Thí điểm bước đầu đã thành công
Báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thí điểm chế định Thừa phát lại do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ) trình bày tại Quốc hội cho thấy, mặc dù thời gian thí điểm chưa dài (thực tế triển khai mới được khoảng 02 năm) nhưng hoạt động của 5 văn phòng Thừa phát lại (với 33 thừa phát lại) đã thu được kết quả khả quan về tống đạt giấy tờ, lập vi bằng, xác minh điều kiện THA và tổ chức THA theo yêu cầu của đương sự, được xã hội, người dân đón nhận tích cực, “bước đầu khẳng định việc thí điểm chế định Thừa phát lại tại TP.HCM là thành công, mô hình Thừa phát lại phù hợp, cần thiết cho xã hội và cho hoạt động tư pháp”. Hiện đã có thêm 03 văn phòng Thừa phát lại mới được thành lập đã ổn định về mặt tổ chức và bắt đầu đi vào hoạt động.
Chế định Thừa phát lại đã tạo cơ chế tăng cường tính chủ động, tích cực của công dân trong các quan hệ dân sự, tố tụng dân sự, bước đầu đã tạo lập một nghề mới trong thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý và là bước đầu tiên xã hội hóa hoạt động THA, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội, hỗ trợ tích cực cho các hoạt động tư pháp được nhanh hơn, hiệu quả hơn, góp phần giảm tải công việc của các cơ quan tư pháp, trước hết là của Tòa án và Cơ quan THADS.
Từ vai trò, tác động của việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trong thời gian qua tại TP.HCM cho thấy, mô hình này là cần thiết cho người dân, xã hội nói chung, cho hoạt động tư pháp nói riêng. Nhiều địa phương, trong đó có TP.Đà Nẵng, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương đã có văn bản đề xuất và chủ động xây dựng đề án thực hiện thí điểm mô hình này tại địa phương mình.
Chưa được nhìn nhận như một dịch vụ trong lĩnh vực tư pháp
Theo báo cáo của Chính phủ, chế định Thừa phát lại vẫn còn xa lạ đối với nhiều người dân. Hầu hết các công việc Thừa phát lại được làm đều đang do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện vì vậy, người dân chưa quen nhìn nhận và sử dụng Thừa phát lại như một dịch vụ trong lĩnh vực tư pháp để hỗ trợ cho việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức mình.
Bản thân các cơ quan nhà nước, nhận thức của các cơ quan hữu quan về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Thừa phát lại cũng chưa thật rõ ràng, đầy đủ và còn thiếu sự thống nhất dẫn đến việc triển khai một số công việc để thực hiện thí điểm chế định này chưa được thông suốt, đồng bộ, công tác phối hợp giữa các cơ quan Tòa án, cơ quan THADS và các cơ quan khác có liên quan với các Văn phòng Thừa phát lại chưa thật chặt chẽ, có những lúc, những việc còn chậm chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Chế định Thừa phát lại đang được thực hiện thí điểm, nên các quy định pháp luật về Thừa phát lại còn chưa đầy đủ, hiệu lực chưa cao, chưa đồng bộ và có những điểm thiếu cụ thể. Vấn đề bảo đảm hiệu lực pháp lý của chế định Thừa phát lại trong thời gian từ khi kết thúc thí điểm (01/7/2012) cho đến khi Quốc hội ban hành văn bản pháp luật mới về Thừa phát lại chưa được dự liệu, tính toán cụ thể dẫn đến lúng túng trong hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước trong thời kỳ chuyển tiếp và phần nào gây nên tâm trạng lo lắng, thiếu tin tưởng của chính các Thừa phát lại cũng như của những cá nhân, tổ chức đã hoặc đang sử dụng dịch vụ Thừa phát lại.
Đội ngũ Thừa phát lại, thư ký và nhân viên giúp việc tại các Văn phòng vẫn còn thiếu về số lượng, chất lượng không đồng đều, còn những trường hợp thiếu kỹ năng, kinh nghiệm trong giải quyết công việc, có trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực công tác. Sự phối hợp, hỗ trợ của một số cơ quan chính quyền cơ sở, tổ chức tài chính chưa chặt chẽ, hiệu quả trong quá trình Thừa phát lại xác minh điều kiện THA hoặc tống đạt giấy tờ đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động của các văn phòng Thừa phát lại.
Nhìn tổng thể, Chính phủ đánh giá, “kết quả thực hiện các loại công việc của Thừa phát lại chưa đồng đều”, trong đó, các việc xác minh điều kiện THA, trực tiếp tổ chức THA kết quả đạt được còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của mô hình và năng lực của các văn phòng Thừa phát lại. Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, phạm vi hành nghề của Thừa phát lại, hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại có xu hướng thiên về lập vi bằng mà chưa chú trọng vào việc xác minh điều kiện THA và thực hiện một số khâu trong tổ chức THA, nhằm hỗ trợ và giảm tải cho cơ quan THADS.
Tán thành tiếp tục và mở rộng thí điểm
Từ kết quả thí điểm 2 năm qua, Ủy ban tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại và mở rộng thêm địa bàn thí điểm (ở một số địa phương khác). Theo nhận định của Ủy ban Tư pháp, trong quá trình tiến hành cải cách tư pháp, để có cơ sở tham khảo, vận dụng nhằm hoàn thiện thể chế về tố tụng và THA, việc thí điểm chế định Thừa phát lại là cần thiết.
Song trong điều kiện hệ thống pháp luật và bối cảnh kinh tế - xã hội cũng như tập quán, ý thức pháp luật của người dân ở nước ta hiện đã có sự khác biệt rất lớn so với trước đây, nên việc thí điểm đòi hỏi phải có bước đi thận trọng, trên cơ sở nghiên cứu, cân nhắc kỹ các yếu tố pháp lý và điều kiện kinh tế - xã hội cũng như bảo đảm định hướng, lộ trình cải cách tư pháp. Việc thí điểm một chế định pháp luật cũng đòi hỏi phải có thời gian hợp lý, tạo điều kiện cho người dân làm quen, sử dụng dịch vụ pháp lý và kiểm nghiệm trên thực tế…
Chính phủ đã đề xuất Quốc hội cho phép kéo dài thí điểm chế định Thừa phát lại đến hết ngày 31/12/2015. Sau thời hạn trên, các Văn phòng Thừa phát lại được tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội có chủ trương mới.
Huy Anh