Cản trở hoạt động tố tụng: Phạt hành chính cũng khó

27/12/2012
Cản trở hoạt động tố tụng: Phạt hành chính cũng khó
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa có cuộc khảo sát tình hình xử lý vi phạm hành chính với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND và chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự (THADS) tại một số địa phương. Kết quả cho thấy, rất nhiều hành vi vi phạm hiện đang bị “bỏ lọt” do nhiều nguyên nhân, trong đó có vướng mắc từ hệ thống pháp luật hiện hành.

Không ra quyết định, đương sự dễ “nhờn”

Các cơ quan pháp luật được tiến hành khảo sát tại Đà Nẵng và Đăk Lắk đều có chung nhận định: các trường hợp cá nhân, tổ chức có hành vi cản trở hoạt động tố tụng trên thực tế diễn ra rất nhiều, đặc biệt là các hành vi như triệu tập đến tòa nhưng không có mặt; khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người tiến hành tố tụng, vi phạm nội quy, trật tự phiên tòa…Tuy nhiên theo Chánh án TAND quận Hải Châu (Đà Nẵng) Nguyễn Thị Thu Hà thì “số lượng các trường hợp cá nhân, tổ chức có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND quận Hải Châu không thể thống kê được vì xảy ra quá nhiều và thường xuyên”. Thế nhưng, cũng theo bà Hà “Tòa án chưa xử lý hành chính, biện pháp duy nhất Tòa án sử dụng để xử lý loại hành vi này là kiên nhẫn phân tích, giải thích pháp luật  nhưng biện pháp này hiệu quả rất thấp”.

Chánh án TAND tỉnh Đắc Lắk Nguyễn Duy Hữu cũng cho biết: thực tế Tòa án chỉ áp dụng hình thức buộc rời khỏi phòng xử án đối với người có hành vi vi phạm nội quy, vi phạm trật tự phiên tòa, dẫn giải đối với người làm chứng mà chưa áp dụng các hình thức như cưỡng chế thi hành đối với người không cung cấp chứng cứ, phạt cảnh cáo, phạt tiền, tạm giữ hành chính hoặc khởi tố hình sự theo quy định của pháp luật….

Riêng lĩnh vực thi hành án dân sự, các cơ quan THA được khảo sát cũng cho biết, việc áp dụng các quy định về thủ tục THA cũng còn rất nhiều khó khăn. Ví dụ như đương sự nộp đơn nhưng không có thông tin về tài sản của người phải THA, việc trả đơn yêu cầu, tạm giữ tài sản, giấy tờ, của đương sự, tạm dừng đăng ký, chuyển nhượng quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản…. Đương sự vi phạm nhiều, nhưng việc xử lý cũng rất ít. Khó khăn này cũng xuất phát từ bất cập của pháp luật về THADS.

Chưa rõ phạt theo trình tự nào

Phân tích những vướng mắc của hệ thống pháp luật, Chánh án TAND Tp. Buôn Ma Thuột Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, mặc dù Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính có quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế của TAND nhưng chỉ là quy định chung về thẩm quyền còn cụ thể trình tự, thủ tục, mức phạt cụ thể đối với từng hành vi, ai thi hành đều chưa có hướng dẫn cụ thể.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Hoàng, pháp luật hiện hành vẫn còn có nhiều điểm chưa đồng bộ. Chẳng hạn theo quy định của BLTTDS thì bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập đã được Tòa án triệu tập đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt hoặc không có mặt tại phiên tòa mà không có lý do chính đáng thì có thể bị Tòa án phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền, nhưng điều 199 Bộ luật này lại quy định Tòa án xử vắng mặt họ. Trên thực tế Tóa án áp dụng xử vắng mặt chứ không ra quyết định xử lý vi phạm hành chính. Từ đó dẫn đến việc không chấp hành triệu tập của Tòa và gây khó khăn cho công tác xét xử.

BLTTDS, đặc biệt là Luật Xử lý vi phạm hành chính sắp có hiệu lực (từ ngày 01/7/2013) đã có nhiều quy định về hình thức, biện pháp, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính với hành vi cản trở hoạt động tố tụng tuy nhiên để các quy định này khả thi trong thực tiễn, góp phần xử lý nghiêm hành vi vi phạm, các Tòa án kiến nghị cần có quy định cụ thể đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong cả tố tụng dân sự, hành chính, hình sự…. Các cơ quan chức năng cần kịp thời rà soát, sửa đổi, loại bỏ những quy định thiếu tính khả thi, chồng chéo, mâu thuẫn; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành trong xử lý vi phạm.

Đặc biệt trong lĩnh vực THADS, theo Cục trưởng THADS Đăk Lăk Bùi Đăng Thủy thì nên bỏ một số quy định về thủ tục THA đồng thời sửa đổi các quy định về định giá, về điều kiện xét miễn giảm THA, về đơn yêu cầu THA, về việc phong tỏa tài khoản để đảm bảo THA. Đặc biệt, theo ông Thủy “cần quy định chế tài cụ thể đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không phối hợp với cơ quan THADS hoặc không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên”.

Thay mặt Đoàn khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng đã ghi nhận ý kiến của địa phương để báo cáo Ủy ban Tư pháp, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật nhằm tháo gỡ những bất cập trong hoạt động này của các Tòa án, THADS.

Thu Hằng