Dự án Luật Tiếp công dân: Cần đổi mới một cách toàn diện về tổ chức, hoạt động tiếp công dân

29/05/2013
Tiếp tục phiên làm việc của Quốc hội, sáng nay, ngày 29/5/2013, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Trang đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Tiếp công dân. Đồng thời, đồng chí Phan Trung Lý, ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tiếp công dân.

Về cơ bản, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Tiếp công dân và những nội dung cơ bản của dự án Luật này. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến còn băn khoăn và cho rằng dự thảo Luật Tiếp công dân do Chính phủ trình lần này mặc dù đã cụ thể hóa nhiều nội dung liên quan đến hoạt động tiếp công dân, bổ sung quy định về tiếp công dân của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và một số cơ quan nhà nước khác, song nhìn chung các quy định chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới một cách toàn diện về tổ chức, hoạt động tiếp công dân, khó có thể khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay, góp phần làm cho công tác tiếp công dân bảo đảm hiệu quả tránh hình thức.

Về phạm vi điều chỉnh, dự án Luật Tiếp công dân quy định về việc tổ chức, hoạt động tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người tiếp công dân; quản lý công tác tiếp công dân; điều kiện bảo đảm hoạt động tiếp công dân. Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần cân nhắc thêm một số nội dung liên quan đến quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gắn với trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cũng như các cá nhân có thẩm quyền khác vì hoạt động tiếp công dân không thể tách rời quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị.

Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân, Ủy ban đề nghị cần xác định việc tiếp công dân là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, trong đó nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong việc tổ chức công tác tiếp công dân. Một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật còn băn khoăn về việc quy định cứng về định kỳ tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tại Điều 10 của dự thảo Luật.

Về trụ sở tiếp công dân, việc tiếp công dân ở cấp bộ, cấp sở, cấp xã, Ủy ban pháp luật đề nghị Ban soạn thảo cần phân tích đầy đủ và thuyết phục hơn về việc quy định Trụ sở tiếp công dân có chức năng, thẩm quyền, địa vị pháp lý của một tổ chức có tư cách pháp nhân độc lập trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định về tiếp công dân của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân còn có nhiều điểm trùng lặp hoặc lẫn với công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động tư pháp như tiếp nhận đơn thư khiếu nại, kháng cáo, kiến nghị về tư pháp, tin báo, tố giác tội phạm – là các hoạt động thường nhật của các cơ quan này đang được thực hiện theo thủ tục tố tụng; cách thức tổ chức tiếp công dân của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công, doanh nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản của Nhà nước lại chưa được dự thảo Luật quy định mặc dù các loại tổ chức, đơn vị này đã được xác định trong phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Dự kiến ngày 11 tháng 6 năm 2013, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về dự án Luật này. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Tiếp công dân tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2013).