Đây là một trong số ít các dự án nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của các Đại biểu Quốc hội, với 100% Đại biểu tham gia biểu quyết đã biểu quyết nhất trí tán thành thông qua Nghị quyết này. Điều này đã cho thấy, vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của công tác thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành đối với sự kinh tế - xã hội của đất nước.
Công tác thi hành luật, pháp lệnh thời gian gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo gắn kết hơn với công tác xây dựng pháp luật, góp phần đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác này còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, đặc biệt là tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng cho đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Để tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành, trong Nghị quyết này Quốc hội đề ra nhiều biện pháp có tính quyết liệt như:
Đề cao vai trò, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Tăng cường vị trí, vai trò của Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và tăng cường công tác giám sát của các cơ quan này đối với hoạt động triển khai thi hành, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Yêu cầu các cơ quan phải thực hiện nghiêm quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các nghị quyết của Quốc hội về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, khả thi của luật, pháp lệnh, nghị quyết; hạn chế việc phải ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan trong việc để xảy ra tình trạng chậm triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành…
Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết này với tỷ lệ 100% các Đại biểu tham gia biểu quyết tán thành đã cho thấy, sự quyết tâm của Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội và của cả hệ thống Chính trị đối với công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc nhanh chóng đưa quy định của luật, pháp lệnh đi vào cuộc sống, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.