TS. Dương Thị Thanh Mai – chuyên gia cao cấp Bộ Tư pháp: Triển khai các chủ trương cải cách tư pháp không hề dễ dàng

29/10/2012
TS. Dương Thị Thanh Mai – chuyên gia cao cấp Bộ Tư pháp: Triển khai các chủ trương cải cách tư pháp không hề dễ dàng
TS. Dương Thị Thanh Mai – chuyên gia cao cấp Bộ Tư pháp - là một trong số ít nữ chuyên gia pháp lý tham gia xây dựng, soạn thảo để trình Bộ Chính trị ban hành hai Chiến lược quan trọng trong 10 năm đầu thế kỷ XXI gồm Nghị quyết (NQ) số 48 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2020 và NQ số 49 về Chiến lược cải cách tư pháp. Bà hiện còn là một thành viên tích cực của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà về quá trình 7 năm thực hiện 2 Chiến lược trên và những hoạt động dưới vai trò một chuyên gia trong tổ nghiên cứu về quyền con người, quyền công dân của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Mong các bạn trẻ tiếp bước nhiệm vụ cải cách tư pháp

* Những kết quả đạt được trong 7 năm triển khai NQ số 48 và số 49 đã được các Ban chỉ đạo tổng kết là không thể phủ nhận. Vậy với tư cách cá nhân, bà đánh giá ra sao về những mặt còn hạn chế của quá trình 7 năm qua?

- Từ góc độ cá nhân tham gia, bên cạnh những thành tựu đã làm được thì tôi thấy con đường thực hiện các Chiến lược trên, hay đúng hơn là thực hiện tư tưởng cải cách gặp nhiều khó khăn. Nói về NQ 48, có thể bắt đầu từ quan niệm về hệ thống pháp luật. Ngay từ khi xây dựng Chiến lược này đã có cho rằng, khi đã nói đến hệ thống pháp luật là không phải nói đến luật trên giấy, mà phải nói là luật ấy vận hành trong cuộc sống như thế nào. Vì vậy, phải nhìn hệ thống pháp luật bao gồm nhiều yếu tố, trong đó có thể chế, thiết chế vận hành pháp luật, cơ chế bảo đảm thực thi mà người ta gọi tương ứng là luật chơi, người chơi, sân chơi. Quan điểm ấy xuất phát từ chỗ là hệ thống pháp luật của chúng ta có sự gấp khúc giữa xây dựng và thực thi. Nếu ta gắn kết cả hai bộ phận này thì mới có thể nói đến hiệu quả cuối cùng của pháp luật trong đời sống. Tuy nhiên, tại thời điểm thông qua Chiến lược, quan điểm trên chưa được thừa nhận nên chỉ tập trung chủ yếu vào xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, còn yếu tố khác như các cơ quan, tổ chức, nguồn nhân lực pháp luật ngoài xã hội, các doanh nghiệp, nguồn lực bảo đảm thực thi… mới được đưa vào như là các giải pháp thôi.

Đến lúc tổng kết 5 năm thực hiện NQ số 48, một trong những hạn chế được nhìn nhận là hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn bị sự cắt khúc. Chúng ta ban hành được nhiều luật, bảo đảm cân đối hơn giữa các lĩnh vực pháp luật về kinh tế dân sự, an sinh xã hội, văn hóa, khoa học… nhưng không khắc phục được tình trạng luật đi vào cuộc sống còn chậm trễ. Trong 5 năm đã có nhiều giải pháp khắc phục như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 đặt ra yêu cầu là 3 năm thi hành phải đánh giá tác động của luật trong đời sống, quy định về tổ chức theo dõi thi hành pháp luật để phát hiện những bất cập từ thực tiễn rồi quay trở lại tiếp tục hoàn thiện pháp luật.

Còn NQ 49 thì tập trung vào các thiết chế thực hiện quyền tư pháp. Sau 5 năm cũng đã tổng kết, so với mục tiêu cải cách đề ra, tuy có đạt được nhiều kết quả song còn nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cần phải giải quyết, liên quan tới những lĩnh vực then chốt như quyền tư pháp là gì, mô hình tổ chức Tòa án, mô hình tố tụng mà mãi đến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hiện mới minh định rõ đâu là cơ quan lập pháp, đâu là cơ quan hành pháp và xác định rõ Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Từ đó cần xác định lại vị trí của cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát, mối quan hệ giữa các cơ quan trong thực hiện quyền tư pháp, song mô hình tố tụng của chúng ta đang trong quá trình nghiên cứu. Hiện nay đã 7 năm rồi nhưng những Đề án về bộ máy, tổ chức của 3 khâu then chốt trong tố tụng đều đang trong quá trình chuẩn bị.

* Đối với Bộ Tư pháp thì sao, thưa bà?

- Bộ Tư pháp đã nỗ lực chủ động, tích cực trong triển khai, góp phần thực hiện thành công cả hai Chiến lược. Tuy nhiên, trong những cải cách đã đi vào đời sống cũng có nhiều vướng mắc đến lúc phải nhìn lại và có sự điều chỉnh. Chẳng hạn như cần phải tăng cường hơn nữa tính chuyên nghiệp của đội ngũ những người làm luật. Cho đến bây giờ, cách làm, quy trình làm luật của chúng ta là ai cũng làm luật, làm chính sách được nhưng chắc khó lòng có thể làm được tốt. Trong khi pháp luật của chúng ta bước vào giai đoạn hoàn thiện thì càng cần phải tinh hơn, chất hơn mà người làm luật không tinh hơn, không chất hơn thì khó đáp ứng được yêu cầu và đây là trách nhiệm của Bộ Tư pháp.

* Gắn bó đã lâu với ngành Tư pháp, hẳn bà có nhiều điều trăn trở trong công cuộc cải cách tư pháp của nước nhà?

- Có những chủ trương về cải cách tư pháp đã được hình thành từ hơn 20 năm trước nhưng nhận thức của các cơ quan trong khối nội chính hiện rất là khác nhau, dẫn đến việc triển khai, tổ chức rất khó khăn. Ví dụ, thay đổi mô hình tổ chức, quản lý công tác thi hành án bao gồm cả hình sự và dân sự được đặt ra từ NQ Trung ương 8 khóa 7, đến bây giờ tuy tiến hành đổi mới trong từng lĩnh vực hình sự, dân sự nhưng thống nhất cơ chế quản lý thì vẫn chưa làm được. Hay vấn đề đào tạo chung 3 chức danh tư pháp là thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư được khẳng định tại NQ Trung ương năm 2002. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập Học viện Tư pháp, có thời gian đào tạo nguồn rất tốt. Trong quá trình triển khai phát sinh một số vấn đề, câu hỏi đào tạo chung được đặt lên bàn xem xét. Từng bước một cải cách lại xuất hiện vấn đề mới, có vấn đề thúc đẩy tiến lên, nhưng có vấn đề kéo lùi cải cách. Tuy nhiên, chúng ta không thể nôn nóng được.

Qua trải nghiệm từ bản thân, cải cách trong từng người đã khó khăn nên cải cách cả hệ thống càng khó khăn. Mục tiêu đặt ra chắc phải nhiều thế hệ mới hoàn thành, lớp cán bộ chúng tôi chỉ góp phần hình thành Chiến lược, để tiếp tục hiện thực nó cần trông đợi vào lớp cán bộ kế tiếp. Cương lĩnh phát triển đất nước sau năm 2020 có nhiều việc mà từ giờ đến năm 2020 chưa làm được, kể cả những việc đã đặt ra trong Chiến lược cũng sẽ không thực hiện được trong giai đoạn này. Vì vậy, chúng tôi mong đợi các bạn trẻ, nhất là các bạn ở các đơn vị đang diễn ra những cải cách, đang đứng trong guồng cải cách, cảm nhận được trọng trách, khó khăn, thách thức và sẽ làm tốt công việc mà lớp cán bộ chúng tôi chưa thể hoàn thành, tạm dừng bước ở đây.

Nhiều thay đổi trong sửa đổi Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân

* Bà có nhắc đến việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Được biết, bà là thành viên tổ nghiên cứu về chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Xin bà cho biết đôi nét về những bất cập  đã được tổng kết là cần sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp 1992 trong quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân?

- Quyền con người, quyền công dân được quy định tại Chương V Hiến pháp năm 1992. Chương này có một số hạn chế là không phân biệt rõ quyền con người, quyền công dân; cách thức quy định có rất nhiều quyền nhưng không thực hiện trên thực tế; thiếu nhiều quyền trong các công ước quốc tế, chưa tiếp cận loại quyền thuộc thế hệ thứ 3; nhiều quy định quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân không phù hợp với bản chất của quyền và nghĩa vụ, dễ gây ra hiểu lầm các quyền đồng thời là nghĩa vụ; vị trí của Chương chưa tương xứng…

* Vì vậy, đã có nhiều ý kiến kỳ vọng rằng Chương V là Chương cần phải có nhiều thay đổi nhất, đúng không thưa bà?

- Đúng vậy! Theo tôi đánh giá đây là Chương có nhiều thay đổi nhất so với các Chương khác. Đầu tiên là thay đổi vị trí, từ Chương V lên Chương II, không đơn thuần chỉ là thay đổi vị trí mà còn là thay đổi về tư duy, coi mục tiêu cơ bản của Hiến pháp là dùng quyền lực nhà nước bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp sửa đổi cũng phân biệt quyền con người, quyền công dân. Trong từng điều một đã chỉ rõ những quyền gì là quyền con người, ai cũng được hưởng miễn là có mặt trên lãnh thổ Việt Nam thì sẽ dùng từ “mọi người”, những quyền gắn với cá nhân công dân thì chỉ có dùng từ “công dân”. Khẳng định nguyên tắc quyền con người, quyền cơ bản của công dân phải được xác lập bằng Hiến pháp và luật cũng như chỉ bị giới hạn bằng Hiến pháp và luật, chứ không phải bằng quy định của pháp luật, thậm chí bằng văn bản của cấp xã, như trước đây nữa. Ngoài ra, nguyên tắc quyền con người, quyền công dân không phải là vô biên, vô giới hạn, nó bị giới hạn bởi chính sự bảo vệ quyền của người khác, đặc biệt để bảo vệ trật tự của toàn xã hội, lợi ích công cộng và đấy cũng là nguyên tắc quan trọng của pháp luật quốc tế mà trước đây chúng ta chưa thể hiện được. Bên cạnh đó, còn bổ sung một số quyền mà trước đây chưa có như quyền an sinh xã hội, quyền được sống và sinh hoạt trong môi trường văn hóa lành mạnh… và xem xét tách bạch giữa quyền và nghĩa vụ.

Về kỹ thuật lập hiến, trước đây thể hiện rải rác ở nhiều Chương khác nhau, thì giờ tập trung vào một Chương cho hệ thống, chỉ những quyền gắn với chính sách, chủ trương mới không chuyển về. Tư tưởng bảo vệ quyền con người, quyền công dân bằng Hiến pháp, bằng luật thể hiện ngày càng rõ hơn quan điểm của Đảng, Nhà nước và ngày càng gần hơn với cách thức quy định chung của các bản Hiến pháp trên thế giới. Chương này thay đổi rất nhiều, song có đi được đến cùng hay không thì phải qua nhân dân góp ý và Quốc hội cho ý kiến, thảo luận.

* Xin chân thành cảm ơn bà!

Cẩm Vân