Hôm qua, trong ngày khai mạc phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý những vấn đề lớn còn có nhiều ý kiến khác nhau của các dự án Luật Viễn thông; Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Người cao tuổi; Luật Khám, chữa bệnh.
Ưu tiên là cần thiết
Cho ý kiến vào Dự án Luật Viễn thông, hai vấn đề lớn mà các Thường vụ dành nhiều thời gian thảo luận là chính sách ưu tiên với các vùng khó khăn và thanh tra chuyên ngành.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng Khoản 3 Điều 4 (về ưu tiên phát triển viễn thông đối với nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) là không rõ ràng. Tương tự là việc ưu tiên phát triển nguồn nhân lực viễn thông. “Cần phải làm rõ ưu tiên cái gì và cho ai?” ông Thuận nhấn mạnh.
Cũng về chính sách ưu tiên, ông Trần Thế Vượng, Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội phản đối quy định khuyến khích cơ quan tổ chức, doanh nghiệp hợp tác quốc tế về viễn thông vì cho rằng vấn đề hợp tác quốc tế là việc của Nhà nước, không phải cá nhân doanh nghiệp. “Nên bỏ quy định doanh nghiệp được hợp tác quốc tế về viễn thông” ông Vượng đề nghị.
Vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng: ưu tiên là cần thiết, tuy nhiên nếu quy định cụ thể vào trong Luật sẽ không đầy đủ, nên giao Chính phủ quy định bằng Nghị định hướng dẫn thi hành.
Muốn xem truyền hình, phải có kênh thông tin vô tuyến điện
Góp ý vào Dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện, một số ý kiến cho rằng không nên đưa “thiết bị vô tuyến điện” và “quỹ đạo vệ tinh” vào phạm vi điều chỉnh vì nó quá rộng và không phù hợp với tên gọi của Luật.
Lý giải điều này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết: quản lý tần số phải quản lý cả thiết bị. Tương tự quỹ đạo vệ tinh là chủ quyền quốc gia, nó rất quan trọng và gắn bó mật thiết với tần số vô tuyến điện. Tên gọi của Luật không thể quá dài tuy nhiên nội hàm thì mở rộng.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh đồng tình: cần bổ sung quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thiết bị vô tuyến điện. Nhiều Thường vụ ủng hộ quan điểm này.
Cũng như Dự thảo Luật Viễn thông, Dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện dành những chính sách ưu tiên nhất định cho các vùng đặc biệt khó khăn. Cụ thể ưu tiên đào tạo thu hút nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật để quản lý, sử dụng hiệu quả tần số vô tuyến điện; tạo điều kiện cho việc sử dụng tần ố vô tuyến điện ở các vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo, phòng chống thiên tai…. Ngoài ra nhà nước còn khuyến khích hỗ trợ tổ chức tham gia đăng ký vị trí quỹ đạo vệ tinh.
Dù đây là vấn đề khá mới, song nhiều Thường vụ cho rằng ở các vùng khó khăn, người dân muốn liên lạc ra ngoài cũng như nghe máy thu thanh, xem truyền hình thì cần được sử dụng các kênh thông tin vô tuyến điện. Do đó, quy định như Dự thảo là phù hợp.
Rút ngắn tuổi được hưởng bảo trợ xã hội.
Vấn đề này theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì còn có ý kiến khác nhau. Theo quy định hiện hành, người từ 85 tuổi trở lên mà không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội thì được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Dự luật người cao tuổi đã rút ngắn độ tuổi của người được hưởng trợ cấp: người từ 80 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, nếu quy định này được thông qua, lấy mức chuẩn trợ cấp xã hội 180.000 đồng/người/tháng thì mỗi năm Nhà nước sẽ phải chi 2.376 tỷ đồng. Bộ Tài chính đề nghị nên giao Chính phủ quy định về độ tuổi.
Ủng hộ việc rút ngắn độ tuổi, tuy nhiên theo Trưởng ban công tác Đại biểu Phạm Minh Tuyên thì “Quy định độ tuổi là điều quan trọng, Chính phủ quy định mức trợ cấp”. Nhiều Thường vụ đồng tình với quan điểm cần quy định rõ độ tuổi hưởng bảo trợ xã hội vào Luật
Thu Hằng
Thảo luận về Dự án Luật Khám, chữa bệnh, nhiều Thường vụ đồng tình với việc cho phép công chức, viên chức y tế làm ngoài giờ, thành lập các loại cơ sở Khám, chữa bệnh tư nhân nhưng không được thành lập, tham gia thành lập và quản lý bệnh viện tư nhân. Về quy định cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế, cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở Khám, chữa bệnh, dự thảo chỉnh lý theo hướng chỉ cấp 1 lần với cả cơ sở y tế của Nhà nước và tư nhân. |