Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII: Các Bộ trưởng báo cáo việc thực hiện lời hứa.

20/09/2012

Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII (sẽ khai mạc vào 22/10 tới đây) do Văn phòng Quốc hội trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, sẽ dành nửa ngày để các vị bộ trưởng, trưởng ngành báo cáo về việc thực hiện lời hứa tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3. Đây là nội dung hoàn toàn mới so với các kỳ họp trước.

Kỳ họp thứ tư này, Quốc hội xem xét, thông qua 10 dự án luật (trong đó Luật Phòng chống tham nhũng được thông qua theo quy trình 1 kỳ họp); cho ý kiến vào 9 dự án luật (dự án Luật Hộ tịch được chuyển sang kỳ họp thứ 5).

Văn phòng Quốc hội cũng cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định 2 dự thảo Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại và dự thảo Nghị quyết về miễn thi hành án đối với những khoản thu cho ngân sách nhà nước không thể thi hành được tính đến ngày 1-7-2009.

Cùng với việc thảo luận các vấn đề về kinh tế xã hội, tình hình thực hiện dự toán ngân sách, giám sát chuyên đề, Quốc hội còn nghe và cho ý kiến vào các báo cáo công tác tư pháp, chất vấn các thành viên Chính phủ…và nhiều nội dung quan trọng khác.

Ngoài những nội dung như thông lệ: phiên khai mạc, bế mạc, kinh tế-xã hội, giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn), dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân cũng được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, một số Luật, Nghị quyết được thông qua tại một kỳ họp (Luật PCTN, NQ bỏ phiếu và lấy phiếu tín nhiệm, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 ) phải chuẩn bị thật tốt, đảm bảo thời gian và chất lượng, sao cho tập hợp được nhiều nhất thí tuệ của ĐBQH. Các báo cáo về công ác tư pháp cần có thời gian để thảo luận kỹ.

Riêng việc báo cáo thực hiện lời hứa của các vị Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch yêu cầu “là vấn đề mới, phải xem cách thức làm thế nào, chỉ báo cáo hay bằng hình thức hỏi- đáp”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và nhiều ý kiến trong  UBTVQH cho rằng, không nên ghép việc thảo luận 2,3 dự án luật trong cùng một buổi. Luật Thủ đô, Nghị quyết về lấy, bỏ phiếu tín nhiệm, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992…là những nội dung quan trọng nhưng thời gian lại được bố trí quá ngắn, đề nghị xem xét bố trí để ĐB có thời gian thảo luận sâu hơn.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’So Phước đề nghị cần có thêm những thông tin và dự báo tình hình cho ĐBQH về những vấn đề bức xúc của cuộc sống phát sinh từ kỳ họp thứ 3 đến nay, ví dụ như vụ Thủy điện Sông Tranh 2. “Quốc hội không thể đứng ngoài cuộc sống”, ông Phước nói.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, kỳ họp Quốc hội thứ 4 tới là kỳ họp quan trọng, nhiều nội dung, vì thế không nên ấn định thời gian cứng nhắc mà có thể kéo dài thêm một vài ngày để đảm bảo các vấn đề được xem xét, quyết định một cách thận trọng, chất lượng.

Thu Hằng