Sáng nay - 23/5, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014.
UBTVQH nhận thấy, trong thời gian qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng luật, pháp lệnh, góp phần nâng cao chất lượng cũng như tiến độ chuẩn bị các dự án. Công tác xây dựng pháp luật ngày càng đi vào nề nếp, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội còn có những hạn chế, như: một số cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo còn chậm triển khai việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập; chưa thực hiện tốt việc tổng kết, khảo sát thực tiễn, phân tích chính sách, đánh giá tác động; chưa dành nhiều thời gian, các điều kiện cần thiết cho công tác xây dựng văn bản. Một số dự án trình UBTVQH cho ý kiến không bảo đảm tiến độ đã đề ra; số lượng các dự án đề nghị bổ sung và điều chỉnh chương trình còn lớn; chất lượng chuẩn bị một số dự án còn nhiều hạn chế. Việc gửi tài liệu cho các cơ quan thẩm tra, UBTVQH, Quốc hội thường chậm, không đúng thời gian theo quy định. Nội dung một số luật, pháp lệnh còn quy định mang tính nguyên tắc nên sau khi ban hành phải chờ văn bản dưới luật quy định chi tiết thì mới có thể đi vào cuộc sống, nhưng có nhiều văn bản này không được ban hành đúng tiến độ.
Vì vậy, UBTVQH đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trình, soạn thảo dự án luật, pháp lệnh cần tập trung đầu tư, nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, xây dựng dự thảo văn bản để bảo đảm tiến độ trình và chất lượng của dự án luật, pháp lệnh. UBTVQH đề nghị Quốc hội kiên quyết không đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh những dự án chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa có đầy đủ hồ sơ; không đưa ra xem xét những dự án luật, pháp lệnh mặc dù đã có trong chương trình nhưng không bảo đảm tiến độ về thời gian trình dự án, cũng như không bảo đảm chất lượng của dự án. Đồng thời, UBTVQH kiến nghị các vị đại biểu Quốc hội đưa kết quả xây dựng pháp luật là một trong những căn cứ cơ bản để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, cá nhân người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã được giao chuẩn bị, soạn thảo dự án luật, pháp lệnh.
UBTVQH yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm cần có kế hoạch, bố trí thời gian, cũng như các điều kiện cần thiết để bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, sớm khắc phục tình trạng điều chỉnh Chương trình quá nhiều như hiện nay.
Cũng theo Tờ trình, tại phiên họp thứ 11 (tháng 9/2012), UBTVQH đã xem xét dự án Luật Hộ tịch. Tuy nhiên, UBTVQH nhận thấy, đây là dự án luật liên quan nhiều đến việc quản lý dân cư. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020. Nội dung của Đề án này là cơ sở quan trọng để cải cách công tác quản lý hộ tịch. Vì vậy, đề nghị chưa đưa dự án Luật Hộ tịch vào Chương trình; đến khi nào thông qua xong Đề án này thì sẽ xem xét, bổ sung dự án Luật Hộ tịch vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Đồng thời, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thi hành án đối với một số khoản thu cho ngân sách nhà nước không có điều kiện thi hành vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5. Tuy nhiên, UBTVQH nhận thấy, trong Luật Thi hành án dân sự tại các Điều 61, 62 và 63 đã có quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước và Nghị quyết số 24/2008/QH12 của Quốc hội về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự chỉ quy định việc miễn thi hành đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước có giá trị không quá 500.000 đồng.
Việc tiếp tục mở rộng miễn thi hành án đối với một số khoản thu cho ngân sách nhà nước là vấn đề lớn, quan trọng liên quan đến ngân sách nhà nước và trách nhiệm của nhiều cơ quan như Tòa án, Viện Kiểm sát, cơ quan thi hành án ở các cấp, cũng như trách nhiệm cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ thi hành án trong việc chấp hành bản án, quyết định của Tòa án. Đây là vấn đề cần phải được hết sức cân nhắc nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, chống thất thu cho ngân sách nhà nước, tránh phát sinh tiêu cực, tham nhũng có thể xảy ra khi thực hiện miễn thi hành án. Hơn nữa, vấn đề này còn liên quan đến các quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Sau khi xem xét nội dung dự thảo Nghị quyết này, UBTVQH đề nghị không đưa vào Chương trình trình dự thảo Nghị quyết này mà sẽ xem xét khi sửa đổi các luật có liên quan.
Trên cơ sở xem xét đề nghị của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao đối với các dự án khác, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung 09 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Luật Cảnh vệ, Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng hành chính, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, Pháp lệnh Cảnh sát môi trường, Nghị quyết của UBTVQH sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII để tiến hành nghiên cứu, soạn thảo sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn…
H.Giang