai của mình.
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người có nghĩa vụ kê khai chủ động sử dụng, khai thác Bản kê khai phục vụ công tác cán bộ và phòng, chống tham nhũng. Việc khai thác, sử dụng Bản kê khai phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị giao nhiệm vụ bằng văn bản.
2. Trình tự công khai bản kê khai
Bước 1: Xây dựng kế hoạch
Hàng năm, bộ phận phụ trách công tác tổ chức, cán bộ phải xây dựng, trình người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phê duyệt kế hoạch công khai Bản kê khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Nội dung kế hoạch công khai Bản kê khai bao gồm:
- Lựa chọn hình thức, phạm vi công khai phù hợp với điều kiện, đặc điểm về tổ chức, hoạt động, quy mô của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Xác định các nhiệm vụ phải thực hiện:
Nếu công khai bằng hình thức niêm yết cần phải xác định vị trí niêm yết, danh sách người kê khai phải niêm yết ở từng vị trí, phương án bảo vệ, tổ chức thu nhận thông tin phản hồi, thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc niêm yết.
Nếu công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp cần phải xác định danh sách người kê khai tương ứng với phạm vi công khai theo quy định; thời gian, địa điểm cuộc họp, người chủ trì, thành phần cuộc họp, tổ chức tiếp nhận phản ánh, trình tự tiến hành cuộc họp;
- Thời gian triển khai việc công khai;
- Phân công thực hiện;
- Biện pháp đảm bảo thực hiện.
Bước 2: Phê duyệt kế hoạch
Người đứng đầu cơ quan quyết định công khai Bản kê khai bằng một trong hai hình thức: (1) Niêm yết tại trụ sở cơ quan hoặc (2) Công bố tại cuộc họp.
Hình thức Niêm yết Bản kê khai được áp dụng trong điều kiện cơ quan, tổ chức, đơn vị có địa điểm niêm yết đảm bảo an toàn, không làm mất, rách, nát và đủ điều kiện để mọi người trong cơ quan, đơn vị có thể xem. Thời gian niêm yết tối thiểu là 30 ngày liên tục kể từ ngày niêm yết.
Hình thức công khai tại cuộc họp phải đảm bảo đủ thời lượng, số lượng người tham dự cuộc họp tối thiểu 70% số người thuộc phạm vi triệu tập.
Bước 3: Phổ biến và triển khai kế hoạch
- Bộ phận phụ trách công tác tổ chức, cán bộ phổ biến kế hoạch công khai được phê duyệt, kèm theo danh sách và bản sao các Bản kê khai gửi các đơn vị trực thuộc.
- Các đơn vị tổ chức thực hiện kế hoạch công khai, lập báo cáo việc thực hiện gửi về bộ phận tổ chức cán bộ.
- Bộ phận tổ chức cán bộ tiến hành tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Việc công khai việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/3 năm sau.
3. Chế độ thông tin, báo cáo
Nội dung 1: Xây dựng hồ sơ minh bạch tài sản, thu nhập
- Bộ phận phụ trách công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng hồ sơ về minh bạch tài sản, thu nhập của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, công tác phòng, chống tham nhũng.
Hồ sơ minh bạch tài sản, thu nhập của cơ quan, tổ chức, đơn vị phải bao gồm:
- Các văn bản quy định, chỉ đạo do cấp trên hoặc tự mình ban hành về minh bạch tài sản, thu nhập; các tài liệu hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra (nếu có);
- Danh sách Người có nghĩa vụ kê khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được lập và phê duyệt hàng năm để theo dõi về thời gian nộp Bản kê khai, thời gian công khai và việc khai thác, sử dụng Bản kê khai;
- Kế hoạch công khai hàng năm, các tài liệu về công khai Bản kê khai;
- Các hồ sơ xác minh;
- Các hồ sơ xử lý kỷ luật vi phạm về minh bạch tài sản và các tài liệu về yêu cầu khai thác, sử dụng Bản kê khai;
- Các báo cáo thực hiện định kỳ, đột xuất của cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới, các báo cáo định kỳ, đột xuất của cơ quan mình;
- Riêng Bản kê khai của Người có nghĩa vụ kê khai thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý được lưu cùng hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức.
Nội dung 2: Chế độ báo cáo hàng năm về minh bạch tài sản, thu nhập
- Nội dung báo cáo bao gồm: Tình hình chỉ đạo, triển khai, tổ chức và kết quả thực hiện việc kê khai, công khai, xác minh, xử lý vi phạm (nếu có) của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 4 năm trước tới ngày 31 tháng 03 năm sau.
Văn bản báo cáo gồm phần lời và số liệu kèm theo được trình bày theo mẫu Báo cáo kèm theo Thông tư 08 (Phụ lục IV).
- Chậm nhất ngày 10 tháng 4 hàng năm, cơ quan, đơn vị quản lý người có nghĩa vụ kê khai phải hoàn thành báo cáo về việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
4. Một số đề xuất, kiến nghị
- Nghị định số 78/2013//NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập và Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập là những văn bản mới được ban hành với nhiều quy định mới được bổ sung. Đề nghị Thanh tra Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền và hướng dẫn triển khai thực hiện một cách hiệu quả và có chiều sâu, từ đó đảm bảo cho các quy định được thực hiện một cách đầy đủ, kịp thời.
- Công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập tại các tổ chức, đơn vị cần thực hiện nghiêm túc và thường xuyên ngay từ năm đầu tiên để sớm đưa công tác này đi vào nền nếp, góp phần tích cực, hiệu quả, thiết thực vào công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, cần nghiên cứu và có cơ chế triển khai phù hợp, đảm bảo nội dung thực chất, khắc phục một số biểu hiện hình thức trong công tác này.
- Theo quy định, minh bạch tài sản, thu nhập là để “phục vụ công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức”, trách nhiệm triển khai các hoạt động của công tác minh bạch tài sản, thu nhập thuộc về “cơ quan quản lý tổ chức, cán bộ”, vì vậy, mặc dù có sự giao thoa với công tác thanh tra nhưng việc triển khai công tác kê khai tài sản, thu nhập cần được thực hiện trong tổng thể các khâu của công tác cán bộ, đảm bảo sự kết nối chặt chẽ trong công tác này. Để triển khai một cách đồng bộ, có hiệu quả các quy định nêu trên Bộ Tư pháp cần xác định trách nhiệm cụ thể của các đơn vị trong việc giúp Bộ trưởng triển khai các nội dung công việc nêu trên.
- Theo quy định hiện hành, việc kê khai tài sản, thu nhập được thực hiện thường xuyên hàng năm dưới hình thức văn bản in với số lượng ít nhất 02 bản (bản chính và bản sao) sẽ gây lãng phí nhất định. Trong thời gian tới, cần nghiên cứu về việc xây dựng văn bản điện tử để đảm bảo tiết kiệm và cơ sở dữ liệu để thuận tiện cho việc tổng hợp, quản lý, đối chiếu, kiểm tra xác minh biến động tài sản, thu nhập của cá nhân trong thời gian dài./.
Nguyễn Xuân Tùng