“Quốc ca” – Lời non sông, lời đất nước

26/11/2013

“Đoàn quân Việt Nam đi

Chung lòng cứu quốc,

Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa,

Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước,

Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca…”[1]

Tự hào thay và xúc động thay mỗi khi âm hưởng hào hùng của bài hát “Tiến quân ca - Quốc ca của Việt Nam” được vang lên…, lời bài hát là lời của non sông, lời của đất nước hơn bốn nghìn năm lịch sửa đấu tranh dựng nước và giữ nước.

1. "Tiến quân ca"của Văn Cao đã được ra đời trong thời khắc thiêng liêng của dân tộc

Dân tộc Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam vững bước đi lên và tự hào khi có những người con anh hùng, bất khuất, những người con “từ nhân dân mà ra” để được “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh” , “vì nhân dân mà phục vụ”… và rồi những người con được sinh ra “từ nhân dân” đó đã kết thành một trong những lực lượng vũ trang lớn mạnh của dân tộc Việt Nam – Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/3013).

Gần 70 năm về trước, Quân đội nhân dân Việt Nam tiền thân là đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được ra đời trong một ngày lịch sử - ngày 22/12/1944, theo Chỉ thị của Hồ Chủ tịch. Khi mới thành lập đội gồm có 34 chiến sỹ với 34 khẩu súng các loại, được biên chế thành 03 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng và đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy chung – Người mà đã khiến quân thù “khiếp sợ, kính phục” bởi tài năng và nhân cách và đã trở thành một trong những con người của lịch sử “chiến tranh và hòa bình” được ghi lại trong những bản hùng ca đi cùng năm tháng, trong đó có “Tiến quân ca”.

“Tiến quân ca” đã được ra đời trong bối cảnh lịch sử và nguồn cảm hứng từ trong những buổi đầu “Đoàn quân Việt Nam đi…” trong khí thế hào hùng của phong trào Việt Minh, khi “Đất nước đứng lên” đoàn kết đấu tranh, giải phóng khỏi xiềng xích nô lệ. Ca khúc đã thể hiện sự vùng lên của cả dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Lúc sinh thời, Nhạc sỹ Văn Cao từng viết về cảm xúc khi sáng tác bài “Tiến quân ca” lần đầu được đăng trên báo Ðộc Lập tháng 11 năm 1944: “Tôi tự tay viết bài “Tiến quân ca”,  lên đá in trên trang văn nghệ đầu tiên của tờ báo Ðộc Lập còn giữ lại nét chữ viết của anh thợ mới vào nghề. Một tháng sau khi báo phát hành tôi từ cơ quan ấn loát trở về. Qua một đường phố nhỏ (bây giờ là đường Mai Hắc Ðế) tôi chợt nghe thấy tiếng đàn măng-đô-lin từ một căn gác vọng xuống. Có người đang tập hát “Tiến quân ca”. Tôi dừng lại và tự nhiên thấy xúc động. Một xúc động đến với tôi hơn tất cả những tác phẩm của tôi đã được trình diễn ở các rạp hát trước đây. Tôi nhận ra được vài chỗ nhịp điệu còn chưa được hoàn chỉnh. Nhưng bài hát đã in rồi. Bài hát đã được phổ biến và không còn là của riêng tôi”[2]...

Ngày 13/08/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến quân ca”  làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau đó 05 ngày - ngày 17/08/1945, trong cuộc mít tinh của công chức Hà Nội, bài “Tiến quân ca” đã được hàng ngàn người hòa nhịp cất cao tiếng hát trước Quảng trường Nhà hát Lớn và  để rồi 2 ngày sau đó: “Cũng tại quảng trường Nhà hát lớn, ngày 19/08/1945 - cái ngày đã đi vào lịch sử với tên gọi “Cách mạng tháng Tám”, trong cuộc mít tinh lớn, dàn đồng ca của Đội Thiếu niên Tiền phong đã hát vang bài “Tiến quân ca” chào lá cờ đỏ sao vàng”[3].

 

 

Ngày 02/09/1945, “Tiến quân ca” cùng cờ đỏ sao vàng hãnh diện ngân vang và tung bay trong “Ngày độc lập” khi Bác Hồ đọc bản Tuyên Ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước toàn thể quốc dân đồng bào và toàn thế giới.

Lời bài hát đã hun đúc cho mỗi người dân Việt Nam một lòng nồng nàn yêu nước, niềm tự hào dân tộc sâu sắc, rèn luyện bản lĩnh tự lập, tự cường dân tộc, thắt chặt tình cảm gắn bó máu thịt của con người Việt Nam với quê hương, đất nước. Dù ở nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, mỗi khi lời bài hát “Tiến quân ca” được cất lên, mỗi người dân Việt Nam đều trang nghiêm và thành kính, kiêu hãnh và tự hào hướng tới lá cờ đỏ sao vàng thắm máu cha anh - nơi đó là Tổ quốc thân yêu, có Bác Hồ, có Đại tướng, có những “người con gái, con trai” đã cùng “Nước Việt Nam từ máu lửa - Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”[4] làm nên những mốc son của lịch sử của những “Bạch Đằng”; “Chi Lăng”; “Đống Đa”; “Điện Biên Phủ” và của “Mùa xuân đầu tiên – mùa xuân1975”… tất cả đã trở thành niềm kiêu hãnh, niềm tự hào dân tộc của hôm qua, hôm nay và vang vọng mãi muôn đời sau.

2. “Tiến quân ca” đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm của thời gian và lịch sử

Chỉ hơn một năm sau ngày bài hát “Tiến quân ca” được Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; ngày 09/11/1946 cùng với lá cờ đỏ sao vàng năm cánh được ghi nhận là lá cờ của Tổ quốc và Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bài hát đã chính thức được ghi nhận trong bản Hiến pháp đầu tiên của đất nước Việt Nam – Hiến pháp 1946: “Quốc ca là bài Tiến quân ca” (Điều 3)[5].

Trải qua gần 70 năm, có những thời điểm, những năm tháng “Tiến quân ca” không được ghi nhận chính thức trong các bản Hiến pháp năm 1959, 1980 và có lúc đứng trước nguy cơ bị thay thế “chưa nói về chuyện có người tự nhận là đồng tác giả của “Tiến quân ca”, gần 70 năm kể từ khi ra đời, ca khúc đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm, không ít lần bị nhăm nhe thay thế hoặc sửa lời…”[6], nhưng bài hát vẫn cùng với lá cờ đỏ sao vàng và anh “Bộ đội Cụ Hồ” hiên ngang, vững bước hành quân đi lên cùng với những tháng năm lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, đi qua khói bom của hai cuộc kháng chiến, đi trong ánh trăng của những đêm Trường Sơn và trong suốt bốn mùa của 30 năm đấu tranh giành độc lập non sông, để rồi ngày 02/07/1976 tại phiên họp Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, nhạc và lời của bài “Tiến quân ca” vẫn được Quốc hội quyết định chọn là Quốc ca của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

“Không chỉ đến những năm 80, mà trước đó đã có cá nhân đề cập việc đổi Quốc ca với Bác Hồ. Bác đã nói, sao các chú lại bàn chuyện đổi Quốc ca ở đây? Lá cờ đỏ sao vàng tung bay ở đâu, lời Quốc ca vang lên đến đó. Nếu các chú muốn xóa lá cờ đỏ sao vàng, xóa cách mạng thì hãy tính tới chuyện đổi Quốc ca”[7].

  Thời gian qua, dù có một vài ý kiến đề nghị thay đổi lời của bài Quốc ca, nhưng lời của bài “Tiến quân ca” thúc giục người Việt Nam tiến lên vì Tổ quốc và lá cờ đỏ sao vàng “In máu chiến thắng mang hồn nước” vẫn tiếp tục được quy định trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 giống như bản Hiến pháp hiện hành “Đối với nhiều người thì Quốc ca đã đi vào lịch sử, đi vào lòng dân và là hồn của đất nước, mà đã là lịch sử thì không thể sửa hoặc thay đổi. Và lời Bác Hồ vẫn còn đó…”[8].

3. Luật hóa hát Quốc ca

Quốc ca ở mỗi nơi mang một dáng vẻ riêng. Ở một số nước, Quốc ca là bài ca về Đấng sáng tạo, về Hoàng gia: Quốc ca Anh có tên Chúa bảo vệ Nữ hoàng (God Save The Queen), Quốc ca New Zealand là Chúa chở che New Zealand (God Defend New Zealand), Thụy Sỹ đưa Thánh ca thành bài hát thiêng liêng nhất của dân tộc - Thánh ca Thụy sỹ (Swiss Psalm), Ả Rập Saudi khắc họa vị thế của Quốc vương trong lòng dân tộc với Quốc vương muôn năm (Aash Al Maleek), còn Tây Ban Nha là Hành khúc Hoàng gia (Marcha Real)... Và ở nhiều nước khác, Quốc ca là tình yêu nước thiết tha, là niềm tự hào thiêng liêng của dân tộc: Mỹ với Ngọn cờ lấp lánh sao (The Star - Spangled Banner), Áo với Đất của núi, Đất trên sông (Land der Berge, Land am Strome),  Malaysia với Tổ quốc tôi (Negaraku), Bulgaria với Hỡi đất Mẹ (Mila Rodino), Na Uy với Vâng, Chúng ta yêu đất nước này (Ja, Vi Elsker Dette Landet), Hàn Quốc và Triều Tiên là Ái quốc ca (Aegukka)... Nhưng quy tựu lại, Quốc gia thể hiện bản sắc văn hóa thiêng liêng của mỗi dân tộc, nhân cách cao đẹp của nhân dân các nước và sự gắn bó thủy chung với mảnh đất nơi họ được sinh ra[9].

Ở Việt Nam Quốc ca đã đi vào lịch sử, đi vào lòng dân, là lời của non sông, lời của đất nước và đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Tuy nhiên “Hiện nay, có một tình trạng phổ biến đáng buồn là rất nhiều người Việt, nhất là người trẻ, không thuộc trọn vẹn bài Quốc ca. Hơn nữa, việc sử dụng đĩa nhạc Quốc ca trong các buổi lễ chào cờ tại các cơ quan, tổ chức, trường học, các lễ kỷ niệm… đã khiến nhiều người càng có "lý do" để không thuộc Quốc ca. Thật đáng buồn cho lòng tự tôn dân tộc khi tại các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, thể thao mang tính quốc tế, khi Quốc kỳ, Quốc ca Việt Nam cử hành, có những công dân Việt Nam chỉ đặt tay lên ngực và ngước nhìn”[10]… Và đâu đó còn có tình trạng hát còn sai lời và nhịp phách; giai điệu của Quốc ca vẫn còn chưa được thống nhất: “Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt nam dân chủ cộng hòa đã chọn bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao làm Quốc ca. Đó là bài hát hay, hùng tráng. Nó được sáng tác trong những ngày tháng đất nước bừng bừng khí thế đi lên, quyết đánh tan giặc thù để giành độc lập, tự do. Bài hát vì thế cũng mang một khí thế hào hùng, đầy tự hào, hối thúc cả đất nước dũng mãnh đi lên, quyết hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc. Đó là ý chí của toàn nhân dân Việt Nam. Lúc sinh thời Nhạc sĩ Văn Cao khi sáng tác bài hát này đã ấn định tốc độ cho bài hát là “Nhịp đi”, nay Quốc hội đã thống nhất giữ nguyên bản của tác phẩm “Tiến quân ca” làm Quốc ca. Vậy ta phải tôn trọng quyết định này. Không ai có quyền thay đổi nó, nếu muốn thay đổi bất cứ điều gì chỉ có Quốc hội mới có quyền quyết định”[11].

Trên thế giới, rất nhiều quốc gia có chế tài xử phạt đối với những hành vi không tôn trọng Quốc ca. Công dân Philippines có thể phải đối diện với bản án 2 năm tù hoặc mức phạt lên tới 100.000 peso, tức khoảng 2.280 đô la Mỹ khi hát sai lời hoặc sai nhịp Quốc ca[12]. Tại Nhật Bản, giáo dục lòng yêu nước trở thành ưu tiên số một trong các trường học ở Nhật Bản. Vì thế đã có hàng trăm giáo viên Nhật bị kỷ luật, cắt lương và thậm chí tạm đình chỉ công việc do không chịu hát Quốc ca trong lễ chào cờ...[13]

Năm 2013, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành nói chung, trong đó có Ngành Tư pháp nói riêng đã có nhiều bước tiến trong lịch sử lập pháp: Đây cũng là năm ghi nhận một sự kiện hệ trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, đó là việc toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp (sửa đổi) của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; ban hành và công bố những đạo luật quan trọng đã được Quốc hội khóa XIII thông qua, nhất là những dự thảo luật đang được Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân như: Hiến pháp (sửa đổi) Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Luật Việc làm, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) và ban hành những quyết định quan trọng công nhận thêm những ngày hội của toàn dân và các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội nghề nghiệp như: Công nhận Ngày 09/11 là Ngày Pháp luật Việt Nam (Điều 8 Luật số 14/2012/QH 13 – Luật Phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2013); công nhận Ngày 10-10 hàng năm là Ngày truyền thống của luật sư Việt Nam (Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 14/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ)….

 

 

Ngày 29/10/ 2013, Chính phủ nước Việt Nam cũng đã ban hành Nghị định số 145/2013/NĐ-CP Quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khác nước ngoài vừa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) công bố ngày 01/11, có hiệu lực từ ngày 16/12. Đối tượng áp dụng của Nghị định này là: “các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân…” (khoản 2 Điều 1). Tại Điều 27 của Nghị định quy định “đại biểu dự lễ hát Quốc ca”. Quy định này là rất cần thiết để thay đổi tình hình ỷ lại vào “máy hát” Quốc ca hiện nay của nhiều người Việt[14].

Nghị định 145/2013/NĐ-CP ra đời bên cạnh những mặt tích cực, có tác dụng thiết thực đến cuộc sống, thì Nghị định này đã bộc lộ một số bất cập, một trong những bất cập lớn đó là trong Nghị định không có bất kỳ quy định nào nói về chế tài xử phạt nào đối với những hành vi vi phạm Nghị định, hành vi không tôn trọng Quốc ca và không hát Quốc ca.  Việc đặt ra chế tài xử phạt khi có những hành vi vi phạm các quy định trong Nghị định là rất cần thiết, các hành vi vi phạm hoàn toàn có thể bị xử lý theo các quy định của pháp luật: Kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức buộc thôi việc, phạt tiền… “Nếu không có chế tài thì các quy chuẩn của Nghị đỉnh chỉ như là "sự chuyển động của không khí" mà thôi”[15]. Việc đặt ra các chế tài không chỉ nhằm mục đích sử phạt mà chính là để những văn bản, những quy định của pháp luật được ban hành không phải là những “văn bản trên trời”. Quy định các chế tài trong các văn bản luật cũng chính là thiết lập những điều kiện cần thiết để đảm bảo ý thức thượng tôn hiến pháp và pháp luật của mọi công dân “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” và đó là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với nhân dân, đối với đất nước.

 “Tổ quốc ơi! có bao giờ đẹp như hôm nay”[16], trong không khí của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc Việt Nam đã và đang thi đua lập nhiều thành tích chào mừng các ngày lễ lớn hàng năm của dân tộc và đất nước chuẩn bị đón một mùa xuân mới – xuân Quý Ngọ 2014… một năm với những ngày hội lớn của dân tộc: 39 năm Ngày Giải phóng miền Nam 30/4; 60 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Giải phóng Thủ đô, 69 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9; 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày quốc phòng toàn dân…, một năm với nhiều đạo luật mới sẽ có hiệu lực thi hành. Trong những ngày vui hôm qua, hôm nay và ngày mai… chúng ta không thể không khắc nghi công ơn của tổ tiên, ông cha, của Bác Hồ kính yêu, của những “người con gái, con trai” anh hùng, bất khuất “từ nhân dân mà ra”, những người đã góp phần viết lên những trang lịch sử của dân tộc Việt Nam, trong số đó có những người con anh hùng, trung hiếu của dân tộc Việt Nam: Thầy giáo - Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Người anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam; một vì sao sáng trong muôn ngàn vì sao soi sáng trên bầu trời thế giới….; và cố Nhạc sỹ - Thầy giáo Văn Cao, cha đẻ của “Tiến quân ca”, một trong những bản hùng ca đi cùng năm tháng và là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh sự ghi nhận của Hiến Pháp năm 1992 Quốc ca nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài “Tiến quân ca”[17] (Ðiều 143); thì Nghị định mới - Nghị định 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 đã khẳng định hơn nữa giá trị của “Tiến quân ca” – bản Quốc ca của Việt Nam bằng việc quy định bắt buộc hát Quốc ca trong các lễ kỷ niệm, nghi thức ngoại giao… để “Tiến quân ca” – được hòa cùng hồn dân tộc, được vang vọng mãi ngàn năm – “Nước non Việt Nam ta vững bền”[18]./.

 Việt Tiến

[1]Trích: “Tiến quân ca” - Nhạc và lời Văn Cao, sáng tác năm 1944

[2]Văn Cao: Tôi viết "Tiến quân ca", Trích từ "Cuộc đời và tác phẩm"- Nxb Văn học - 1996, tr.86-92

[3]Khánh Hoài: "Tiến quân ca"của Nam Cao ra đời trong thời khắc thiêng liêng của dân tộc”

Nguồn http://thethaovietnam.vn/van-hoa-nghe-thuat/tin-tuc-van-hoa-nghe-thuat/201306/tien-quan-cacua-nam-cao-ra-doi-trong-thoi-khac-thieng-lieng-cua-dan-toc-309057/  

[4]Trích “Đất nước” – Nguyễn Đình Thi sáng tác năm 1948 - nguồn: Rút từ tập Tia nắng” Nxb Văn học, năm 1983

[6]Nguyên Hằng: “Chuyện ít biết về số phận bi tráng của Quốc ca Việt Nam” - nguồn http://dantri.com.vn/van-hoa/chuyen-it-biet-ve-so-phan-bi-trang-cua-quoc-ca-viet-nam-773993.htm

[7]Nguyên Hằng: “Chuyện ít biết về số phận bi tráng của Quốc ca Việt Nam”

Nguồn http://dantri.com.vn/van-hoa/chuyen-it-biet-ve-so-phan-bi-trang-cua-quoc-ca-viet-nam-773993.htm  

[8]Nguyên Hằng: “Chuyện ít biết về số phận bi tráng của Quốc ca Việt Nam”

Nguồn http://dantri.com.vn/van-hoa/chuyen-it-biet-ve-so-phan-bi-trang-cua-quoc-ca-viet-nam-773993.htm

[9]Jakey Chan: “Vang lên quốc ca – niềm tự hào dân tộc” – nguồn http://kenhvietnam.blogspot.com/2013/10/vang-len-quoc-ca-niem-tu-hao-cua-dan-toc.html 

[10]Hồng Minh: “Để Quốc ca Việt Nam vang xa” - nguồn http://baophapluat.vn/thoi-su/de-quoc-ca-viet-nam-vang-xa-168865.html   

[11]Giáo sư Nguyễn Lân Hùng: “Quốc ca nên hát như thế nào?” - nguồn http://thethaovanhoa.vn/dien-dan-van-hoa/quoc-ca-nen-hat-nhu-the-nao-n20130627144831166.htm  

[12]Hồng Minh: “Để Quốc ca Việt Nam vang xa” - nguồn http://baophapluat.vn/thoi-su/de-quoc-ca-viet-nam-vang-xa-168865.html

[13]Nhật Bản: “Giáo viên bị phạt vì không chịu hát quốc ca” – nguồn http://thethaovanhoa.vn/quoc-te/nhat-ban-giao-vien-bi-phat-vi-khong-chiu-hat-quoc-ca-n2009033110596588.htm

[14]Hồng Minh: “Để Quốc ca Việt Nam vang xa” - nguồn http://baophapluat.vn/thoi-su/de-quoc-ca-viet-nam-vang-xa-168865.html

[15]Thanh Huyền: Bộ Văn hóa ra nghị định "trên mây":Tại người chủ trì soạn?

nguồn http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bo-van-hoa-ra-nghi-dinh-tren-maytai-nguoi-chu-tri-soan-2359677/

[16]“Tổ quốc yêu thương” sáng tác Hồ Bắc - nguồn baicadicungnamthang.net/bai-hat/to-quoc-yeu-thuong-1066.html  

[17]Ðiều 143 - Hiến Pháp năm năm 1992

[18]Trích: “Quốc Ca” - Nhạc và lời Văn Cao, sáng tác năm 1944, nguồn http://www.quoccavietnam.com/