Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết tiếp tục thí điểm chế định TPL do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày cho biết: nhìn chung, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết của việc thí điểm chế định TPL. Đây là chủ trương quan trọng trong Chiến lược cải cách tư pháp, nhằm từng bước xã hội hóa một số công việc trong hoạt động tư pháp. Kết quả thí điểm sẽ cung cấp những luận cứ cho việc hoàn thiện pháp luật về tố tụng và thi hành án, cũng như đổi mới hệ thống tổ chức cơ quan thi hành án.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai thí điểm chế định TPL qua hơn 2 năm tại thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo lập một nghề mới về cung cấp dịch vụ pháp lý, dịch vụ hành chính – tư pháp, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội như giảm tải nhân lực, thời gian, bảo đảm các hoạt động tư pháp được nhanh hơn, đúng pháp luật, hạn chế tình trạng quá tải trong công việc của các cơ quan Tòa án và Thi hành án dân sự.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đã đánh giá, phân tích những hạn chế, vướng mắc cả về thể chế cũng như tổ chức thực hiện trong quá trình thí điểm. Cũng theo UBTVQH đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban tư pháp và báo cáo giải trình tiếp thu của Chính phủ và cho rằng, việc thí điểm chế định TPL trong một thời gian ngắn và mới chỉ được triển khai ở một địa phương là chưa đủ cơ sở để đánh giá một cách toàn diện về mô hình tổ chức, cơ chế, phạm vi hoạt động cũng như tính hiệu quả của chế định này. Do đó, các ý kiến đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thí điểm và đề nghị Chính phủ cần lưu ý các vấn đề như: có lộ trình hợp lý cho việc mở rộng thí điểm mô hình TPL tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chú trọng phẩm chất, năng lực của đội ngũ TPL; có cơ chế quản lý, kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tiêu cực có thể phát sinh trong tổ chức và hoạt động của các Văn phòng TPL.
Với hơn 90% phiếu thuận, trước khi bế mạc, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL. Theo đó, giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm chế định TPL tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến hết ngày 31/12/2015 và tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2015.
Chính phủ quy định cụ thể và tổ chức thực hiện thí điểm chế định TPL. Các tổ chức TPL đã được thành lập và hoạt động theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 được tiếp tục hoạt động từ ngày 01/7/2012 cho đến khi Quốc hội có quyết định mới.
Thu Hằng (nội chính)
Cũng tại kỳ họp thứ 4 vừa bế mạc hôm qua, lần đầu tiên Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp. Trong đó có đặt ra các chỉ tiêu về tin báo tội phạm điều tra, khám phá tội phạm, các chỉ tiêu về công tác kiểm sát, công tác của ngành Tòa án… Đặc biệt, năm 2013, theo Nghị quyết tỷ lệ thi hành án dân sự xong đạt trên 88% về việc, trên 77% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành; giảm 5-10% số lượng án phải chuyển kỳ sau; ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết điịnh về dân sự đã có hiệu lực… |