Ngoài quy định chung về độ tuổi kết hôn, nhiều khả năng sẽ có “ngoại lệ” về tuổi kết hôn của nữ giới thuộc một số dân tộc thiểu số (từ đủ 16 tuổi sẽ được kết hôn). Đây là một nội dung được nhiều sự đồng thuận của các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi.
Áp dụng với dân tộc nào?
Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết đa số ý kiến đại biểu thống nhất với quy định tuổi kết hôn của cả nam và nữ là “Đủ mười tám tuổi trở lên”; một số ý kiến đề nghị giữ nguyên độ tuổi kết hôn như Luật hiện hành hoặc quy định độ tuổi “Nam từ đủ hai mươi tuổi trở lên và nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên”.
Ủy ban Các vấn đề xã hội thống nhất với quy định về độ tuổi kết hôn như dự thảo Luật. Ngoài ra, Ủy ban này cũng cho biết Bộ Tư pháp và một số ý kiến đề nghị cân nhắc bổ sung quy định ngoại lệ đối với trường hợp nữ chưa đủ 18 tuổi.
Theo Ủy ban các vấn đề xã hội, thực trạng kết hôn sớm theo tập quán vẫn diễn ra khá phổ biến ở một số vùng, miền dù quy định về độ tuổi kết hôn hiện hành đã được thực hiện ổn định trong thời gian dài. Việc bổ sung quy định ngoại lệ giúp bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, đặc biệt là trẻ em được sinh ra trong trường hợp này. Nếu bổ sung quy định trường hợp ngoại lệ về tuổi kết hôn của nữ thì điều kiện phải chặt chẽ như giảm tối đa không quá 2 tuổi, được hai bên gia đình công nhận hoặc được sự đồng ý của người giám hộ, đã có con chung.... Trên cơ sở luật định, Chính phủ sẽ hướng dẫn các trường hợp đặc biệt kết hôn từ đủ 16 tuổi.
Ủng hộ cần có “ngoại lệ”, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng “nếu quy định 18 tuổi áp dụng cho mọi đối tượng thì sẽ không thực tế. Hiện nay một số vùng đồng bào dân tộc, bà con vẫn kết hôn dưới độ tuổi quy định mà chúng ta không xử lý được”. Do vậy, đối với các vùng này có thể hạ tuổi kết hôn thấp hơn quy định và nên từ đủ 16 tuổi trở lên. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có danh mục cụ thể những dân tộc thiểu số nào, ở địa phương nào được áp dụng quy định này.
Chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện lo ngại “dự thảo mở rộng quá sẽ dẫn đến việc kết hôn sớm nhiều”. Vì thế theo ông Hiện ngoài điều kiện được bố mẹ/người giám hộ đồng ý thì nên có thêm điều kiện chỉ áp dụng đối với một số dân tộc ít người.
Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến chưa đồng tình về hạ độ tuổi kết hôn. Có ý kiến cho rằng vấn đề này chưa được tổng kết, thực tế không có vướng mắc thì nên giữ nguyên như quy định hiện nay (nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên).
Ly thân, thêm cơ hội lựa chọn
Được đưa ra trình lần đầu tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chế định ly thân cũng là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm đóng góp nhiều ý kiến và hiện đang có 2 loại ý kiến khác nhau. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội trình 2 phương án: Thứ 1: bổ sung chế định ly thân trong Luật nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của các bên, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên, vì đây là một vấn đề riêng tư, nhiều gia đình không muốn công khai tình trạng ly thân, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng quy định mềm dẻo hơn để bảo đảm quyền được lựa chọn của vợ chồng, đó là, tự thỏa thuận ly thân hoặc thỏa thuận ly thân được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng. Đồng thời, khái niệm "ly thân" cũng đã được sửa đổi cho phù hợp. Ngoài ra, để tránh việc hiểu ly thân là điều kiện để ly hôn, quy định ly thân được chuyển từ chương “Chấm dứt hôn nhân” sang chương “Quan hệ vợ chồng”. Thứ 2: không bổ sung chế định ly thân trong Luật.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: đưa vào chế định ly thân để thêm cho người dân cơ hội lựa chọn. Văn bản thỏa thuận ly thân nếu được công chứng sẽ được xem như một chứng cứ chứng minh vợ chồng đã hàn gắn nhưng không hàn gắn được, nếu phải ra Tòa ly hôn sẽ không cần phải qua thủ tục hòa giải. Như vậy, theo Bộ trưởng sẽ đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người phụ nữ bởi thực tế có những trường hợp giải quyết ly hôn rất chậm, bị kéo dài vì vấn đề thủ tục.
Kết luận vấn đề này, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng sẽ trình cả hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định.
Bình An
1. Phương án 1:
Nam, nữ kết hôn phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Đủ mười tám tuổi trở lên;
Phương án 2: sửa đổi điểm a khoản 1 như sau:
Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Đủ mười tám tuổi trở lên.
Trong trường hợp đặc biệt, tuổi kết hôn đối với nữ có thể giảm so với tuổi kết hôn được quy định trong Luật này nhưng tối đa không quá 2 tuổi theo quy định của Chính phủ. Nữ đã kết hôn theo quy định này được coi là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự trong việc xác lập, thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, tố tụng dân sự.
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 4 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính
(Dự thảo Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi) |