Những nét chính trong quan hệ giữa Việt Nam và Hungary về tư pháp và pháp luật

14/11/2012
Nhân dịp đoàn Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Hành chính công và tư pháp Hungary Tibor Navracsics sẽ sang thăm và làm việc tại Việt Nam (từ 14-16/11), chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về hơn 60 năm quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Hungary trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật.

Kể từ ngày thiết lập mối quan hệ Việt Nam và Hungary (ngày 3/2/1950), Hungary đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Và hai bên luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác hơn nữa trên nhiều lĩnh vực.

Đầu năm 1985, hai nước đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự. Tới năm 1998, hai Chính phủ đã ký Hiệp định hợp tác phòng, chống tội phạm có tổ chức. Với tư cách là Thành viên của Liên hợp quốc và diễn đàn quốc tế quan trọng như thành viên của Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol, hai bên đã cùng tham gia một loạt các Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; chống tham nhũng; các điều ước quốc tế về chống khủng bố, kiểm soát ma túy.

Từ trước năm 2005, quan hệ hợp tác về pháp luật giữa hai bên chủ yếu thông qua việc trao đổi các đoàn công tác nhằm chia sẻ kinh nghiệm về cải cách pháp luật và tư pháp. Trong giai đoạn Hungary thuộc hệ thống XHCN, Hungary đã giúp đỡ Việt Nam đào tạo được nhiều cán bộ có trình độ và năng lực, tới nay đội ngũ này đã có những vị trí quan trọng trong các cơ quan và tổ chức của Việt Nam. Đặc biệt, kể từ khi Hungary tiến hành chuyển đổi cơ cấu kinh tế và trở thành thành viên của Liên minh châu Âu, các cơ quan pháp luật và tư pháp của Việt Nam đã quan tâm hơn tới việc học hỏi kinh nghiệm, mô hình cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp của Hungary.

Từ năm 2005 tới nay, quan hệ hợp tác về pháp luật giữa hai bên đã quan tâm hơn đến các hoạt động hợp tác cụ thể  như phối hợp ngăn ngừa di cư bất hợp pháp, hợp tác phòng chống tội phạm quốc tế trên cơ sở thực hiện các cam kết quốc tế như các Công ước của Liên hợp quốc.

Đối với hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Cộng hòa Hungary, trước năm 2011, Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Hungary chưa ký Hiệp định hoặc Thoả thuận hợp tác song quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan khá thuận lợi. Hai bên thường xuyên trao đổi thông tin, tài liệu pháp luật khi có yêu cầu của nhau hoặc sẵn sàng đón tiếp các đoàn cán bộ của nhau sang học tập và chia sẻ kinh nghiệm pháp luật.

Tới tháng 11/2012,  Thoả thuận hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Hành chính công và Tư pháp Hungary đã được ký kết nhân chuyến thăm Việt Nam của Ngài Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ hành chính công và tư pháp Hungary Tibor Navracsics. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng làm sâu sắc hơn nữa quan hệ tốt đẹp giữa hai bên, thúc đẩy hai Bộ có những bước đi tích cực và hiệu quả hơn trong việc cùng nhau phối hợp giải quyết các mối quan tâm chung trong tương trợ tư pháp, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và hội nhập quốc tế.

Từ năm 2000 tới nay, Bộ Tư pháp có ba đoàn cán bộ cấp Bộ sang thăm và làm việc tại Hungary về tìm hiểu các vấn đề liên quan đến xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong điều kiện kinh tế chuyển đổi; Vấn đề người Việt Nam nhập cư vào Hungary và các nước trong Liên minh châu Âu và khảo sát về Tăng cường tiếp cận công lý hiệu quả.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, mối quan hệ hợp tác tư pháp giữa TATC hai nước phát triển mạnh, TATC hai nước tổ chức Đoàn đại biểu cấp cao thăm chính thức lẫn nhau, tăng cường trao đổi kinh nghiệm xét xử và mở rộng hợp tác. Trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây, Văn phòng Quốc hội Việt Nam cũng đã có nhiều đoàn công tác tại Hungary để nghiên cứu, tìm hiểu về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, về cơ chế bảo vệ Hiến pháp và công tác kiểm toán nhà nước.

Trong mối quan hệ hợp tác với VKSNDTC, VKSNDTC Việt Nam và VKSTC Hungary đã ký kết Thỏa thuận hợp tác tập trung vào các lĩnh vực trao đổi các đoàn cấp cao và cấp chuyên viên để duy trì và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau; trao đổi các đoàn chuyên gia sang nghiên cứu, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm công tác của mỗi bên; tham gia hội nghị, hội thảo được chủ trì hoặc tổ chức ở mỗi bên; hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng công tố cho các Kiểm sát viên, Điều tra viên của Viện kiểm sát; hợp tác trong việc mở rộng và tăng cường hiệu quả việc áp dụng công nghệ thông tin vào việc giải quyết và quản lý án hình sự; phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương về các lĩnh vực pháp luật và tư pháp; trao đổi các ấn phẩm pháp luật trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp; hợp tác trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự thông qua việc hỗ trợ thực hiện một cách đầy đủ và nhanh nhất yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của mỗi bên; tăng cường phối hợp trong đấu tranh phòn chống tôi phạm, đặc biệt là các tội buôn bán ma túy, tội làm hàng giả, tội phạm chức vụ, tội phạm mạng, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia và chống khủng bố toàn cầu.

Bên cạnh đó, VKSNDTC và VKSTC nước Cộng hòa Hungary cũng hợp tác chặt chẽ trong tương trợ tư pháp về hình sự trên cơ sở Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự ký ngày 18/01/1985. Thực hiện nhiệm vụ là Cơ quan đầu mối trong tương trợ tư pháp về hình sự theo Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, trong thời gian từ năm 2007 đến tháng 8/2012 VKSNDTC đã tiếp nhận, giải quyết 05 hồ sơ ủy thác tư pháp của Cộng hòa Hungary đối với Việt Nam liên quan đến các vụ án mua bán người, sử dụng giấy tờ giả mạo, cướp giật tài sản.

Về quan hệ hợp tác song phương giữa Bộ Công an hai nước, Việt Nam và Hungary đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự năm 1985 và Hiệp định hợp tác phòng, chống tội phạm có tổ chức năm 1998.

Về quan hệ hợp tác đa phương, Việt Nam và Hungary đều là thành viên của Liên hợp quốc và diễn đàn quốc tế quan trọng như thành viên của Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol. Đặc biệt, hai bên là thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; các điều ước quốc tế về chống khủng bố như Công ước NewYork 1973 về ngăn chặn và trừng phạt các tội ác chống lại những người được bảo hộ bao gồm viên chức ngoại giao, Công ước New York năm 1999 về trừng trị việc tài trợ khủng bố… ; 03 Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy như Công ước quốc tế về ma túy năm 1961, Công ước của Liên hợp quốc về các chất hướng thần 1971, Công ước của Liên hợp quốc về chống lại việc vận chuyển trái phép chất ma túy và các chất hướng thần năm 1988.

Bộ Công An đang chủ trì đàm phán hai Hiệp định về dẫn độ và Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hungary. Đến nay, dự thảo hai Hiệp định trên đã hoàn thiện và gửi cho phía Hungary. Đồng thời, ngày 13/7/2012, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5191/VPCP-QHQT đồng ý về việc đàm phán Hiệp định dẫn độ và Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa CHXHCN Việt Nam và Hungary. Bộ Công an đề nghị phía Hungary sớm hoàn thành các thủ tục trong nước có liên quan để hai Bên xúc tiến Vòng đàm phán lần thứ nhất về hai Hiệp định nêu trên.

Vụ Hợp tác quốc tế