Vẫn thiếu cán bộ chuyên môn sau hai năm triển khai Luật Lý lịch tư pháp

20/08/2012
Sau hai năm tổ chức thực hiện Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) năm 2009 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2010) và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác LLTP đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ mới của ngành Tư pháp nên những thành quả gặt hái được mới chỉ là bước đầu và cũng còn không ít khó khăn cần phải tháo gỡ.

Chủ động phối hợp với các ngành liên quan

Có thể nói, điểm nổi bật qua hai năm thi hành Luật LLTP chính là sự chủ động, tích cực của toàn ngành Tư pháp. Ở Trung ương, Trung tâm LLTP quốc gia đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị của các bộ, ngành có liên quan soạn thảo và ban hành các văn bản, đề án triển khai và hướng dẫn công tác này nhằm hướng đến xây dựng, tổ chức hệ thống cơ quan quản lý LLTP chuyên nghiệp, hiện đại; gắn việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP với cấp Phiếu LLTP, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Còn ở cấp tỉnh, với sự tham mưu của các Sở Tư pháp, tổ chức, biên chế làm công tác LLTP đã được lãnh đạo địa phương quan tâm, kiện toàn. Chẳng hạn, Phòng LLTP thuộc Sở Tư pháp TP.Hà Nội được thành lập từ ngày 1/1/2011, hiện có 7 biên chế. Trang thiết bị, cơ sở vật chất bước đầu đã được quan tâm, đầu tư để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ. Sở Tư pháp Hà Nội cũng đã có sự phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố thực hiện tra cứu, xác minh thông tin LLTP.

Thực hiện Luật LLTP, Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND về triển khai thực hiện Luật LLTP trên địa bàn tỉnh; đồng thời ban hành Kế hoạch số 11/KH-STP về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 40/KH-UBND, ban hành Công văn số 31/STP-HCTP gửi các cơ quan có liên quan về việc đề nghị phối hợp cung cấp thông tin LLTP theo Luật LLTP và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, tháng 9/2011, Sở phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác tư pháp cho công chức Tư pháp - Hộ tịch 141 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, trong đó có tập huấn thực hiện Luật LLTP và triển khai ứng dụng phần mềm quản lý LLTP của Bộ Tư pháp trong giai đoạn chạy thử nghiệm…

Nhờ vậy, hệ thống cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP đã được hình thành từ Trung ương đến địa phương. Cơ sở dữ liệu LLTP đang từng bước được xây dựng tại Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp trong cả nước. Nguồn thông tin LLTP từ các cơ quan tố tụng và các cơ quan có liên quan bắt đầu được khai thông. Việc cấp Phiếu LLTP theo yêu cầu của người dân ngày càng dễ dàng, thuận tiện hơn.

Vướng nhất là nhân sự

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác LLTP còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể, ở Hà Nội, việc cung cấp thông tin LLTP của các cơ quan vẫn chưa đầy đủ theo quy định của Luật, hiện mới có 1/3 cơ quan Tòa án, thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố thực hiện cung cấp thông tin cho Sở Tư pháp. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác LLTP chưa được đào tạo bài bản, chưa chú trọng sử dụng phần mềm LLTP trong tiếp nhận, xử lý thông tin LLTP nên công tác quản lý tại Sở chưa thật sự hiệu quả, nhất là công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP theo yêu cầu của Luật. Hay tại Tuyên Quang, cùng với vướng mắc từ việc thiếu thông tin cho việc lập LLTP do việc cung cấp thông tin của cơ quan Tòa án được thực hiện theo mẫu chung của ngành Tòa án thì một khó khăn khác phát sinh là nguồn tuyển dụng công chức có trình độ chuyên môn Đại học Luật rất ít.

Sở Tư pháp TP.Đà Nẵng thẳng thắn thừa nhận bất cập đầu tiên của địa phương mình trong quá trình triển khai Luật là biên chế làm công tác LLTP vừa thiếu, vừa chưa được nâng cao kỹ năng nghiệp vụ LLTP. Ngoài ra, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; công tác xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP chưa thực sự hiệu quả; số vụ việc giải quyết yêu cầu cấp Phiếu của công dân chậm so với thời hạn quy định còn cao

Như vậy, có thể thấy vướng mắc lớn nhất của các địa phương là vấn đề con người mà thực trạng “vừa thiếu lại vừa yếu” gần như phổ biến. Thiết nghĩ để giải quyết bài toán này không có cách nào khác hơn là các địa phương cần tiếp tục tăng cường sự chủ động, tích cực hơn nữa và cách làm của Tuyên Quang trong tập huấn nghiệp vụ cho công chức Tư pháp – hộ tịch trên đây là một kinh nghiệm đáng tham khảo cho các tỉnh, thành khác.

Cẩm Vân