Chính phủ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa

13/11/2013
Chiều qua (12/11), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình cuả Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ) trước Quốc hội.

Chủ phương tiện phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự

Theo đó, Chính phủ đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật so với Luật GTĐTNĐ năm 2004 để khắc phục bất cập trong thực tế xử lý các vụ tai nạn GTĐTNĐ xảy ra ở ngoài phạm vi luồng (đối với các sông, kênh, rạch được tổ chức quản lý) do khu vực này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật GTĐTNĐ năm 2004.

Trong các qui định về “Hoạt động vận tải đường thủy nội địa”, dự thảo Luật bổ sung qui định, “Chủ phương tiện quy định tại khoản 1 Điều 24 khi hoạt động vận tải đường thủy nội địa phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với người thứ ba” để bảo vệ quyền lợi cho bên thứ ba, cũng như giảm gánh nặng cho chủ phương tiện khi xảy ra tai nạn GTĐTNĐ.

Dự thảo luật cũng đã bổ sung quy định về “Cứu nạn giao thông đường thuỷ nội địa”, “Cứu hộ giao thông đường thủy nội địa”, và “Nguyên tắc cứu hộ” để có cơ sở thực hiện, giải quyết vụ việc vì các hoạt động này đang diễn ra trong thực tế và: bổ sung “Nội dung quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa làm cơ sở để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và quy hoạch, đầu tư phát triển giao thông vận tải.

Cần có yêu cầu cao hơn đối với phương tiện vận chuyển hành khách

Thẩm tra về dự án Luật này, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội nhận thấy sau 8 năm thực hiện, loại phương tiện GTĐTNĐ cần đăng ký chỉ đạt 34% và số phương tiện phải đăng kiểm chỉ đạt 61% là rất thấp, mà một trong các nguyên nhân là do quy định về đăng ký, đăng kiểm chưa phù hợp với thực tế cuộc sống, đặc biệt là đối với dân cư ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi phương tiện thủy là phổ biến. Do đó cần nghiên cứu, xem xét vấn đề này trong các qui định về điều kiện hoạt động của phương tiện tham gia giao thông, vận tải trên đường thủy nội địa.

Ủy ban cũng đề nghị bổ sung quy định đối với phương tiện GTĐTNĐ kinh doanh vận chuyển hành khách phải có yêu cầu cao hơn, khác biệt hơn, nhất là về an toàn so với phương tiện tự đi lại thông thường nhằm tăng cường sự quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn cho hành khách; đối với một số phương tiện chở khách đặc thù như tàu cao tốc, tàu cánh ngầm… cần bổ sung các quy định cụ thể hơn.

Ủy ban KH,CN&MT nhất trí bổ sung quy định về cứu nạn vào Dự thảo Luật vì thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ việc chìm tàu, gây thiệt hại lớn về người và vật chất đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác cứu nạn, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan cứu nạn, công an, quốc phòng. Bên cạnh việc cần nâng cao trách nhiệm quản lý tàu thuyền, cấp phép rời cảng, bến, trách nhiệm trong quản lý vận tải hành khách..., cần nâng cao ý thức của người dân khi tham gia GTĐTNĐ, tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát đối với phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là trong vận chuyển hành khách.

Và Ủy ban đã đề nghị quy định chi tiết hơn về nguyên tắc, sự phối hợp và trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, của các cơ quan tìm kiếm và cứu nạn…, nhấn mạnh quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý ĐTNĐ trước, trong và sau khi xảy ra tai nạn, nội dung tìm kiếm, khắc phục hậu quả sau khi vụ việc xảy ra trong hoạt động cứu nạn…

H.Giang