Đăng ký nuôi con nuôi thực tế: Vận động mà tránh ép buộc

18/07/2012
Một trong những điểm mới của Luật Nuôi con nuôi (NCN) đó là cho phép đăng ký đối với trường hợp NCN phát sinh trên thực tế giữa công dân Việt Nam với nhau (NCNthực tế) mà chưa đăng ký trước ngày Luật có hiệu lực. Tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện cho thấy các quy định này vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Không đăng ký vì muốn giữ “bí mật”

Mặc dù pháp luật đã có quy định về vấn đề NCN thực tế (NCNchưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền) nhưng người dân vẫn xem nhẹ nó. Để bảo vệ quyền lợi của các bên trong quan hệ NCN, đặc biệt là trẻ em, Điều 50 Luật Nuôi con nuôi quy định việc NCNgiữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, nếu các bên có điều kiện đăng ký theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi đến thời điểm luật có hiệu lực mà quan hệ cha, mẹ, con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống; giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.

Quy định như vậy nhưng theo ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) kể từ khi thực hiện Luật đến nay, Cục Con nuôi chưa thống kê được cụ thể số lượng các trường hợp đăng ký NCN thực tế. Qua nắm bắt tình hình tại một số địa phương thì việc đăng ký nuôi con nuôi thực tế chưa có sự chuyển biến rõ rệt.

Ông Bình cho biết có ba nguyên nhân mà người dân “ngại” đi đăng ký. Đó là do tâm lý không muốn công khai mối quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi vì muốn giữ bí mật về việc nuôi con nuôi, tạo tâm lý yên ổn, tránh mặc cảm cho trẻ được nhận làm con nuôi. Lý do thứ hai là nhận thức pháp luật của người dân còn thấp, đặc biệt ở nhiều vùng miền núi, bị chi phối nhiều bởi phong tục tập quán như chỉ cần làm lễ buộc chỉ cổ tay, cúng ma hay đặt tên…mà không cần đăng ký trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, việc đăng ký con nuôi thực tế còn nhiều khó khăn do cha mẹ đẻ đi làm ăn xa, nhiều trẻ bố mẹ đã mất. Tại một số địa phương, phần lớn các trường hợp con nuôi thực tế đều không đủ điều kiện nên không thực hiện đăng ký được.

Phải cho người dân thấy đăng ký là cần thiết

Đăng ký nuối con nuôi thực tế góp phần bảo vệ lợi ích của các bên trong quan hệ cha mẹ và con, ngăn ngừa và hạn chế những tranh chấp phát sinh từ nuôi con nuôi thực tế, đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong các quan hệ dân sự có thể phát sinh sau này. Vì vây, phải làm cho người dân thấy ý nghĩa của việc nuôi con nuôi bằng cách tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật - đây là vấn đề đầu tiên mà kế hoạch triển khai đăng ký NCN thực tế được Bộ Tư pháp đề cập.

“Chỉ thực hiện việc đăng ký NCN với các trường hợp đủ điều kiện và cha mẹ có nguyên vọng”. Ông Nguyễn Văn Bình nói rõ. “Đối với các trường hợp NCN thực tế mà cha mẹ nuôi chưa/không có nguyện vọng đăng ký thì không được ép buộc. UBND xã cần cử người đến vận động thuyết phục người dân đi đăng ký, những tránh công khai các thông tin về con nuôi thực tế mà ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống của người dân”. Ông Bình nói thêm.

Bên cạnh đó, việc rà soát, thống kê báo cáo đánh giá thực trạng NCN thực tế trên phạm vi toàn quốc phải được thực hiện nghiêm túc, chính xác và thực hiện từ cơ sở (UBND cấp xã). Tùy theo tình hình cụ thể địa phương có thể huy động sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể để đánh giá đúng tình hình NCN thực tế và nhất là nguyên nhân vì sao người dân không muốn đi đăng ký.

Thu Hằng