Bộ trưởng Hà Hùng Cường trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Hòa giải ở cơ sở

29/10/2012
Bộ trưởng Hà Hùng Cường trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Hòa giải ở cơ sở
Sáng nay – 29/10, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ) đã trình bày tờ trình của Chính phủ Luật hòa giải ở cơ sở (HGCS) trước khi Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày báo cáo thẩm tra đối với dự án Luật này.

Theo tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật HGCS, trong những năm qua, hoạt động HGCS đã khẳng định vai trò to lớn, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến TA hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho NN và nhân dân, từ đó góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển.

Các quy định của pháp luật hiện hành về HGCS đã “đi vào cuộc sống”, phù hợp với mong muốn xây dựng gia đình hành phúc, xóm, phố yến vui, thúc đẩy đất nước phát triển. Với 121.251 tổ hòa giải, 628.530 hòa giải viên, từ 1999 đến tháng 3/2012, cả nước có tổng số vụ việc nhận hòa giải là 4.358.662 vụ, trong đó hòa giải thành chiếm 80%. Tuy nhiên, công tác HGCS vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn, chế cần được hoàn thiện, trong đó đáng chú ý là các quy định bảo đảm cho Bộ Tư pháp nói riêng và Tư pháp địa phương nói chung thực hiện chức năng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về HGCS chưa được đầy đủ, trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan trong hoạt động HGCS chưa được quy định, trách nhiệm của UBND các cấp trong việc thực hiện quản lý nhà nước về HGCS còn chung chung.

Trong điều kiện đẩy mạnh cải cách pháp luật, phát huy dân chủ, xây dựng NNPQ XHCN, xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác HGCS đối với đời sống xã hội và thực trạng pháp luật hiện hành về lĩnh vực này, việc xây dựng Luật HGCS sẽ thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là mặt trận tổ quốc Việt Nam, bảo đảm tính linh hoạt, mềm dẻo, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nhân dân ở cơ sở, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho nhà nước và nhân dân.

Dự thảo Luật HGCS trình Quốc hội gồm 5 chương 36 điều, quy định cụ thể về phạm vi, nguyên tắc HGCS, chính sách của Nhà nước về HGCS và hòa giải thông qua những hình thức khác của nhân dân ở cơ sở; hòa giải viên, tổ hòa giải; hoạt động HGCS; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động HGCS.

Qua thẩm tra, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tán thành sự cần thiết ban hành Luật HGCS, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Trên cơ sở kế thừa quy định của Pháp lệnh hiện hành, dự án luật đã bổ sung, hoàn thiện một số quy định mới như: chính sách của Nhà nước về HGCS; vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc trong HGCS; quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên và tổ trưởng tổ hòa giải; trách nhiệm của tổ hòa giải; hoạt động HGCS; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động HGCS.

Theo Ủy ban các vấn đề xã hội, việc xây dựng khung pháp lý cao hơn nhằm điều chỉnh hoạt động hòa giải ở cơ sở sẽ thúc đẩy sự lựa chọn của người dân, sự tham gia cũng như cơ chế phối hợp nhiều bên tham gia vào quá trình hòa giải, đặc biệt là vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, đảm bảo tính linh hoạt, mềm dẻo, góp phần giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ tại địa bàn dân cư, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân. Mục tiêu quan trọng nhất của hoạt động hòa giải ở cộng đồng dân cư chính là góp phần xây dựng tình đoàn kết, ngăn ngừa và xử lý các xích mích, mâu thuẫn chưa đến mức phải xử lý bằng pháp luật hình sự, hành chính hoặc dân sự…

Cũng trong buổi sáng, Quốc hội đã nghe các Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang, Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ Công an Trần Đại Quang, Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình bày tờ trình và Chủ nhiệm các Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường, Kinh tế, Quốc phòng và an ninh trình bày báo cáo thẩm tra các dự án Luật đất đai (sửa đổi), Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, Luật Phòng, chống khủng bố, Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh; Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật trình bày tờ trình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

H.Giang