Thời gian đào nghề LS là 12 tháng
Quá trình thảo luận về dự thảo, nhiều ĐBQH tán thành với quy định về thời gian đào nghề LS là 12 tháng; một số ý kiến đề nghị cho giữ quy định như hiện hành (6 tháng); có ý kiến đề nghị phân loại đối tượng để quy định thời gian đào tạo, theo đó, người công tác trong lĩnh vực pháp luật thì thời gian đào tạo 6 tháng (có ý kiến đề nghị chỉ nên 3 – 4 tháng), còn đối tượng khác là 12 tháng; có ý kiến đề nghị kéo dài thời gian đào tạo chung lên 18 hoặc 24 tháng; có ý kiến đề nghị giao cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp căn cứ vào sự thay đổi của tình hình thực tiễn để quy định thời gian đào tạo nghề LS, tránh phải sửa đổi Luật nhiều lần về vấn đề này.
UBTVQH nhận thấy, để nâng cao chất lượng LS, từng bước bảo đảm mặt bằng chung giữa LS với các chức danh tư pháp thì cần chuẩn hóa việc đào tạo nghề LS, theo đó, thời gian đào tạo nghề LS cần được điều chỉnh để cân đối với chương trình đào tạo nghề của các chức danh tư pháp như thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật LS và việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, có tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, tổng thời gian đào tạo nghề và tập sự hành nghề LS là 02 năm nhằm bảo đảm mặt bằng chung về thời gian đào tạo giữa LS và các chức danh tư pháp. Do đó, UBTVQH đề nghị cho giữ như quy định của dự thảo Luật, quy định thời gian đào tạo nghề LS là 12 tháng như đối với các chức danh tư pháp và đã được QH tán thành với tỷ lệ biểu quyết là 86,76%.
Không quy định thêm điều kiện hành nghề cho tổ chức hành nghề LS nước ngoài
Để tăng cường quản lý hoạt động của các tổ chức hành nghề LS nước ngoài, có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung vào Điều 68 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LS các quy định bắt buộc như: quy mô phải có 500 LS trở lên; phải có năng lực và kinh nghiệm tư vấn liên quan đến Việt Nam; cam kết đào tạo ít nhất 03 LS Việt Nam...; có ĐBQH đề nghị sửa đổi Điều 78 Luật LS hiện hành theo hướng, tổ chức hành nghề LS nước ngoài khi xin phép thành lập chi nhánh, thành lập công ty luật nước ngoài phải giải trình việc đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
UBTVQH thấy rằng, một trong những yêu cầu của việc sửa đổi Luật LS lần này là phải bảo đảm thực hiện các cam kết cụ thể của Việt Nam về thị trường dịch vụ pháp lý khi tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Việc tạo ra các quy định mang tính “rào cản kỹ thuật” như trên không những không phù hợp với nội dung cam kết của nhà nước ta, mà còn tạo ra sự bất bình đẳng trong đối xử đối với tổ chức hành nghề LS nước ngoài và LS nước ngoài.
QH đã tán thành với đề nghị của UBTVQH không bổ sung các nội dung nêu trên vào các điều 68 dự thảo Luật và không sửa đổi nội dung Điều 78 Luật hiện hành. Như vậy, tổ chức hành nghề LS nước ngoài đã được thành lập và đang hành nghề LS hợp pháp tại nước ngoài được phép hành nghề tại Việt Nam theo quy định của Luật này khi có đủ điều kiện sau: Cam kết tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Cam kết và bảo đảm có ít nhất 02 LS nước ngoài, kể cả Trưởng chi nhánh, Giám đốc công ty luật nước ngoài có mặt và hành nghề tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong khoảng thời gian liên tục mười hai tháng; Trưởng chi nhánh, Giám đốc công ty luật nước ngoài tại Việt Nam phải có ít nhất hai năm liên tục hành nghề LS.
Giảng viên pháp luật không được hành nghề LS
Mặc dù một số ĐBQH đề nghị cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề LS nhằm bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho đội ngũ LS; có ý kiến đề nghị cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề LS nhưng chỉ trong lĩnh vực tư vấn pháp luật nhằm tận dụng và phát huy năng lực chuyên môn của họ nhưng theo UBTVQH, kết quả tổng kết 5 năm thi hành Luật LS cho thấy, một trong những hạn chế căn bản của hành nghề LS thời gian qua là “hoạt động hành nghề LS, tổ chức hành nghề LS chưa mang tính chuyên nghiệp, số LS hành nghề kiêm nhiệm các công việc khác vẫn còn khá cao chiếm trên 20%, điều này đã làm cho hoạt động LS hiện nay bị kém hiệu quả và kém chất lượng”. Việc quy định cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được kiêm nhiệm nghề LS sẽ không khắc phục được tình trạng nêu trên.
Hơn nữa, việc cho phép kiêm nhiệm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn giảng dạy, khó bảo đảm chất lượng hành nghề LS và cũng không phù hợp với mục tiêu xây dựng đội ngũ LS theo hướng chuyên nghiệp theo định hướng cải cách tư pháp và quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật LS lần này. Bên cạnh đó, UBTVQH nhận thấy, nếu chỉ cấp Chứng chỉ hành nghề LS cho viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật để làm dịch vụ tư vấn pháp luật thì sẽ hình thành hai loại LS: LS tư vấn và LS tranh tụng. Điều này không phù hợp với quy định hiện hành và định hướng phát triển nghề LS cũng như xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, UBTVQH nhấn mạnh rằng, mặc dù Luật LS không cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề LS, nhưng theo quy định hiện hành, họ vẫn được phép tham gia tư vấn pháp luật theo nhiều hình thức khác nhau (tư vấn miễn phí, tư vấn có thù lao; tham gia tư vấn cho tổ chức trợ giúp pháp lý hoặc tham gia tổ chức tư vấn pháp luật...) và có sự quản lý của Nhà nước. Như vậy, pháp luật hiện hành đã tạo cơ chế cho đội ngũ viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật có điều kiện tích lũy kinh nghiệm thực tế cũng như phát huy năng lực, trí tuệ của họ, do đó, không cần thiết phải bổ sung quy định về vấn đề này trong Luật LS.
Vì thế, với tỷ lệ biểu quyết 66,27%, QH đã tán thành với quy định tại điểm b, khoản 4 Điều 17 dự thảo Luật, theo đó, viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật không được cấp chứng chỉ hành nghề LS.
H.Giang