Kiện toàn bộ máy pháp chế ở địa phương vẫn đang ở… thì tương lai!

02/07/2012
Gần một năm trước đây, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, trong đó có tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, đã được Chính phủ ban hành. Tuy Nghị định này đã quy định cứng về việc thành lập Phòng Pháp chế ở 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh nhưng xem ra việc kiện toàn bộ máy pháp chế tại địa phương vẫn còn nhiều gian nan…

Còn dừng ở… kế hoạch

Để bảo đảm nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả của công tác pháp chế ở địa phương, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP đã quy định cứng về việc thành lập Phòng Pháp chế ở 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, bao gồm: Sở Nội vụ; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Công thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Giao thông vận tải; Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế. Riêng các cơ quan chuyên môn được thành lập theo đặc thù riêng của từng địa phương và ở các cơ quan chuyên môn khác thì quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh, tùy nhu cầu công tác pháp chế, quyết định thành lập Phòng Pháp chế hoặc bố trí công chức pháp chế chuyên trách.

Những tưởng khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2011 thì tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế sẽ thực sự được quan tâm củng cố, kiện toàn song đến nay phần lớn mới dừng lại ở kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

Một vị Phó Chủ tịch UBND một tỉnh phía Bắc đã nhấn mạnh, “công tác pháp chế có vai trò rất quan trọng trong việc giúp các cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước, các doanh nghiệp triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh; việc thành lập các tổ chức pháp chế và nâng cao năng lực người làm công tác pháp chế tại các cơ quan là hết sức cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển chung hiện nay”. Tuy nhiên, yêu cầu phải thành lập Phòng Pháp chế tại 14 Sở được quy định theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP lại vẫn nằm ở… thì tương lai.

Đành rằng việc thành lập tổ chức pháp chế phải có lộ trình nhưng không thể vì thế mà các địa phương cứ chậm trễ mãi được!

Cần “vào cuộc” quyết liệt hơn

Bên cạnh đó, cũng có một số địa phương đang triển khai rất hiệu quả các quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Các tỉnh như Cà Mau, Hậu Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bình Phước… đã ban hành Đề án kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức pháp chế trên địa bàn tỉnh, trong đó, có nhiều Đề án đã được triển khai trên thực tế.

Đến nay toàn tỉnh Sóc Trăng đã có 3 Sở, ngành thành lập Phòng Pháp chế là Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh tra tỉnh. Số lượng cán bộ pháp chế chuyên trách cũng được tăng lên. Hiện nay, ngoài 3 Sở trên đã thành lập Phòng, bố trí công chức chuyên trách, các Sở như Sở Công Thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chưa thành lập Phòng pháp chế nhưng đã bố trí cán bộ chuyên trách. Các Sở còn lại cũng đã hoàn tất Đề án thành lập Phòng Pháp chế gửi Sở Nội vụ thẩm định trình UBND tỉnh.

Còn tại Cà Mau, gần đây nhất đã thành lập Phòng Pháp chế thuộc Sở Giao thông Vận tải. Đây là Phòng Pháp chế thứ 9 sau Phòng Pháp chế của 8 Sở: Xây dựng, Công Thương, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Thông tin và Truyền thông. Theo thống kê, toàn tỉnh Cà Mau có 87 công chức, viên chức, cán bộ làm công tác pháp chế, trong đó có 16 cơ quan Sở, ngành với 44 người; 5 doanh nghiệp nhà nước với 13 người và 5 cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh khác cũng thành lập tổ chức pháp chế với 30 cán bộ pháp chế.

Thiết nghĩ, phải có sự “vào cuộc” chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự đôn đốc, hướng dẫn kịp thời của Sở Tư pháp và Sở Nội vụ trong việc xây dựng Đề án thành lập Phòng Pháp chế và sửa đổi chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các Sở, ngành, đồng thời có sự quan tâm của lãnh đạo các cơ quan thuộc đối tượng phải thành lập Phòng Pháp chế, thì các địa phương mới có thể hoàn thành đúng theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

Cẩm Vân