Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013

27/05/2013
Chiều ngày 24/5/2013, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013.

Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, các đại biểu Quốc hội tại các tổ đã thảo luận, cho ý kiến về nội dung của dự thảo Luật.

Luật Cư trú lần này dự kiến sửa đổi, bổ sung 05 điều là Điều 8 - các hành vi bị nghiêm cấm và Điều 20 - điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, Điều 23 - thay đổi nơi đăng ký thường trú trong trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp, Điều 30 - đăng ký tạm trú và Điều 31 - lưu trú và thông báo lưu trú.

Tại Tổ 4 (Đoàn đại biểu Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng), nhiều đại biểu thống nhất cao với việc cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú. Tuy nhiên, việc sửa đổi phải vừa bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, vừa phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Có đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Cư trú lần này mới chỉ đáp ứng được một yêu cầu là yêu cầu quản lý nhà nước mà chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của người dân.

Vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều Đại biểu Quốc hội là việc sửa đổi điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc trung ương. Có đại biểu cho rằng, quy định dùng biện pháp hành chính để siết chặt nhập cư tại các thành phố lớn như dự thảo Luật chỉ là biện pháp tình thế, còn về lâu dài thì không nên áp dụng các biện pháp này mà nên áp dụng đồng bộ các biện pháp về quy hoạch, kinh tế… Có ý kiến đề nghị bỏ quy định về xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân tại khoản 5 Điều 20 (sửa đổi, bổ sung) vì cho rằng quy định như vậy là “đẩy cái khó” cho người dân; trường hợp cơ quan nhà nước thấy “nghi ngờ” thì phải tự đi xác minh.

Liên quan đến dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013, các đại biểu tại Tổ 4 cũng đã phát biểu ý kiến sôi nổi. Các Đại biểu đã có những đánh giá, nhận xét hết sức thẳng thắn, khách quan về việc lập, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian qua. Có ý kiến cho rằng, việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn dàn trải, thiếu quy hoạch, tầm nhìn, thiếu tính tổng thể; tính “lợi ích cục bộ” trong việc đề xuất đưa dự án vào Chương trình vẫn còn tồn tại. Việc thực hiện Chương trình còn chưa nghiêm, thiếu kỷ luật, kỷ cương lập pháp; một số dự án luật trình ra Quốc hội còn chưa bám sát nhu cầu thực tiễn. Những hạn chế nêu trên dẫn đến tính khả thi của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa cao, các dự án luật phải thường xuyên điều chỉnh (xin lùi, xin rút, xin bổ sung). Đại biểu đã kiến nghị một số giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên như nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trình dự án luật, quy định chế tài trong trường hợp dự án luật trình không bảo đảm tiến độ, chất lượng. Đặc biệt, đại biểu còn kiến nghị thành lập cơ quan chuyên trách riêng của Quốc hội chuyên làm công tác soạn thảo luật (Hội đồng lập pháp, gồm các đại biểu chuyên trách của Trung ương, địa phương).

Dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú vào ngày 20/6/2013 và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 vào ngày 21/6/2013.