Đề xuất nâng mức 9 triệu mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân

13/09/2012
Trong khi Chính phủ đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên mức 3,6triệu đồng/tháng thì Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) của Quốc hội cho rằng, chỉ cần 7 triệu và 2,8 triệu tương ứng với các mức trên là hợp lý.

Chiều qua 12/9, tại phiên họp thứ 11, UBTVQH đã cho ý kiến vào dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi).

9 triệu là hợp lý?

Theo báo cáo của Chính phủ, cả nước hiện có khoảng 3,87 triệu người phải nộp thuế TNCN (chiếm 4,4% dân số cả nước). Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội tính toán: nếu sửa đổi Luật theo hướng nâng mức GTGC lên 9 triệu và 3,6 triệu thì hậu quả là 100% người nộp thuế ở bậc 1 sẽ không phải nộp thuế; 72% người nộp thuế ở bậc 2 sẽ được chuyển xuống nộp thuế ở bậc 1; số lượng người nộp thuế còn không đáng kể, chỉ khoảng 1 triệu người, (giảm khoảng 2,87 triệu).

Với đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Tài chính ngân sách cũng cho rằng, việc nâng mức GTGC từ 4triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng sẽ làm sai lệch bản chất của thuế TNCN, đưa thuế TNCN trở thành thuế thu nhập cao thông qua việc thu hẹp quá lớn số lượng người nộp thuế; ảnh hưởng lớn đến nguồn thu NSNN,

Ngoài ra, Ủy ban Tài chính ngân sách cũng cho rằng, việc nâng mức GTGC đối với người phụ thuộc lên 3,6 triệu đồng sẽ là thiếu công bằng giữa người không lao động với người lao động. Thực tế cho thấy,  có một bộ phận cán bộ, công chức đang hưởng mức lương khá thấp (thấp hơn mức GTGC 3,6triệu đồng). Do đó, nếu quy định mức GTGC đối với người phụ thuộc (không lao động) là 3,6triệu đồng/tháng thì vô hình chung sẽ dẫn đến tình trạng người lao động sẽ có thu nhập thấp hơn người không lao động, chưa bảo đảm tính công bằng.

Tuy nhiên, đề nghị “hạ mức” GTGC của Ủy ban TCNS không được sự đồng thuận của nhiều Ủy viên UBTVQH.

Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn ủng hộ phương án của Chính phủ với hai mức GTGC. Ông nói thuế của dân là tiền nhà nước nhưng sử dụng tiền đó thế nào cho hiệu quả, không tham nhũng lãng phí mới là quan trọng.

Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cũng phân tích: Ta lấy mốc 2007 lúc đó mức GTGC là 4 triệu, bây giờ đề xuất lên 9 triệu. Điều quan trọng là phải tính cho cả khoảng 3,4 năm sau, phải tính đến yếu tố trượt giá thế nào, biến động kinh tế ra sao. Theo Phó Chủ tịch, mức 9 triệu mà Chính phủ đưa ra là hợp lý, tránh việc 1, 2 năm sau lại sửa luật.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng đồng tình với quan điểm này “9 triệu hay 7 triệu thì cũng phải tính đến“sức sống” của Luật, ít phải được 3 năm”

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện …cũng ủng hộ đưa mức GTGC như đề xuất của Chính phủ vì “nếu tiết kiệm thì tiết kiệm ở cái khác, áp dụng mức này có tác dụng động viên rất lớn cho người lao động”

Lo ngân sách nhà nước “thâm hụt”

Với mức GTGC nói trên, theo tính toán của Chính phủ nếu luật có hiệu lực từ 1/7/2013 thì dự kiến số giảm thu của 6 tháng cuối năm 2013 là 5 ngàn 200 tỷ, cả năm 2014 sẽ là trên 13 ngàn tỷ đồng. Và những con số này chính là nỗi lo lớn của Ủy ban Tài chính ngân sách khi nguồn thu ngân sách nhà nước bị giảm sút.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai giải thích thêm, với mức đề xuất GTGC mới, Chính phủ đã tính toán, xem xét trong bối cảnh tổng thể, và thấy rằng mức này là phù hợp với thực tiễn, sau 3 năm thi hành Luật thuế TNCN.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý chia sẻ: đề xuất như vậy Chính phủ đã tính kỹ rồi, trong đó có cả các nguồn bảo đảm thực hiện. “Nếu giảm ngân sách như vậy Chính phủ cần làm rõ hơn sẽ lấy khoản nào bù vào đó”. Ông Lý đề nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi kết luận vấn đề này đã yêu cầu, cơ quan soạn thảo và Ủy ban thẩm tra cần phải có lập luận vững chắc khi đề ra các mức GTGC, để có cơ sở  UBTVQH xem xét trước khi trình  ra QH vào kỳ họp tới.

 

Thu Hằng

Về đối tượng được GTGC, theo Ủy ban TCNS một số ý kiến cho rằng, việc quy định áp dụng GTGC đối với “những người khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng” (theo quy định của Luật hiện hành) là chưa hợp lý, phạm vi quá rộng. Qua giám sát cho thấy, đã phát sinh khó khăn trong kiểm soát thực hiện;  nhiều trường hợp lợi dụng quy định này để trốn thuế. Do vậy, có 4/8 ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị chỉ áp dụng GTGC đối với đối tượng là bố, mẹ, con, vợ, chồng, ông, bà (bao gồm cả bố, mẹ, con nuôi); có 4/8 ý kiến đề nghị, để bảo đảm tính đơn giản, dễ quản lý, dễ thực hiện, nên áp dụng cơ chế khoán mức GTGC, theo đó mỗi người lao động được trừ mức GTGC cho việc nuôi 1 người phụ thuộc trước khi tính thuế mà không cần thiết phải kê khai và xét đến việc có hay không số người phụ thuộc có trên thực tế.

Tuy nhiên, khi thảo luận về vấn đề này, nhiều ý kiến UBTVQH cho rằng, không nên khống chế bao nhiêu người phụ thuộc, mà có bao nhiêu người phải giảm cho từng đó,còn việc tổ chức điều tra có đúng những người đó phụ thuộc, không có thu nhập hay không là việc của cơ quan nhà nước.

 

Trường hợp giá thị trường biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức GTGC gần nhất thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh phù hợp với biến động giá cả

(Dự thảo Luật sửa đổi Luật thuế TNCN)