Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng

22/10/2013
Chiều nay - 22/10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng do Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trình bày cho biết, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý để thể hiện cơ bản các quan điểm theo định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng là: nâng cao tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng; phân cấp và mở rộng thẩm quyền khen thưởng đối với một số hình thức khen thưởng; tăng thời gian xét tặng đối với các danh hiệu như “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và “Anh hùng lao động”...

Tuy nhiên, tiếp tục thể hiện rõ trong dự thảo Luật các vấn đề quy định cụ thể hình thức khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp; tăng tỷ lệ khen thưởng đối với kết quả lao động sáng tạo; giảm bớt hình thức khen thưởng cấp nhà nước; quy định thống nhất các hình thức khen thưởng trong hệ thống chính trị và đối với các tổ chức, cá nhân.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng nhận thấy, quy định của dự thảo Luật đã đảm bảo mối quan hệ gắn kết giữa thi đua và khen thưởng. Đối với cá nhân, tuy không lấy danh hiệu thi đua làm căn cứ để xét khen thưởng nhưng trên thực tế các cá nhân được suy tôn, khen thưởng đều thông qua các phong trào thi đua, được bình xét, tôn vinh trong phong trào thi đua; nhiều trường hợp khen đột xuất được phát hiện từ các phong trào thi đua. Đối với tập thể phải đạt các danh hiệu thi đua mới được xem xét để khen thưởng. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn của các hình thức khen thưởng nhà nước đều gắn với những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc, có quá trình cống hiến và có ảnh hưởng tích cực đến xã hội...

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã rà soát, nghiên cứu, quy định cụ thể hơn, theo hướng nâng cao tiêu chuẩn đối với các danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến”: đồng thời bổ sung tiêu chuẩn của “Chiến sĩ thi đua cơ sở” đối với các đối tượng trong quân đội nhân dân và công an nhân dân trên cơ sở Luật hóa quy định của các Nghị định hiện hành; cụ thể hóa tiêu chuẩn “Lao động tiên tiến” đối với công nhân, nông dân, người lao động...

Trong quá trình thảo luận về dự thảo Luật, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung các danh hiệu vinh dự nhà nước “Nhà khoa học nhân dân”, “Nhà khoa học ưu tú”, bổ sung danh hiệu vinh dự nhà nước cho nông dân, doanh nhân, nhà báo, luật gia, hòa giải viên... nhưng Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc tôn vinh các nhà khoa học, nhà báo, luật gia, doanh nhân... có nhiều công lao, đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là cần thiết. Theo dự thảo Luật, các đối tượng này đều có thể được khen thưởng ở tất cả các cấp độ, nếu có thành tích đặc biệt xuất sắc thì được xem xét tặng Huân chương, các danh hiệu vinh dự nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước căn cứ vào lĩnh vực hoạt động, thành tích, mức độ ảnh hưởng của thành tích. Quán triệt tinh thần “giảm bớt các hình thức khen thưởng nhà nước” nên Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu các đề xuất trên trong quá trình sửa đổi toàn diện Luật…

Tại buổi thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, tiêu chuẩn, hình thức của các danh hiệu thi đua, khen thưởng, thời hạn xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng để tránh “khen thưởng tràn lan, thi đua hình thức”./.

H.Giang