Nhà nước chủ động thu hồi đất
Theo Chính phủ, các quy định về thu hồi đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) “sẽ góp phần tăng nguồn thu từ đất, đảm bảo tính ổn định của pháp luật, giảm khiếu kiện về đất đai và giảm tải cho các cơ quan nhà nước các cấp trong việc thu hồi đất”. Theo đó, Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm đã được công bố, tổ chức việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo quỹ đất “sạch”; sau đó, Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội. Đối với dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhà đầu tư trong nước thực hiện nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án.
Đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tán thành quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt và tán thành việc quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Nhà nước thực hiện thu hồi đất đối với tất cả các trường hợp, bỏ cơ chế nhà đầu tư tự nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư để tránh việc tạo ra chênh lệch giá dẫn đến khiếu kiện về đất đai khi Nhà nước thu hồi đất. Một số thành viên của Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cân nhắc tính khả thi của việc thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất vì khó có đủ nguồn kinh phí cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Nếu thu hồi đất theo kế hoạch mà chậm đưa vào sử dụng sẽ dẫn đến lãng phí đất đai, nhất là các công trình cơ sở hạ tầng có thời gian thực hiện kéo dài nhiều năm.
Đa số ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng pháp luật. Người sử dụng đất được bồi thường theo mục đích đang sử dụng hợp pháp. Người có đất bị thu hồi được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, đảm bảo đời sống.
Hạn chế tình trạng chạy dự án vì mục đích đầu cơ
Dự thảo Luật quy định không bồi thường về đất và tài sản đã đầu tư trên đất thuộc trường hợp bị Nhà nước thu hồi do vi phạm nhằm nâng cao ý thức của người sử dụng đất trong việc sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm hơn; hạn chế tình trạng chạy dự án vì mục đích đầu cơ. Nhiều ý kiến của Ủy ban Kinh tế tán thành quy định thu hồi đất do người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; người bị thu hồi đất trong các trường hợp này không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp, không được thanh toán giá trị đầu tư và tài sản gắn liền với đất.
Cũng có ý kiến đề nghị tiếp tục thực hiện quy định không bồi thường thiệt hại về đất nhưng được xem xét thanh toán phần tài sản đã đầu tư trên đất đối với các trường hợp Nhà nước thu hồi đất do vi phạm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên áp dụng biện pháp kinh tế như thuế sử dụng đất, thuế đất bỏ hoang để xử lý thay cho việc áp dụng biện pháp hành chính để thu hồi đất do vi phạm như quy định hiện hành.
Theo một số ý kiến của Ủy ban Kinh tế, nên cân nhắc quy định này vì có trường hợp người sử dụng đất chậm đưa đất vào sử dụng có lý do khách quan, bất khả kháng như bị tác động trực tiếp bởi khủng hoảng kinh tế, thiên tai. Do đó, cũng cần xem xét từng trường hợp cụ thể để bồi thường cho người sử dụng đất phần tài sản đã đầu tư trên đất.
H.Giang