Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh: Ưu tiên những dự án luật thiết thực

04/06/2012
Không cho lùi thời gian trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi), tán thành đưa dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) vào chương trình năm 2012, đề nghị bổ sung một số dự án Luật liên quan đến quy hoạch, đô thị vào chương trình năm 2013… là ý kiến của nhiều ĐBQH khi thảo luận về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ QH khóa XIII tại hội trường chiều ngày 01/6.

Điều chỉnh chương trình không phải để “dễ thì làm, khó để lại”

Chỉ ra “những bất cập đã tồn tại nhiều năm chưa được khắc phục” trong công tác xây dựng pháp luật nói chung, cũng như chuẩn bị chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh nói riêng, các ĐBQH tán thành việc ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời các văn kiện Đại hội XI của Đảng, thực hiện ba đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, liên quan trực tiếp đến việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Đặc biệt, các ĐBQH đồng thuận, chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2012-2013 phải “bám” vào đề án tái cơ cấu nền kinh tế vì “không có luật không thể tái cơ cấu” như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, ĐB Nguyễn Văn Phúc (tỉnh Hà Tĩnh)… phát biểu. Do đó, cần quan tâm đưa vào các dự án luật về đầu tư công, mua sắm công, đấu thầu, phá sản, khuyến khích đầu tư, công nghiệp hỗ trợ và đối tác công tư….

Đồng thời, các ĐBQH cũng tán thành, chỉ đưa vào Chương trình những dự án được thuyết minh rõ ràng về sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nội dung cơ bản; kiên quyết không đưa vào Chương trình những dự án chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL tránh tình trạng “đưa vào đưa ra”. Nhưng ĐB Vũ Công Tiến (tỉnh Lâm Đồng) lưu ý, căn cứ xem xét đưa ra các dự án Luật không đủ điều kiện không phải “dễ thì làm, khó để lại”, mà phải lấy nhu cầu của xã hội, nhân dân để tập trung xây dựng những dự án Luật xã hội đang cần điều chỉnh.

Điều các ĐBQH quan tâm là hiệu quả thực thi các văn bản luật chưa cao. Từ khi đưa vào chương trình đến thông qua rồi có hiệu lực mất quá nhiều thời gian, mà còn chờ VB hướng dẫn. Vì thế, các ĐBQH cũng yêu cầu QH và các Ủy ban của QH cần giám sát việc thực thi các Luật đã được ban hành và báo cáo QH kết quả triển khai các Luật đó, quan tâm đến quá trình chuẩn bị các VB hướng dẫn, “tránh tình trạng “Luật phải chờ văn bản” và được thực thi ngay khi có hiệu lực” - ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) đề nghị.

Bên cạnh đó, nhiều dự án Luật đưa ra thảo luận để chuẩn bị thông qua vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, chứng tỏ “có vấn đề” UBTVQH cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan soạn thảo về chất lượng, công tác chuẩn bị giữa hai kỳ họp, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH và việc “xin lùi thời điểm trình các dự án Luật”.

Không lùi thời gian trình dự án Luật Đất đai

Trong khi một số ĐBQH cho rằng cần thời gian để chuẩn bị dự án Luật Đất đai sửa đổi, thì theo nhiều ĐBQH, không thể lùi thời gian trình Luật Đất đai (sửa đổi) vì “Đất đai là lĩnh vực có nhiều vấn đề phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ làm mất ổn định, nhiều cơ hội tham nhũng…. Nhân dân cả nước chờ đợi từng ngày từng giờ để QH xem xét sửa đổi luật này. Hơn nữa, các điều kiện để trình dự án Luật Đất đai đã chín muồi” như ý kiến của các ĐB Nguyễn Thái Học (tỉnh Phú Yên), ĐB Bùi Mạnh Hùng (tỉnh Bình Phước), ĐB Nguyễn Thanh Thủy (tỉnh Hậu Giang), ĐB Nguyễn Văn Cảnh (tỉnh Bình Định)…

Nhưng theo giải trình của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, “TƯ đang giao cho Chính phủ làm rõ những vấn đề phức tạp trong lĩnh vực đất đai và trình ra Hội nghị TƯ 6 để xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng. Như vậy, nếu những vấn đề phức tạp trong lĩnh vực đất đai chưa được xử lý “chín” mà đã trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thì chất lượng của Luật khó đảm bảo”. Hơn nữa, nguyên nhân chính trong những bất cập của lĩnh vực đất đai là do thể chế với khoảng 400 VBQPPL chồng chéo. Nên Phó Thủ tướng cho rằng, để pháp luật về đất đai ổn định lâu dài, giải quyết những bất cập hiện nay thì cần điều chỉnh thời hạn trình dự án Luật Đất đai vào kỳ họp thứ 5 và thông qua vào kỳ họp thứ 6 (chậm 1 kỳ so với dự kiến chương trình).

Song song với mối quan tâm về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các ĐBQH kiến nghị không cho rút khỏi chương trình các dự án Luật liên quan đến quy hoạch và quản lý đô thị như Luật Quy hoạch, Luật Đô thị… và bổ sung Luật Đền bù, hỗ trợ thu hồi đất và tái định cư để quản lý hiệu quả đất đai, phát huy quyền làm chủ người dân, nâng cao hơn nữa ý thức trong thực hiện quy hoạch, đầu tư của Nhà nước, tạo hành lang pháp lý trong việc đánh giá về lợi ích mang lại từ các dự án phát triển kinh tế - xã hội…

Hương Giang

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Nhiệm kỳ QH khóa XIII bắt đầu đặt hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm số 1. Với phần lớn dự án Luật là do Chính phủ chuẩn bị nên Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp để nâng cao tiến độ, chất lượng các dự án Luật trong chương trình năm 2012, 2013 và sắp tới và đã thực hiện 4 giải pháp lớn đáp ứng yêu cầu về xây dựng Luật, Pháp lệnh như QH mong muốn.

Đó là, tổ chức các Hội nghị chuyên đề về các dự án luật để bảo đảm tiến độ, chất lượng khi trình các dự án Luật; xem xét các dự án Luật theo 2 kỳ (cơ quan được giao chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo chung về phạm vi, chính sách, định hướng lớn để Chính phủ thông qua trước khi soạn thảo; sau đó trình dự thảo Luật để Chính phủ xem xét trước khi trình UBTVQH); ban hành Nghị định 55/2012/NĐ-CP về hoàn thiện tổ chức pháp chế, trong đó giao Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan trực tiếp phụ trách công tác pháp chế, xây dựng dự án Luật, Pháp lệnh; các dự án Luật đã đưa vào chương trình của nhiệm kỳ và hàng năm đều được thành lập Ban soạn thảo và chuẩn bị như nhau nhằm bảo đảm chuẩn bị chín muồi để báo cáo UBTVQH và QH.

Do đó, 2 Kỳ họp thứ 2 và 3 của QH đều không có điều chỉnh lớn trong chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh. Tháng 7 tới, Chính phủ sẽ họp chuyên đề về các dự án Luật sẽ trình QH ở kỳ họp thứ 5 và hy vọng không có điều chỉnh gì đến cuối năm 2012.

Công tác hướng dẫn thi hành Luật cũng đã có nhiều tiến bộ. Nếu năm 2009, Chính phủ nợ 100 Nghị định hướng dẫn thi hành các Luật có hiệu lực từ 01/01/2009 thì đến năm 2012 chỉ còn nợ 23 Nghị định hướng dẫn thi hành các Luật có hiệu lực từ 01/01/2012, trong đó có những luật khó, chưa áp dụng như Luật Năng lượng nguyên tử.

Do có nhiều yếu tố khách quan tác động nên vẫn có thể có việc điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh hàng năm (thường được chuẩn bị trước 1-1,5 năm). Đồng thời, đề nghị kinh phí xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2013 nên có sự phân bổ ngay từ năm 2012 để đảm bảo tiến độ”.