Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Để người dân không phải so bì khi thu hồi đất

07/11/2012
Các vấn đề về giá đất, cơ chế thu hồi đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hạn điền, thời hạn giao đất, giải quyết tranh chấp về đất đai… đã được các ĐBQH rất quan tâm trong buổi thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chiều qua (6/11).

Thành lập trung tâm thu hồi đất

Nhận định đa số các quy định của pháp luật đất đai “không còn phù hợp với thực tiễn”, cơ chế thu hồi đất hiện nay đang gây ra nhiều bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (TP.Cần Thơ) kiến nghị, nên thành lập một cơ quan (dưới hình thức trung tâm) để chủ động thu hồi đất cho tất cả các mục đích, rồi bán đấu giá diện tích đất “sạch” đó cho các dự án.

Đây có thể coi là giải pháp để tránh so bì trong dân vì việc tổ chức thu hồi, giá đền bù khác nhau, có khi cùng 1 dãy phố nhưng chênh lệch đến cả trăm lần theo phản ánh của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) về thực trạng thu hồi, đề bù khi giải phóng mặt bằng cho các dự án hiện nay. Giá đất ở các địa phương sẽ được chính quyền cấp tỉnh ban hành trên cơ sở khung giá của Nhà nước nhưng đảm bảo “giá thu hồi phải theo giá thị trường” để “người dân yên tâm khi có đất bị thu hồi” như nhận định của ĐB Trần Thanh Mẫn (Tp.Cần Thơ).

Nhưng theo ĐB Nguyễn Thị Nghĩa (TP.Hải Phòng), giá đất, nhất là trong giải phóng mặt bằng, là “nguyên nhân dẫn đến những khiếu kiện kéo dài” nên tán thành việc bỏ quy định về ban hành và công bố giá đất hàng năm, vốn là việc làm “rất tốn kém, hình thức và không hiệu quả”. Vì thế, Chính phủ chỉ quy định quy trình, phương pháp, nguyên tắc thủ tục về xác định giá đất và giao cho chính quyền địa phương ban hành và điều chỉnh giá đất để phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, không phụ thuộc thời gian là hàng năm hay nhiều năm để đảm bảo tính linh hoạt.

Đồng thời, có thể giao quyền cho chính quyền địa phương được áp dụng các biện pháp khác phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương để giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh trong đền bù, hỗ trợ GPMB mà PL còn khoảng trống, chưa “phủ” hết, đảm bảo quyền lợi cho người dân và nguồn tài chính cho việc thực hiện các dự án.

Cho tích tụ đất để phát triển sản xuất nông nghiệp

Trước đây, “chính quyền cần thì giao, thời hạn không ổn định do quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thay đổi thường xuyên” vì thế nhiều ĐBQH đã bày tỏ sự đồng tình với thời gian giao đất (50 năm) quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ “tạo sự ổn định cho người dân có thể đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh”. Song ĐBQH cũng lưu ý, cần có chế tài mạnh mẽ để xử lý những trường hợp được giao đất nhưng để hoang hóa, lãng phí do dự án “treo”. Hiện cơ chế “giao đất không thu tiền”, nhất là đối với các cơ quan nhà nước, khiến nhiều diện tích đất bị sử dụng sai mục đích hoặc để lãng phí. Do đó, nhiều ĐBQH đề nghị, đất đai là hàng hóa có giá trị cao nên phải giao đất có thu tiền, giảm dần việc giao đất không thu tiền để tiết kiệm đất đai. Các đơn vị xã hội hóa, sự nghiệp công lập có thể áp dụng chế độ giảm nhưng cũng dần tiến tới thu tiền.

Rất băn khoăn về quy định hạn điền trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ĐB Trần Thanh Mẫn cho rằng, quy định đó mâu thuẫn với chủ trương tích tụ đất để sản xuất hàng hóa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, dự thảo Luật nên cho tích tụ ruộng đất để đưa cơ giới và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp như mô hình hợp tác xã ở Chương Mỹ (Hà Nội), xã viên góp đất và cùng sản xuất, song “cần mở ra cơ chế để đảm bảo thực hiện hiệu quả việc tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất không phải để đầu cơ” – Phó Chủ tịch Quốc hội kiến nghị.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải lưu ý đến một vấn đề mà địa phương đang “mắc” là Luật Đất đai cho người sử dụng đất quyền thừa kế, nhưng giờ nhiều người được giao đất nông nghiệp thoát ly, không còn sống ở nông thôn, cũng không có người thừa kế nên phải cho thuê khiến diện tích đất đó được sử dụng vào những mục đích  khác trong khi vẫn còn nhiều người cần có đất để sản xuất thì địa phương không còn đất để giao.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, nên cho nhà đầu tư nước ngoài thế chấp đất và tài sản trên đất thuộc các dự án ở Việt Nam cho các Ngân hàng ở nước ngoài, nhưng có “ràng buộc” là nếu không thực hiện được dự án, phải chuyển nhượng đất thì không được thay đổi mục đích sử dụng, không để bị chuyển ra nước ngoài… để tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài và giải tỏa vướng mắc thực tiễn.

Huy Anh