Mở quá rộng đối tượng kê khai sẽ khó khả thi
Về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, Chính phủ cho biết còn hai loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, đối tượng kê khai tài sản, thu nhập bao gồm người có nghĩa vụ kê khai theo quy định hiện hành, đồng thời bổ sung thêm những cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên (không bao gồm nhóm đối tượng đảng viên là nông dân hoặc đã nghỉ hưu)
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, đối tượng kê khai tài sản, thu nhập cần quy định tất cả những người có chức vụ, quyền hạn theo Luật hiện hành.
Tuy nhiên, Chính phủ thấy rằng đối tượng kê khai theo loại ý kiến thứ hai là quá rộng, không có tính khả thi. Qua tổng kết 05 năm triển khai Luật PCTN cho thấy, việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa đi vào thực chất. Để khắc phục tình trạng này, trước mắt mở rộng từng bước về diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai, nhưng quan trọng là phải có các biện pháp tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả hơn, trách tính hình thức. Vì vậy, Dự thảo Luật chỉ đề nghị bổ sung thêm những cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’So Phước và một số ý kiến trong UBTVQH đồng tình với phương án Chính phủ trình, bởi “nếu mở rộng đến quá nhiều đối tượng thì sẽ không khả thi”.
Có nên công khai bản kê khai tài sản ở nơi cư trú?
Luật PCTN hiện hành chưa quy định về việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập mà chỉ quy định việc công khai kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập. Nay, để khắc phục tính hình thức và kém hiệu quả trong công tác này, dự án luật quy định việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi thường xuyên làm việc, công tác và nơi cư trú của cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên nhằm mục đích để cơ quan, tổ chức hoặc cộng đồng dân cư tại nơi cư trú giám sát tính trung thực trong việc kê khai để ngăn ngừa, phát hiện tham nhũng.
Tuy nhiên, với điều kiện thực tế hiện nay thì nhiều thành viên Ủy ban Tư pháp cho rằng chỉ công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của đối tượng có nghĩa vụ kê khai tại nơi thường xuyên làm việc, công tác để đơn vị công tác giám sát, kiểm tra, tăng cường trách nhiệm của đối tượng có nghĩa vụ kê khai cũng như trong việc tự giác bảo đảm tính hợp pháp của tài sản, thu nhập do mình quản lý.
Về vấn đề này, TVQH còn nhiều ý kiến khác nhau. Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’So Phước tỏ ra nghi ngại vì quy định công khai bản kê khai tài sản thu nhập ở cả hai nơi (nơi công tác và nơi cư trú) sẽ rất phức tạp “có người hộ khẩu một nơi nhưng đăng ký tạm trú, sống ở nơi khác, công khai ra sao, do đó cần thận trọng”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhấn mạnh “tham nhũng đã tinh vi rồi còn bắt kê khai thì làm sao giải quyết dứt điểm được. Biện pháp đưa ra có phần nào vẫn là hình thức. Quan trọng là ở lòng người”.
Dự án Luật PCTN sửa đổi sẽ được đưa ra tại kỳ họp thứu tư, Quốc hội khóa XIII khai mạc tháng 10 tới đây.
Thu Hằng
Dự thảo luật PCTN quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức có dấu hiệu tham nhũng để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng |