Ngày hội hướng về pháp luật
Theo Bộ Tư pháp, năm 2013 là năm ghi nhận một sự kiện rất quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, đó là việc toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp (sửa đổi) của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Do đó, "Ngày Pháp luật năm 2013" cần thực sự trở thành sự tiếp nối đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng nêu trên, nhằm phát huy ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong thực hành “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Trong "Ngày Pháp luật" này, cả nước sẽ tổ chức đợt cao điểm về phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) với nhiều hoạt động thiết thực; tập trung PBGD các văn bản pháp luật, tổ chức khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL... Nhưng có "Ngày pháp luật" không có nghĩa là phủ nhận những hoạt động PBGDPL vẫn thực hiện hàng ngày vì như Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường từng khẳng định: "để xây dựng nhà nước pháp quyền, ngày nào trong năm cũng phải là ngày pháp luật".
Triển khai Luật PBGDPL, nội dung "Ngày pháp luật" đã được đưa vào kế hoạch PBGDPL năm 2013 của nhiều địa phương, cơ quan, tổ chức. Trong số rất nhiều hoạt động PBGDPL, tới đây, Sở Tư pháp Hà Nội sẽ triển khai "Ngày pháp luật phòng chống tham nhũng" để thực hiện tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật cho các tầng lớp nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức nắm được những văn bản quy phạm pháp luật và các quy định có liên quan trong hoạt động phòng, chống tham nhũng. Bà Hồ Xuân Hương (Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.Hà Nội) khẳng định, " Ngày pháp luật phòng chống tham nhũng" được tổ chức không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tế mà còn tránh sự nhàm chán của những “lối mòn” mà công tác PBGDPLdễ vấp phải".
Còn tại Hà Nam, "Ngày pháp luật" năm nay sẽ được tập trung vào nội dung Luật xử lý vi phạm hành chính. Ông Nguyễn Văn Tình (Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam) cho biết, Hà Nam chọn chủ đề này cho "Ngày pháp luật" là vì việc xử lý vi phạm hành chính ở địa phương thời gian qua có nhiều bất cập mà hy vọng có thể xử lý thông qua việc triển khai thực hiện tốt đạo luật mới ban hành này.
Là một tỉnh ở khu vực miền núi phía Bắc, tỉnh Yên Bái cũng đã tổ chức "Ngày pháp luật" vào 18/8 hàng tháng với những hoạt động PBGDPL tích cực và thiết thực với người dân. Nhưng từ năm nay, Yên Bái sẽ "tích hợp" "Ngày pháp luật" của tỉnh vào "Ngày pháp luật" quốc gia - ngày 9/11 và theo bà Phạm Thị Minh Lý (Phó phòng PBGDPL, Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái) cho biết, tỉnh sẽ tổ chức "Ngày Pháp luật" thực sự là một ngày hội tìm hiểu pháp luật cho nhân dân địa phương...
Sáng kiến nhỏ mang hiệu quả lớn
Không phải ngẫu nhiên, mô hình "Ngày pháp luật" được đánh giá như vậy. Trước khi có Luật PBGDPL, từ sáng kiến của một số cơ quan Tư pháp của tỉnh Hà Tây (cũ), Long An, Tiền Giang… tổ chức "Ngày pháp luật" cho các cơ quan Nhà nước. Vào ngày này, các cán bộ công chức, viên chức tập trung nghe phổ biến, nghe quán triệt những văn bản nào được ban hành có liên quan đến lĩnh vực của họ để làm sao biết pháp luật và thực thi công vụ. Dần dần, nhiều Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đơn vị cũng có những "Ngày pháp luật".
Dù chưa hoàn toàn thống nhất về nội dung, hình thức, song "Ngày pháp luật" đều hướng đến mục tiêu “đưa pháp luật vào cuộc sống, xây dựng ý thức và nhận thức về pháp luật trong cán bộ, nhân dân và ý thức chấp hành pháp luật của toàn xã hội”. Thế nên trong năm 2010, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ đã hướng dẫn việc nhân rộng Ngày Pháp luật trên phạm vi toàn quốc. Tính đến ngày 31/8/2011, đã có 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 06 bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện mô hình này.
Những năm qua, "Ngày pháp luật" dù "mang màu sắc" của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị song đã trở thành một hoạt động quen thuộc, giúp cho việc phổ biến, quán triệt, tìm hiểu văn bản qui phạm pháp luật không còn khô cứng. Pháp luật nhờ đó cũng đến được gần hơn với cuộc sống, hiện diện nhiều hơn, thường xuyên hơn trong hành vi của mỗi cá nhân, tổ chức. Trong tờ trình Quốc hội về việc ban hành Luật PBGDPL, Chính phủ đánh giá, bước đầu thực hiện "Ngày Pháp luật" ở các địa phương, cơ quan cho thấy mô hình này đã đem lại hiệu quả thiết thực vì đây là một cách làm mới, tích cực, góp phần đa dạng hóa các hình thức PBGDPL hiện có. Và Quốc hội đã nhất trí có "Ngày pháp luật" để tôn vinh nhằm nhắc nhở, động viên cán bộ, nhân dân toàn xã hội tôn trọng và chấp hành tốt pháp luật.
Như vậy, "Ngày pháp luật" rõ ràng rất quan trọng trong việc PBGDPL, góp phần tạo chuyển biến nhận thức về việc thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, nhất là trong thời điểm Quốc hội đang thảo luận để chuẩn bị thông qua Hiến pháp sửa đổi. Tuy nhiên, vấn đề được Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh là "Ngày pháp luật" phải được tổ chức tránh lãng phí và hình thức, để "Ngày pháp luật" đầu tiên của chúng ta thực hiện đúng theo mục đích của Quốc hội đã đề ra trong luật"./.