Dự thảo Luật Điện lực: Bắt buộc kiểm toán độc lập để giá điện không làm “khổ” dân

07/06/2012
Thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Điện lực sáng qua (6/6), các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung làm rõ những quy định để xóa bỏ những hạn chế việc hình thành thị trường điện cạnh tranh và tình trạng “giá điện cao nhưng ngành điện cứ… kêu lỗ”.

Khó cạnh tranh khi quy hoạch “lôm côm”

ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP. Hồ Chí Minh) đánh giá cao vai trò của Luật Điện lực 2005 trong việc tạo ra hành lang pháp lý và điều kiện cho ngành điện phát triển. Tuy nhiên, thực hiện Luật này, “mối quan hệ cung cầu giữa khách hàng và nhà cung cấp là mối quan hệ chưa bình đẳng” - ĐB này nhận xét. Theo nhiều ĐBQH, khách hàng (người dân) của ngành điện luôn ở thế bị động, mất tiền mua điện nhưng “có điện dùng hay không lại do ngành điện điều tiết”, tự chịu hậu quả nếu thiệt hại vì… mất điện. Không kể việc phải “gánh” thêm những phụ phí do thất thoát điện năng, hạ tầng điện lực kém… trong giá mua điện.

Nên có tình trạng “giá điện bán cao, nhân viên ngành điện lương, thưởng rất lớn, nhưng ngành điện vẫn báo cáo lỗ”, còn dân ở nhiều địa phương, nhất là vùng nông thôn, vẫn phải chịu cảnh… cắt điện luân phiên khiến dư luận bức xúc trong thời gian qua. Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) Nguyễn Minh Quang (ĐBQH TP.Hà Nội) cho rằng “không có ưu đãi giá điện thì người dân còn nghèo và khổ hơn nữa”, nhưng “Nhà nước nên hỗ trợ giá điện bằng cách khác chứ không nên để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hỗ trợ thông qua giá điện. Nếu làm được điều này sẽ hạn chế được khó khăn trong công tác quản lý điện hiện nay” - Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hà Nội Trịnh Thế (ĐBQH TP.Hà Nội) đề nghị.

Một số ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để thúc đẩy nhanh chóng có thị trường điện lực cạnh tranh đúng nghĩa thì cần điều chỉnh vì lộ trình quy hoạch ngành điện như hiện nay “tương đối cứng nhắc”, chưa có sự đan xen hợp lý các giai đoạn nên “có lúc nguồn cung còn thiếu nên tính cạnh tranh không có” – ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang phản ánh.

Bên cạnh sửa Luật Điện lực thì cần tái cơ cấu mạnh ngành điện. Hiện có nhiều nhà máy thủy điện “mọc lên như nấm” đang phá vỡ trong quy hoạch đất đai, môi trường, thủy lợi và đời sống dân sinh ở nhiều địa phương do không phù hợp điều kiện phát triển. Đó là hậu quả của “sự không thực hiện nghiêm quy hoạch điện lực”. Do vậy, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) nhận thấy, cần được thực hiện nghiêm túc và có cơ chế xử lý nghiêm việc không thực hiện đúng quy hoạch điện lực. Còn ĐB Ngô Ngọc Bình đề nghị, tái cơ cấu ngành điện “sao cho căn cơ, hiệu quả”.

Ngoài quy hoach điện quốc gia còn có khu vực rồi mới quy hoạch điện của tỉnh, thành phố nhưng “đến nay mới đề cập đến quy hoạch điện ở cấp thành phố là 10 năm, mà chưa thấy đề cập đến thời gian quy hoạch điện quốc gia”. Các ĐBQH TP.Hà Nội cũng nhất trí việc bỏ quy hoạch điện cấp quận, huyện mà chỉ giữ quy hoạch cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Nhiều ý kiến tán thành chu kỳ lập quy hoạch phát triển điện lực là 10 năm (thay vì 5 năm như hiện hành) để đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhà nước phải “quản” giá điện

Các ĐBQH thống nhất, giá điện phải có sự điều hành của Nhà nước mới bảo đảm quyền lợi của người dân, không để người dân “chết chìm” vì giá điện và tạo sự yên tâm cho người dân. “Quản lý, điều hành giá điện phải vừa công khai vừa minh bạch, chứ hiện nay mới minh bạch chưa công khai” - ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị - không nên để như thời gian qua, dư luận và đời sống luôn phải “phấp phỏng” trước những thông tin điều chỉnh giá điện, mà có khi giá điện không tăng.

Theo pháp luật hiện hành, giá bán lẻ điện do Chính phủ quy định. Song trong dự thảo Luật quy định “đơn vị điện lực lập và trình Bộ Công thương phê duyệt” để đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành giá điện. Nhưng đặc biệt nhấn mạnh để việc “ngăn chặn khả năng độc quyền của ngành điện”, các ĐBQH đề nghị nếu để các đơn vị bán lẻ xây dựng giá điện lập thì phải yêu cầu các đơn vị “có khung giá bán lẻ bình quân”. Đồng thời, “nên bỏ bớt các loại phí trong kinh doanh điện vì “đã tính hết vào giá thành điện”, không thể bắt người dân bỏ tiền ra mua điện rồi lại phải đóng thêm các khoản phí như vậy”.

Để giá điện theo cơ chế thị trường, ĐB Ngô Ngọc Bình (TP.HCM) đề nghị, quy định rõ trong luật về việc thực hiện kiểm toán độc lập đối với ngành điện, báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập của đơn vị bán lẻ điện vì đây là căn cứ để lập giá điện. Đồng quan điểm, nhiều ĐBQH TP.Hà Nội đề nghị, Nhà nước cần quản lý mua điện đầu vào đúng giá thị trường, đảm bảo các nhà đầu tư có lợi nhuận hợp lý; quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh ngành điện thông qua kiểm toán độc lập.

Ước tính, những chi phí đột biến do thất thoát trong quá trình cấp điện chiếm tỷ lệ không nhỏ trong giá thành điện khi đến tay người tiêu dùng. Do vậy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Một thành viên Hanel Nguyễn Quốc Bình (TP.Hà Nội) đề nghị quy định trong dự thảo Luật, Nhà nước quản lý hạ tầng ngành điện (trạm phát, hệ thống phân phối…), quản lý đầu tư, chi phí sản xuất cho Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) để “giảm được sự tăng đột biến chi phí thất thoát theo cấp số nhân của ngành điện”.

Hương Giang

Chiều ngày 6/6, thảo luận tại tổ về dự án Luật Hợp tác xã (HTX) (sửa đổi), đa số các ý kiến của các đại biểu đều bày tỏ sự tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật HTX, để làm rõ bản chất tổ chức HTX và lợi ích của thành viên tham gia HTX, góp phần hiện thực hóa chủ trương về kết hợp “bốn nhà” trong nông nghiệp; bảo đảm hỗ trợ, thúc đẩy HTX phát triển lành mạnh, bền vững đúng với bản chất và mục đích thành lập, tránh lạm dụng hỗ trợ của Nhà nước; thực hiện quản lý nhà nước về HTX có hiệu quả, từ đó góp phần định hướng XHCN nền kinh tế thị trường ở nước ta.

Nhiều ĐBQH đề nghị cần phải có báo cáo, đánh giá đúng thực chất, thực trạng hoạt động của HTX để nhìn nhận mô hình này có phát triển hay không; đồng thời lý giải nguyên nhân của những tồn tại để xây dựng dự án Luật sát với thực tiễn, đáp ứng mong mỏi của cử tri.

Tại phiên thảo luận, các ĐBQH cũng đã cho ý kiến về các nội dung: nguyên tắc tổ chức và hoạt động của HTX, liên hiệp HTX; quy định góp vốn của thành viên HTX;  phân phối thu nhập; quy định HTX được góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty.../.