Thêm Quỹ sẽ “phí chồng phí”?
Không phản đối việc thành lập Quỹ PCTT để huy động nguồn lực xã hội cho công tác PCTT, nhưng với nhiều ĐBQH như ĐB Lê Văn Hoàng (TP.Đà Nẵng), ĐB Phạm Thị Mỹ Ngọc (tỉnh Ninh Bình)… “cần cân nhắc thêm việc thành lập quỹ để tránh tình trạng tồn tại quá nhiều loại quỹ dẫn đến gánh nặng cho đóng góp của nhân dân bên cạnh các loại thuế, phí mà người dân đang phải đóng góp hàng năm”.
ĐB Triệu Là Pham (tỉnh Hà Giang) lo ngại, thành lập quỹ đến cấp tỉnh “sẽ tạo ra cơ chế xin cho, chạy việc, chạy dự án, mạnh ai người nấy được, làm cho cấp huyện thiếu chủ động trong công tác quản lý điều hành, cũng như việc sắp xếp bố trí ưu tiên những công trình trọng điểm trong phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, dẫn đến tình trạng công trình cần ưu tiên làm trước thì không được làm, công trình lẽ ra cần thiết phải đầu tư thì lại bí vốn” nên đề nghị thành lập Quỹ này ở cả 3 cấp hành chính, đặc biệt là ở cấp huyện để “chủ động xử lý, ứng phó trong việc phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai ở địa phương và khắc phục kịp thời đối với những tình huống khẩn cấp do thiên tai”.
Xác định “mọi người cần có nghĩa vụ đóng góp cho loại quỹ có tính phòng bị này để chia sẻ sự hỗ trợ khi có thiên tai xảy ra”, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) cho rằng, dự thảo luật không đề cập đến việc ưu tiên dùng quỹ này hỗ trợ cho hoạt động cứu hộ, cứu nạn cho người và phương tiện là chưa hợp tình, hợp lý.
Tập trung nguồn lực để đến được tay người bị thiệt hại
Một số ĐBQH “phản ứng” với quy định “bắt buộc đóng quỹ PCTT” vì như ĐB Lê Văn Hoàng “quy định như vậy sẽ trở thành nguy cơ và tạo tiền lệ cho các loại quỹ bắt buộc khác sẽ được đưa vào văn bản luật sau này”, trong khi “sẽ hợp lý hơn nếu Quỹ này được hình thành trên cơ sở thực hiện nguyên tắc xã hội hóa trong công tác PCTT, tự nguyện đóng góp để tăng cường trách nhiệm xã hội của công dân”. Từ thực tế người dân cũng đang đóng nhiều loại quỹ phục vụ an sinh xã hội, nếu bắt buộc đóng thêm quỹ nữa thì gây khó khăn đối với người dân, ĐB Huỳnh Minh Hoàng (tỉnh Bạc Liêu) quyết liệt hơn khi đề nghị “bỏ quy định về quỹ PCTT mang tính bắt buộc đóng góp” và chỉ “huy động sự tham gia tự nguyên của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước”.
Một số ĐBQH kiến nghị “tập trung nguồn lực” theo hướng “giao cho Hội chữ thập đỏ là cơ quan đầu mối duy nhất có trách nhiệm huy động và tổ chức cứu trợ trực tiếp, đồng thời quy định trích chuyển một phần nguồn kinh phí đã huy động được đưa vào quỹ PCTT của địa phương để nguồn lực được sử dụng tập trung và có hiệu quả hơn, có mục tiêu trung hạn và dài hạn từ đó giúp cho vùng bị thiên tai có thể sống chung bền vững với thiên tai”.
Các ĐBQH cũng đề nghị cân nhắc về độ tuổi đóng góp cho Quỹ vì “nhiều công dân từ đủ 18 tuổi trở lên chưa có thu nhập”. Đồng thời, lưu ý cần có quy định cụ thể cấp nào được huy động các nguồn quỹ đóng góp PCTT, cách thức quản lý, sử dụng quỹ “chặt chẽ, tránh tình trạng thất thoát lãng phí như đã từng xảy ra, làm mất lòng tin của nhân dân, ảnh hưởng đến công tác huy động quỹ của những năm tiếp theo” như ý kiến của ĐB Triệu Là Pham.
ĐB Nguyễn Thị Nhung (tỉnh Khánh Hòa) lo ngại về tính khả thi khi quy định đối tượng đóng quỹ là cá nhân nên đề nghị quy định "đóng góp bắt buộc của hộ gia đình, tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài tại địa bàn". ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (tỉnh Vĩnh Phúc) cũng “thiên về khuyến khích sự đóng góp của các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước” nhưng với điều kiện “Phải tập trung nguồn huy động vào một mối để mọi đóng góp đến được tay người bị thiệt hại”.
Các ĐBQH cũng đã cho ý kiến về những nội dung khác của dự thảo Luật như tên gọi, cơ quan chỉ huy PCTT, lực lượng tham PCTT, thông tin tuyên truyền, trách nhiệm của cơ quan dự báo thiên tai…
H.Giang