Nghị định về hoạt động mỹ thuật: Cần cấm hành vi “đạo” ý tưởng

15/01/2013
Hôm qua 14/01, tại phiên họp thứ 14, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh (GDQPAN); dự án Luật Phòng, chống khủng bố và việc ban hành Nghị định về hoạt động mỹ thuật; Nghị định quy định công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm và ngày hưởng ứng của Việt Nam.

Hội đồng Giáo dục quốc phòng an ninh chỉ hoạt động kiêm nhiệm

Theo dự thảo Luật GDQPAN về phạm vi điều chỉnh “Luật này quy định chính sách, nguyên tắc, hình thức, nội dung cơ bản giáo dục quốc phòng và an ninh; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, quyền và trách nhiệm của công dân về giáo dục quốc phòng và an ninh”.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý băn khoăn về việc dự án luật không đề cập gì đến lĩnh vực “trật tự an toàn xã hội” trong khi đây chính là một phần quan trọng của “an ninh”. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng đồng tình “Dự thảo Luật chỉ mới đề cập đến lĩnh vực quốc phòng ”.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội thì “từ “an ninh” được sử dụng trong dự thảo Luật với khái niệm rộng, phù hợp với quy định tại Điều 48 Hiến pháp năm 1992, Luật An ninh quốc gia và các văn kiện của Đảng trên thực tế đang được thực hiện là phù hợp. Vì vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị không bổ sung nội dung này vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.

Riêng về Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh theo dự thảo Luật “được thành lập ở trung ương, quân khu, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã”. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của Luật và quy định rõ thành phần của Hội đồng Giáo dục quốc phòng an ninh ở các cấp. Ông đồng ý với quy định Hội đồng này chỉ hoạt động kiêm nhiệm.

Khó kiểm soát việc sao chép tác phẩm nghệ thuật

Cho ý kiến vào dự thảo Nghị định về hoạt động mỹ thuật, các ủy viên UBTVQH đặc biệt lưu ý các quy định về sao chép các tác phẩm nghệ thuật có thuộc phạm vi điều chỉnh không và vi phạm thì xử lý ra sao?

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi “sao chép tác phẩm nghệ thuật, nhất là tác phẩm về lãnh tụ có được phép không? nếu được thì phải có điều kiện nào” vì theo Phó Chủ tịch “hiện nay, thị trường đang sao chép rất nhiều”.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng cho rằng hiện nay hoạt động sao chép rất phức tạp, khó kiểm soát, do đó, cần nghiên cứu cân nhắc đưa hoạt động sao chép vào để quản lý tốt hơn. Đồng thời, cũng theo bà Mai, cần rà soát để các quy định của Nghị định đồng bộ với Luật Sở hữu trí tuệ.

Về các điều cấm, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển “Cần bổ sung việc cấm sử dụng ý tưởng của người khác đã được đăng ký hoặc hoặc công bố”. Cũng theo ông Hiển, với những tượng đài hoành tráng, quan trọng tầm cỡ quốc gia thì cần bổ sung quy định phải xin ý kiến chính quyền địa phương và nhân dân để tránh khi tượng dựng lên rồi lại bị phản ứng.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Huỳnh Vĩnh Ái ghi nhận sẽ xem xét bổ sung nội dung nói trên vào dự thảo. Riêng vấn đề quản lý nhà nước, thanh tra kiểm tra, ông Ái cho biết hiện Bộ đang xây dựng nghị định xử lý vi phạm hành chính dự kiến trình Chính phủ trong quý II tới đây.

Bình An

Cho ý kiến về việc ban hành Nghị định Quy định công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm và ngày hưởng ứng của Việt Nam, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc điều chỉnh đối với “ngày hưởng ứng” vì tại Thông báo kết luận số 52-TB/TW ngày 16/9/2011 về Đề án “Công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm của các ngành, tổ chức trong hệ thống chính trị ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” của Ban Bí thư không đề cập đến “ngày hưởng ứng”.