Bộ trưởng Hà Hùng Cường tham gia Đoàn đại biểu cấp cao do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu thăm và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 1-7/7/2012

03/07/2012
Bộ trưởng Hà Hùng Cường tham gia Đoàn đại biểu cấp cao do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu thăm và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 1-7/7/2012

Tham gia Đoàn còn có Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Trương Hoà Bình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Hoàng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Lương Minh, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng và Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam Võ Khánh Vinh. 

Trong chương trình thăm và làm việc chính thức Nhật Bản lần này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác có buổi hội kiến Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Hạ viện, gặp gỡ Chánh án Toà án Tối cao Nhật Bản, Bộ trưởng Tư pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, lãnh đạo Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và một số chính khách của Nhật Bản; trao đổi với các học giả, các nhà nghiên cứu, giáo sư các trường đại học về các vấn đề như tăng cường hợp tác tư pháp, pháp luật Việt Nam - Nhật Bản, kinh nghiệm của Nhật Bản trong quá trình sửa đổi Hiến pháp và một số vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm. Cũng trong chuyến công tác này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường sẽ chủ trì Tọa đàm với đại diện các doanh nghiệp ở tỉnh Aichi với chủ đề "Pháp luật dân sự và kinh tế của Việt Nam".

1. Chiều ngày 1/7/2012, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ trưởng Hà Hùng Cường và các đồng chí Giàng Seo Phử, Lê Thị Thu Ba, Nguyễn Hoàng Việt, Phan Trung Lý và Đại sứ Đoàn Xuân Hưng đã tiếp kiến Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda.  

Tại buổi tiếp kiến, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn và đánh giá cao việc Chính phủ Nhật Bản đã dành ODA cho Việt Nam ở mức cao nhất từ trước đến nay trong năm tài khóa 2011 và cam kết sẽ sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Nhật Bản hiệu quả. Về quan hệ hợp tác thương mại - đầu tư, Phó Thủ tướng cho rằng, quan hệ hợp tác - đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản đang phát triển rất tốt đẹp, năm 2011, kim ngạch hai chiều đạt 21 tỷ USD. Nhật Bản là đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Tuy nhiên, hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Phó Thủ tướng đề nghị Thủ tướng Noda quan tâm chỉ đạo để các bộ ngành, doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư tương xứng với tiềm năng của hai nước cũng như việc triển thực hiện các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Về lĩnh vực pháp luật và tư pháp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực này, nhất là việc hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động nghiên cứu, đào tạo đội ngũ cán bộ phục vụ công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền, thực hiện các Chiến lược hoàn thiện pháp luật và cải cách tư pháp của Việt Nam trong thời gian tới. 

Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Yoshihiko Noda đánh giá cao ý nghĩa và kết quả các cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 10/2011 và tháng 4/2012, đồng thời bày tỏ sự hài lòng trước những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Thủ tướng Noda khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua việc cung cấp ODA và cho biết sẽ nghiên cứu các đề nghị của Việt Nam về việc tăng cường hợp tác, trong đó có việc chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Thủ tướng Nhật Bản cũng bày tỏ sự ủng hộ lập trường của Việt Nam về bảo đảm hòa bình, ổn định và tự do, an toàn hàng hải ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc. Thủ tướng Noda cảm ơn và hứa sẽ chuyển lời mời sang thăm Việt Nam trong Năm Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản 2013 đến Hoàng gia Nhật Bản và hứa sẽ thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp.

Ngay sau buổi tiếp kiến Thủ tướng Nhật Bản, Đoàn đã tới thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

2. Ngày 2/7/2012, trong ngày làm việc mang tính chuyên môn đầu tiên của Đoàn tại Trụ sở của tổ chức JICA, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng Đoàn Đại biểu cấp cao của Việt Nam đã tham dự "Tọa đàm cấp cao Việt Nam - Nhật Bản về cải cách pháp luật và tư pháp". Tham dự Tọa đàm về phía Nhật Bản có Phó Chủ tịch thường trực JICA - ông Domichi, giáo sư Tsuboi Yosiharu và các học giả hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu Hiến pháp, cải cách tư pháp của Nhật Bản như giáo sư Katutoshi Takami (Đại học học Sophia), giáo sư Takao Hasabe (Đại học Tokyo), giáo sư Shouhei Nakanishi (Đại học Chuo) …

 

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao và cảm ơn vai trò của JICA, với tư cách là cơ quan điều phối của Chính phủ Nhật Bản trong hợp tác ODA, đã hỗ trợ và hợp tác hết sức hiệu quả đối với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực trong đó có hợp tác về tư pháp và pháp luật. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh về ý nghĩa và sự trân trọng của Việt Nam đối với việc học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nói riêng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực hiện các mục tiêu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp nói chung.

Thuyết trình tại Tọa đàm, các học giả Nhật Bản đã trình bày về bối cảnh xây dựng Hiến pháp năm 1946 của Nhật Bản và một số nội dung cơ bản của Hiến pháp này trong sự so sánh với Hiến pháp của thời kỳ Minh trị, trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề như: ý nghĩa, vai trò của Hiến pháp, chủ quyền nhân dân, vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước và mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương. Theo các giáo sư Nhật Bản, trải qua gần 70 năm tồn tại cùng với sự phát triển vượt bậc của đất nước Nhật Bản về mọi mặt kinh tế, xã hội trên nền tảng của những giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ và phát huy, Hiến pháp Nhật Bản năm 1946 đã thể hiện được vai trò của đạo luật gốc, là nền tảng của cả hệ thống pháp luật quốc gia, chứa đựng những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức đời sống xã hội và vận hành bộ máy nhà nước, đồng thời cũng thể hiện tính ổn định, khả năng thích nghi, dẫn dắt sự phát triển của đất nước này trong suốt thời gian qua.    

Trao đổi với các học giả Nhật Bản tại Tọa đàm, Bộ trưởng Hà Hùng Cường và các đại biểu cấp cao của Việt Nam đã đề cập đến một số vấn đề như nội hàm của các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo Hiến pháp Nhật Bản năm 1946;  cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát các cơ quan trong việc thực hiện các quyền này; nguyên tắc xác định tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ chế để chính quyền địa phương thực hiện quyền tự chủ của mình nhưng vẫn bảo đảm trong khuôn khổ của luật, không phá vỡ, vượt quá chính sách của quốc gia; kỹ thuật lập hiến để đảm bảo hiệu lực, tính ổn định, lâu dài của Hiến pháp; cơ chế để Tòa án kiểm soát các hoạt động của cơ quan hành chính thông qua việc phán quyết đối với các quyết định, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời các đại biểu cũng thảo luận những vấn đề mà các học giả của Nhật Bản đã và đang đặt ra để nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp năm 1946 của nước này như: việc mở rộng hơn nữa các quyền tự do dân chủ của công dân liên quan đến quyền riêng tư, quyền được biết, quyền tiếp cận thông tin, quyền được sống trong môi trường trong lành; quyền của cơ quan hành pháp được ban hành các quyết định nhanh chóng để ứng phó kịp thời đối với những thiên tai, thảm họa động đất, sóng thần...; việc sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản nhằm bảo đảm sự tương xứng giữa trách nhiệm quốc tế và sức mạnh quốc gia.