Hội nghị Nhóm tư vấn giữa kỳ các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2012 (Hội nghị CG giữa kỳ 2012) diễn ra trong 2 ngày 4-5/6/2012, tại Thành phố Đông Hà, Quảng trị. Tham dự Hội nghị có đại diện các định chế tài chính và tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF); Liên hợp quốc (UN)..., đại diện chính phủ các nước viện trợ. Về phía Việt Nam có lãnh đạo cấp cao của Chính phủ và đại diện các bộ, ngành. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn đã thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp tham gia Đoàn đại biểu Chính phủ dự Hội nghị này.
Nhằm đổi mới phương thức tổ chức Hội nghị, năm nay, ngoài nội dung về cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô như thông lệ của Hội nghị CG trước đây, đại diện Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ sẽ thảo luận sâu hơn các vấn đề của vùng, nghe ý kiến tham luận của các địa phương. Đây là cơ hội để tăng cường sự hiểu biết và đối thoại giữa các Nhà tài trợ, Cơ quan Trung ương với địa phương, tạo điều kiện đưa ra các sáng kiến, xây dựng các định hướng, các chương trình hợp tác và các giải pháp hành động chung hỗ trợ cho địa phương một cách phù hợp, hiệu quả và sát với thực tế.
Với tinh thần đó, Hội nghị CG giữa kỳ năm 2011 dự kiến sẽ thảo luận 3 Nhóm vấn đề chính sau: 1) Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam: Tình hình kinh tế vĩ mô và tăng trưởng; 2) Thành tựu trong quá trình giảm nghèo: Thách thức hiện tại trong công cuộc giảm nghèo ở Việt Nam, những thách thức chính và nội dung trong chính sách giảm nghèo tại các tỉnh ven biển miền Trung và; 3) Quản lý tổn thương do thiên tai: Tình hình hiện tại và các vấn đề chính trong việc áp dụng chính sách cấp quốc gia và tỉnh về Quản lý rủi ro thiên tai ở các tỉnh ven biển miền Trung.
Những chủ đề này có ý nghĩa quan trọng và thiết thực đối với các tỉnh miền Trung nói chung và Quảng trị nói riêng bởi các tỉnh này đi lên từ một xuất phát điểm rất thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, công cuộc xóa đói giảm nghèo mặc dù đã có nhiều tiến bộ vượt bậc nhưng thiếu bền vững và tỉ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung của cả nước, lại nằm trong khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề từ hậu quả của biến đổi khí hậu, thường xuyên đối mặt với thiên tai, bão lụt, hạn hán, ngập mặn, sụt lún đất và tình trạng xói lở bờ sông, bờ biển.
Trước khi tham gia vào phiên khai mạc và làm việc chính thức của Hội nghị vào ngày mai (5/6), trong sáng ngày hôm nay (4/6), đại diện các nhà tài trợ đã có chuyến đi thực địa tại một số dự án sử dụng vốn ODA trên địa bàn tỉnh Quảng trị. Các Dự án này đã và đang mang lại những thành công, hiệu quả cho cộng đồng như phục hồi môi trường, khắc phục hậu quả chiến tranh (RENEW), trồng rừng Việt - Đức (CHLB Đức), thủy lợi Nam Thạch Hãn (ADB), chống lũ cho vùng trũng Hải Lăng (WB)....
Chiều cùng ngày hôm nay (4/6), Hội nghị đã họp thảo luận chung về tình hình kinh tế vĩ mô. Hội nghị đã nghe các báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, IMF, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam … cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm 2012 và dự báo cả năm 2012.
Trước đó, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF)- Diễn đàn đối thoại giữa Chính phủ Việt Nam và Cộng đồng Doanh nghiệp - đã được tổ chức ngày 29/5/2012 tại Hà Nội và thảo luận các phương thức hỗ trợ phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn chuyển giao từ ổn định tới phục hồi.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ ngày 29/5/2012 là Diễn đàn giữa kỳ đầu tiên do Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - bao gồm 14 hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước - đồng tổ chức với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Đây cũng là dấu mốc quan trọng đầu tiên của Diễn đàn sau khi IFC chính thức chuyển giao vai trò điều phối Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho Liên minh gồm 14 Hiệp hội doanh nghiệp và Phòng Thương mại trong nước và nước ngoài vào tháng 2/2012. Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đã thành lập một Ban Thư ký mới để điều phối hoạt động thường nhật của Diễn đàn. Hội đồng quản trị Liên minh được thành lập gồm bảy đại diện từ các thành viên của Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (gồm AmCham, EuroCham, VCCI, JBAV, KorCham, IFC, HYBA). Lãnh đạo của Hội đồng quản trị Liên minh là đại diện của EuroCham và VCCI.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng rằng Chính phủ đã và đang tích cực triển khai các bước đi đúng đắn để ổn định tình hình kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên để có thể cải thiện sức cạnh tranh dài hạn của thị trường Việt Nam, nhiều kế hoạch và giải pháp cụ thể cần phải được triển khai trên thực tế. Những chủ đề chính được thảo luận chi tiết tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam là Thị trường vốn và ngân hàng, Cơ sở hạ tầng/ Điện và năng lượng (bao gồm báo cáo về Cảng), Đầu tư và thương mại (bao gồm báo cáo về thuế và đất đai) và Giáo dục và đào tạo. Nhiều đề xuất đã được đại diện các Nhà tài trợ đưa ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, theo đó có yêu cầu phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng. Các đề xuất và giải pháp tương tự sẽ được tiếp tục thảo luận tại hội nghị CG lần này.
Trao đổi trong buổi họp báo trước thềm hội nghị, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) - nhà tài trợ đa phương lớn nhất cho Việt Nam - đánh giá cao việc thực hiện thành công Nghị quyết 11 của Chính phủ, với kết quả cụ thể là giảm mạnh mức lạm phát về một con số trong tháng 5 (tính theo năm). Tuy vậy, WB cũng cảnh báo GDP năm nay của Việt Nam sẽ chỉ khoảng 5,7% (so với mục tiêu 6 - 6,5% của Chính phủ), cùng với đó là những khó khăn trong sản xuất và cộng đồng doanh nghiệp.
Năm trước, tại Hội nghị CG 2012 diễn ra vào ngày 6/12/2011, các nhà tài trợ đã cam kết tài trợ cho Việt Nam 7,386 tỷ USD. Là kỳ họp giữa năm, hội nghị CG lần này nhiều khả năng sẽ không làm thay đổi nguồn ODA - vốn được cam kết ở mức 7,4 tỷ USD cho Việt Nam trong năm nay. Đại diện Chính phủ sẽ cùng với các nhà tài trợ đánh giá về việc thực hiện các dự án, môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đặc biệt là các chủ đề liên quan đến mục tiêu tài trợ của năm 2012 là thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo.
Tin tức về Hội nghị tiếp tục được cập nhật tại các bản tin tiếp theo./.
Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp