Dự thảo Luật Thủ đô: Cần cho sự phát triển của cả nước

29/10/2012
Thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Thủ đô (LTĐ) chiều 27/10, nhiều ĐBQH cho rằng, đây là Luật của Thủ đô chứ không chỉ của TP.Hà Nội và “cần ban hành LTĐ làm cơ sở pháp lý để phát triển Thủ đô và cả nước vì Thủ đô là trung tâm của cả nước”.

Luật cần nhưng chưa đủ

Nhận định Thủ đô quá lớn song chưa có cơ chế phát triển, nếu tuân theo quy định chung thì Thủ đô bị “trói” nhiều vấn đề nên cần cơ chế riêng để Thủ đô phát triển nhanh, đúng luật hơn, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (tỉnh Vĩnh Phúc) tán thành ban hành LĐT, song còn băn khoăn khi thấy “các quy định của dự thảo mới chỉ để quản lý đô thị, thiếu những nét tương đồng về văn hóa, lịch sử của Thủ đô để có đặc thù”.

Bên cạnh đó, ĐB Bảo cho rằng, vấn đề của Thủ đô nằm ở trình độ quản lý, văn hóa áp dụng pháp luật còn “có vấn đề” và thiếu cơ chế quản lý, chứ không phải thiếu thể chế, văn bản pháp luật. Thực tiễn cho thấy, tình trạng “lách luật” rất nhiều nên để quản lý Thủ đô thì “ban hành luật này là chưa đủ”.

Chia sẻ những khó khăn của Hà Nội thời gian qua xung quanh các vấn đề như quản lý đô thị, môi trường, ùn tắc giao thông, cảnh quan kiến trúc, di cư tự do…, ĐB Lê Văn Hoàng (TP.Đà Nẵng) cho rằng, nếu không có phân công, phấn cấp, phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành, TƯ và Hà Nội thì khó giải quyết dứt điểm các vấn đề đó.

Quản lý chặt số lượng dân cư để hướng đến chất lượng

Đầy “cảm thông” với những khó khăn của Thủ đô trong quản lý dân cư, ĐB Nguyễn Bá Thanh (TP.Đà Nẵng) cho rằng, nhập cư vào nội thành phải “chặt” hơn. “Chúng tôi cần người vào xây dựng nội thành nhưng không có nhà ở, không có việc làm, có tiền án, tiền sự thì “vô” nội thành làm được gì?” – ĐB Thanh phân tích.

Kịch liệt phê phán “ý tưởng” nhà 25m2 vì đây là một “sáng kiến lạc hậu” để giải quyết nhu cầu nhà ở của người dân nhưng khiến Thủ đô thêm chật chội, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, “đáng lẽ phải khuyến khích, hỗ trợ người dân có nhà ở bằng các biện pháp khác như cho vay tiền thời gian dài…”. Hơn nữa, theo ĐB Thanh, “dự thảo LTĐ quy định diện tích tối thiểu 5m2/người ở nội thành là ít, phải 7m2/người trở lên mới phù hợp” cho phát triển lâu dài.

ĐB Kso Phước (tỉnh Gia Lai) đồng tình phải có biện pháp hành chính để giảm mật độ dân số trong nội thành Thủ đô, song cảm thấy quy định điều kiện nhập cư nội thành như dự thảo là “chưa ổn” khi LTĐ không làm cho 1,2 năm mà cho thời gian dài, quy mô nội thành có thể thay đổi. Theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, thực tiễn đang làm lu mờ tầm nhìn 10, 20 năm trong quản lý dân cư ở Thủ đô vì “vấn đề là quản lý dân cư, giải quyết đời sống của người dân, đảm bảo điều kiện sống người dân như thế nào chứ không thể để “rối hết cả lên” như bây giờ”. ĐB Siu Hương (tỉnh Gia Lai) lại bày tỏ lo ngại khi quy định về quản lý dân cư trong dự thảo LTĐ “còn nặng tính hành chính khi quản lý bằng hộ khẩu mà  chưa chú ý quản lý chất lượng dân cư”.

Phạt và thu phí cao để thay đổi ý thức?

Không mấy tin tưởng vào biện pháp “phạt nặng giảm vi phạm”, một số ĐBQH cho rằng, không nên mở rộng phạm vi cho Hà Nội được xử phạt vi phạm hành chính cao hơn các địa phương khác, nhất là khi các quy định cho các TP trực TƯ xử phạt cao hơn trong Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa được thực thi để tránh “đặt thêm gánh nặng lên người dân”.

Song theo ĐB Nguyễn Bá Thanh, “mọi vấn đề quyết định là ở con người. Xử phạt cao đã làm từ lâu ở Hà Nội và TP.HCM, nhưng khi TP.HCM rất nghiêm túc thì dường như không thay đổi được tình trạng “kẹt xe là leo lên vỉa hè” ở Hà Nội”. Nhưng “trong tình hình trì trệ chung, tăng mức xử phạt để răn đe người vi phạm là cần thiết” – ĐB Thanh nhấn mạnh. Còn ĐB Lê Thị Tám (tỉnh Nghệ An) cho rằng, cần có cả các giải pháp phát triển ra ngoại thành để hỗ trợ các biện pháp xử phạt hành chính cao, quản lý dân cư… trong nội thành mới thay đổi được các vấn đề “nóng” ở Thủ đô hiện nay.

Một số ĐB cũng chưa đồng tình để Hà Nội được thu phí giao thông vận tải cao hơn vì “chưa có tính khả thi khi hạ tầng cơ sở, phương tiện công cộng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, cung cấp dịch vụ không tốt thì thu phí cao là bất hợp lý” – ĐB Lê Văn Hoàng (TP.Đà Nẵng) nhận xét. Thậm chí, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) gọi quy định “thu phí giao thông và xử phạt hành chính cao hơn” của Thủ đô là “cơ chế đặc biệt, ưu ái “đánh vào người dân” vì các địa phương làm tốt trên cơ sở luật pháp mà Thủ đô lại phải quy định cao hơn là không bình đẳng với người dân ở các địa phương khác”. Biện pháp ĐB Thúy kiến nghị là dự thảo LTĐ “nên ưu ái về người quản lý”.

Đầu tư cho Thủ đô phải trên nền tảng chung

ĐB Trần Hồng Hà (tỉnh Vĩnh Phúc) đồng ý xây dựng Thủ đô xứng tầm nhưng “phải trên cơ sở nền kinh tế chung, việc cung cấp dịch vụ công bằng với các vùng, miền, có ưu tiên trong mức độ nhất định. Cái gì cũng đổ về Thủ đô thì khó giải quyết vấn đề quá tải”. Hiện Hà Nội luôn được ưu tiên, nếu thêm ưu tiên như dự thảo LTĐ thì không công bằng với các địa phương khác, nhất là những TP trực thuộc TƯ. Cũng chính từ quan điểm này, ĐB Trần Hồng Hà, ĐB Lê Minh Hoàng (TP.Đà Nẵng) đề nghị quy định rõ hơn về mức phân bổ ngân sách cho Hà Nội để tránh “cơ chế xin – cho, hay việc phân bổ cao hơn nhiều lần các địa phương khác”.

Nhưng với quan điểm của ĐB Cù Thị Hậu (tỉnh Hưng Yên), Hà Nội tập trung nhiều cơ quan TƯ, cơ quan đầu não, tổ chức quốc tế, HN phải “gánh” nhiều chi phí hơn các địa phương khác … nên biên chế, tài chính, nguồn ngân sách… phải cao hơn và “cần tạo cho Thủ đô một cơ chế tài chính để thực hiện các nhiệm vụ của mình”…

Các ĐBQH cũng tập trung nhiều ý kiến vào vấn đề quản lý đất đai, phát triển văn hóa – giáo dục, trách nhiệm của “vùng thủ đô”, chính sách bảo vệ Thủ đô…

Huy Anh

Trong khi một số ý kiến ĐBQH cho rằng, biểu tượng Thủ đô phải đại diện cho cả nước chứ “Khuê Văn Các” mới chỉ nhắc đến Hà Nội nên phải mở cuộc thi các ý tưởng để lựa chọn biểu tượng cho Thủ đô, HĐND TP.Hà Nội không thể thay mặt cả nước quyết định biểu tượng của Thủ đô, thì nhiều ĐB tại các đoàn Nghệ Anh, Đăk Lăk, TP.Đà Nẵng, Gia Lai, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh lại tán thành với quy định của dự thảo LTĐ về biểu tượng Thủ đô, nhưng đề nghị, phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.