Bỏ phiếu tín nhiệm phải có phương án cán bộ thay thế

13/12/2012
Chiều qua 12/12, cho ý kiến (lần đầu) về dự thảo hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (Nghị quyết 35) tại Phiên họp thứ 13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng cần có phương án cán bộ chu đáo khi một chức danh bị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.

Cần có báo cáo kết quả đánh giá tín nhiệm tại nơi công tác

Về trách nhiệm giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, sau khi kết thúc năm công tác, trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mà mình phụ trách hoặc là thành viên, kết quả đánh giá cán bộ, đảng viên của cơ quan, cấp có thẩm quyền, những người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm chuẩn bị báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện các nội dung thuộc căn cứ đánh giá quy định tại Nghị quyết số 35 và gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân. Báo cáo này phải gồm các nội dung tự nhận xét về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong năm công tác ngay trước năm Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; Tự nhận xét về các nội dung tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác về chuẩn mực đạo đức có liên quan. Và kết quả đánh giá tín nhiệm thực hiện tại cơ quan nơi người được lấy phiếu tín nhiệm công tác.

Ông Lý cho biết: cũng có ý kiến đề nghị không quy định việc người được lấy phiếu tín nhiệm báo cáo kết quả đánh giá tín nhiệm thực hiện tại cơ quan nơi người được lấy phiếu tín nhiệm công tác. Tuy nhiên, theo Thường trực Ủy ban pháp luật đây là nội dung rất quan trọng, là một trong những căn cứ đánh giá mức độ thực hiện nhiệm vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm, giúp đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân hiểu rõ hơn để đánh giá chính xác hơn về người được lấy phiếu tín nhiệm.

Bỏ phiếu phải tìm người thay thế ngay

Nghị quyết số 35/2012/QH13 có hai điều quy định về hệ quả đối với người qua lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm mà có số phiếu tín nhiệm thấp hoặc không được đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tín nhiệm. Để hạn chế các vướng mắc, lúng túng trong việc xử lý công tác cán bộ liên quan đến quy trình chuyển từ lấy phiếu tín nhiệm sang bỏ phiếu tín nhiệm, từ bỏ phiếu tín nhiệm sang xem xét miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị xem xét việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ tiến hành ngay sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm hay được thực hiện tại kỳ họp tiếp theo. Tương tự như vậy, những người qua bỏ phiếu tín nhiệm mà không được quá nửa tổng số đại biểu tín nhiệm thì có đưa ra bỏ phiếu miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức ngay hay lại chờ đến kỳ họp kế tiếp.

Thường trực Ủy ban pháp luật trình hai phương án, trong đó phương án 1 sẽ hướng dẫn cụ thể việc bỏ phiếu tín nhiệm và xem xét miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức (nếu có) sẽ được tiến hành vào kỳ họp tiếp theo kỳ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm để bảo đảm thời gian chuẩn bị các thủ tục liên quan đến nhân sự.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tán thành cao với phương án này tuy nhiên ông lưu ý cần làm rõ sau 2 lần lấy phiếu tín nhiệm kết quả thấp thì người được lấy phiếu tín nhiệm nên chủ động từ chức. Nếu không sẽ bỏ phiếu và Quốc hội sẽ ra nghị quyết miễn nhiệm. Ông Phúc cũng nhấn mạnh, trong thời gian chờ làm thủ tục thì phải tìm người khác thay thế. Đến kỳ họp tiếp theo sẽ bầu và phê chuẩn người mới. “Quy định như vậy để cơ quan có thẩm quyền có thời gian chuẩn bị nhân sự” - ông Phúc nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lại có quan điểm khác “đã bỏ phiếu là phải có phương án cán bộ thay thế luôn, ngay sau đó giới thiệu và bầu chứ không nên chờ hết năm”. Chủ tịch cũng yêu cầu “việc hướng dẫn thực hiện Nghị quyết phải chu đáo, thận trọng, đúng nguyên tắc, các bước phải làm chặt chẽ theo quy trình quản lý cán bộ của Đảng, Nhà nước”.

Thu Hằng

Đối với năm 2013, để thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13, Quốc hội sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp thứ năm (khoảng tháng 5/2013); Hội đồng nhân dân các cấp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp thường lệ đầu tiên trong năm (khoảng tháng 6, tháng 7/2013).

(Tờ trình hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 35)

 

Trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bỏ phiếu “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm trong cùng kỳ họp đó.

(Dự thảo hướng dẫn thi hành Nghị quyết 35)