Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh: Hệ thống pháp luật phải đồng bộ

16/04/2013
Hai trong số bốn Nghị quyết được Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chính thức năm 2013 của Quốc hội là dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thi hành án đối với một số khoản thu cho ngân sách nhà nước không có điều kiện thi hành và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi Điều 170 của Luật doanh nghiệp.

Hôm qua 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 và khóa XIII của Quốc hội.

Luật hộ tịch "tái xuất"

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Chính phủ đề nghị bổ sung 10 dự án vào Chương trình chính thức năm 2013, trong đó có 06 dự án luật và 04 Nghị quyết. Trong đó có dự án Luật đấu thầu (sửa đổi) và Luật đầu tư công, 02 dự án này được đề nghị tách ra từ dự án Luật đầu tư công, mua sắm công. Chính phủ đề nghị đưa dự án Luật đấu thầu (sửa đổi) vào Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và đưa dự án Luật đầu tư công vào Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Bên cạnh đó, Luật hộ tịch sau khi lùi từ kỳ họp thứ tư, sau thời gian chuẩn bị cũng được đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2013, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thi hành án đối với một số khoản thu cho ngân sách nhà nước không có điều kiện thi hành, trong năm 2012, Chính phủ đã đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết này vào Chương trình năm 2012. Tại phiên họp ngày 09/10/2012, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh hồ sơ Nghị quyết để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

"Vấn đề này, Bộ Tư pháp đã thống nhất với VKSNDTC, TANDTC, Bộ Tài chính, đã báo cáo với Ủy ban Tư pháp", Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết thêm.

Riêng với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi Điều 170 của Luật doanh nghiệp, Chính phủ cho rằng "rất cấp bách để giải quyết vướng mắc về mặt pháp lý cho hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài". Bởi, theo quy định tại khoản 2 Điều 170 của Luật doanh nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung) thì thời hạn đăng ký lại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã hết kể từ ngày 01/8/2011, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký lại. Nếu không được đăng ký lại, các doanh nghiệp này phải chấm dứt hoạt động sau khi kết thúc thời hạn ghi trên Giấy phép đầu tư.

Miễn Thi hành án: Không lo thất thu ngân sách

Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đồng tình với việc bổ sung Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi Điều 170 của Luật doanh nghiệp vì theo ông Giàu "nếu chờ sửa Luật theo đúng quy trình thì mất rất nhiều thời gian". Ông cũng cho rằng, năm 2014 số lượng luật quá nhiều trong khi "chuẩn bị ra sao chưa rõ".

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa tán thành việc bổ sung Luật công an nhân dân và Luật sỹ quan vào Chương trình 2013 và thông qua tại một kỳ họp nhưng ông băn khoăn vì tháng 10 mới thông qua Hiến pháp, mà Luật phải phù hợp với Hiến pháp.

Riêng Nghị quyết của Quốc hội về miễn thi hành án đối với một số khoản thu cho ngân sách nhà nước không có điều kiện thi hành, Ủy ban Pháp luật cho rằng đây là vấn đề lớn và quan trọng liên quan đến ngân sách nhà nước và trách nhiệm của nhiều cơ quan, cá nhân nên phải cân nhắc để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ chuẩn bị và trình UBTVQH xem xét trước về nội dung.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đều đồng tình "nếu giải quyết được số việc thi hành án này thì sẽ rất thuận lợi vì nhà nước không phải mất nhiều công sức bỏ ra để đi đòi một khoản tiền mà nó không khả thi".Tuy nhiên, ông Hiện, bà Mai đề nghị cũng nên thận trọng và Chính phủ cần trình UBTVQH cho ý kiến trước khi trình ra Quốc hội.

Nhắc lại vấn đề về chứng minh thư phải ghi tên cha mẹ dẫn đến phản ứng trong dân, mới đây đã phải bỏ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt lưu ý "dự luật nào bỏ ra rồi lại đưa vào chương trình phải tính kỹ". Đồng thời, Chủ tịch cũng yêu cầu chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải đảm bảo đồng bộ với Hiến pháp.

Thu Hằng

Năm 2013, 3 dự án luật lùi thời hạn trình là Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm xã hội, Luật hải quan sửa đổi và Luật sửa đổi Luật dạy nghề. Như vậy, sau khi điều chỉnh theo đề nghị nêu trên thì tổng số dự án thuộc Chương trình chính thức năm 2013 do Chính phủ trình là 38 dự án (tăng 10 dự án so với Chương trình hiện tại, trong đó tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội sẽ thông qua 10 dự án).