Triển khai Nghị quyết 37/2012/QH13 của Quốc hội về công tác tư pháp: Cần giám sát chặt chẽ

24/01/2013
Tại kỳ họp thứ tư, lần đầu tiên Quốc hội thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp (Nghị quyết 37/2012/QH13), hôm qua 23/01, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 37 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng.

Sẽ sử dụng thuốc độc sản xuất trong nước

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian qua đó là việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc theo Luật Thi hành án hình sự đến nay chưa được triển khai. Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết: Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo hoàn thành việc xây dựng Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt thiết bị phục vụ thi hành án tại 5 cơ sở ở trại tạm giam thuộc CA TP Hà Nội, TPHCM, Sơn La, Nghệ An và Đắk Lắk. Bộ cũng tổ chức đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc cho cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an 63 tỉnh thành và cán bộ chiến sĩ các đơn vị thi hành án trong quân đội. Hiện nay, Bộ Công an đã phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 82 năm 2011 của Chính phủ quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, theo hướng sử dụng thuốc độc sản xuất trong nước. Bộ trưởng Trần Đại Quang thông tin, dự thảo Nghị định này đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Thống kê, đến thời điểm này, còn 532 bị án tử hình chưa thi hành do phải chờ nguồn thuốc độc.

Báo cáo triển khai Nghị quyết 37, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, ngành đã mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013. Qua 1 tháng cao điểm tấn công trấn áp tội phạm (từ 15/12/2012 đến 15/01/2013) Công an các đơn vị địa phương đã phát hiện gần 5 ngàn vụ phạm tội hình sự; điều tra, khám phá 3827 vụ, bắt xử lý 8484 đối tượng, triệt phá 390 băng nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm với 1577 đối tượng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận xét “ngành Công an đã cố gắng trong công tác phòng chống tội phạm”, tuy nhiên theo bà Nga để bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng cho người dân cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu “TP. Hồ Chí Minh cướp giật lộng hành thế, cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu, nếu không đáp ứng được thì phải thay” - Bà Nga đề nghị.

Đề nghị tăng cường giám sát công tác thi hành án

Báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết 37, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, ngành đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết này. Bộ Tư pháp xác định giải pháp mang tính đột phá trong thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ về thi hành án dân sự (THADS) theo Nghị quyết 37 là giao chỉ tiêu cụ thể cho các cơ quan THADS trong cả nước. Theo đó, ngày 28/12/2012 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký quyết định giao chỉ tiêu cho Tổng cục THADS; chỉ đạo Tổng cục giao chỉ tiêu cho các Cục, Cục giao chỉ tiêu cho Chi cục và từng chấp hành viên. Đồng thời, tập trung đôn đốc, tăng cường kiểm tra, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và Chấp hành viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Cùng với việc thực hiện giải pháp nêu trên, Bộ Tư pháp cũng xác định phải triển khai đồng bộ các giải pháp về xây dựng thể chế, kiện toàn bộ máy tổ chức, đầu tư xây dựng cơ bản, trang thiết bị làm việc….

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng nêu rõ những khó khăn trong việc triển khai Nghị quyết. Trong đó, dự báo năm 2013 số việc và tiền phải THA sẽ rất lớn, chỉ trong quý I/2013 số thụ lý mới đã là trên 140 nghìn việc, với số tiền trên 12 nghìn tỷ đồng (bằng khoảng 60% về việc và trên 42% về tiền so với số còn phải thi hành của năm 2012 chuyển sang), trong khi đó, Đề án miễn thi hành đối với một số khoản thu cho Ngân sách nhà nước không có điều kiện thi hành chưa được UBTVQH xem xét, khả năng rất khó thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị UBTVQH chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát đối với công tác THA, nhất là việc phân loại án, sớm xem xét cho ý kiến để Chính phủ hoàn thiện Đề án miễn thi hành đối với một số khoản thu cho ngân sách nhà nước không có điều kiện thi hành, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ghi nhận những nỗ lực của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC, trong việc thực hiện Nghị quyết 37, của Thanh tra Chính phủ trong triển khai Luật sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, để tạo ra những chuyển biển tích cực, rõ rệt trong đấu tranh phòng chống tội phạm nhất là phòng chống tội phạm tham nhũng và nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, góp phần phát triển kinh tế xã hội như mục tiêu Nghị quyết 37 đã đề ra Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các ngành cần có những giải pháp chỉ đạo cụ thể, quyết liệt. Các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết này.

Thu Hằng