Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính: Phạt phải răn đe được vi phạm

31/05/2012
Mức tiền phạt, phạt cao hơn ở các thành phố lớn, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), xử lý phương tiện, tang vật VPHC… là những nội dung thu hút sự quan tâm của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên thảo luận về dự thảo Luật XLVPHC tại hội trường chiều qua (30/5).

Phạt cao không hết vi phạm

Đa số các ĐBQH đồng ý nâng mức phạt tiền nhưng khẳng định, “phạt tiền không phải là phương pháp duy nhất” để XLVPHC, nhưng nhiều ĐBQH “thừa nhận” phạt tiền chính là biện pháp có tính răn đe và ngăn ngừa VPHC. Phòng ngừa VPHC tốt liên quan đến hiệu quả quản lý Nhà nước, ý thức chấp hành pháp luật của người dân và xã hội, khả năng phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm.

ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, “mức phạt tiền hiện hành lạc hậu khiến “dân kêu, người thi hành công vụ cũng kêu” mà VPHC vẫn nhiều, ngày càng nghiêm trọng ở tất cả các lĩnh vực giao thông, môi trường, xây dựng… Nhưng mức phạt tiền tối thiểu đối với tổ chức như dự thảo Luật là quá thấp, không có tác dụng răn đe”. Còn ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) lại lo ngại, mức phạt tiền tối đa trong dự thảo là quá cao “chưa chắc hạn chế được VPHC mà có thể còn dẫn đến những hành vi hối lộ người xử phạt để… “trốn” phạt”.

ĐB Trần Văn Độ (An Giang) lưu ý, mức thu nhập bình quân chỉ mới 2 triệu đồng/tháng nếu quy định quá cao liệu có khả thi, có dẫn đến tình trạng chây ỳ? Kiến nghị về mức tiền XPHC, ĐB Độ cho rằng, tổ chức có thể phạt từ 50 triệu đồng đến 5 tỷ đồng, nhất là những vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, còn cá nhân thì chỉ nên tối đa là 500 triệu đồng và tối thiểu là 50 triệu đồng.

Quan tâm đặc biệt đến những quy định mức phạt cụ thể cho VPHC trong một số lĩnh vực sản xuất hàng hóa vật tư nông nghiệp, môi trường, hàng giả, hàng nhái…, ĐB TouNeh Drong Minh Thắm (Lâm Đồng), ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An), ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai)… băn khoăn với mức phạt trong dự thảo Luật “là chưa đủ tính răn đe khiến người vi phạm “sẵn sàng nộp phạt” vì “nộp phạt “rẻ” hơn khắc phục hậu quả” thì quy định là vô nghĩa.

Phân biệt rõ hơn mức phạt tiền đối với tổ chức và cá nhân cũng là kiến nghị của nhiều ĐBQH. Theo ĐB Trương Văn Vở, phân biệt rõ, cụ thể để “tránh xử lý tùy tiện của cơ quan có thẩm quyền. Hơn nữa, Bộ luật Hình sự chưa quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, tổ chức nên dù vi phạm nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng cũng chỉ phạt hành chính. Trong khi nếu là cá nhân thì hành vi nghiêm trọng sẽ cấu thành tội phạm, mức độ nhẹ mới XPHC. Nên mức tiền XPHC không thể cao hơn mức phạt tiền quy định trong Bộ luật Hình sự.

Thành phố phạt cao, miền núi có phạt thấp hơn?

Không phải ĐBQH nào cũng tán thành quy định “phạt cao hơn (không quá 2 lần mức phạt chung) đối với những VPHC ở nội đô các thành phố lớn”. Với quan điểm, “nếu ở thành phố lớn phạt cao gấp 2 lần mức phạt chung do có đặc thù đông dân, hậu quả ảnh hưởng lớn… thì ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt, hoạt động kinh tế - xã hội ít sầm uất thì có được phạt bằng ½ mức phạt chung”, ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) không tán thành cho quy định phạt riêng cho những thành phố lớn. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cho phép HĐND của các thành phố lớn quy định mức phạt (không quá 2 lần mức phạt chung) cũng không đảm bảo tính đồng bộ vì quy định của HĐND không thể trái quy định của Luật do QH ban hành - ĐB Chi lý giải.

Ở góc độ “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị cân nhắc quy định cho phạt cao hơn ở các thành phố lớn. “Nhiều nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, nên cần có nhiều biện pháp khác nhau như tăng cường lực lượng giao thông, chứ không chỉ phạt” - ĐB Minh kiến nghị.

Ngược lại, nhiều ĐB lại bày tỏ sự đồng ý quy định mức phạt cao hơn đối với các hành vi VPHC ở lĩnh vực giao thông, môi trường, quản lý đô thị ở các TP trực thuộc TƯ. ĐB Nam giải thích, vì “đây là những khu vực đặc biệt, tập trung đông dân, nhiều phương tiện, hậu quả nghiêm trọng khi có VPHC” nên phạt cao hơn để hạn chế và khắc phục hậu quả.

Thống nhất về hướng “xử lý đối với tiền thu được từ phạt VPHC” theo hướng coi đó là một nguồn thu của ngân sách nhà nước và giao Chính phủ quy định sử dụng như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ. Việc phân bổ nguồn thu này để hỗ trợ cho các lực lượng đặc thù thì cần theo quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo công bằng, tránh “lạm thu”.

Tịch thu hay trả phương tiện vi phạm

Các ĐBQH cũng quan tâm đến phương hướng xử lý phương tiện không phải của người VPHC là tang vật VPHC. Theo ĐB Trần Văn Độ, tạm giữ tang vật là biện pháp ngăn chặn hành chính để ngăn chặn hành vi vi phạm và bảo đảm XPHC nhưng không có lợi, ảnh hưởng lợi ích của công dân. Có thể dẫn đến lạm dụng biện pháp này. Lấy ví dụ, “một gia đình 5 người có 1 chiếc xe máy, nếu giữ 3-4 tháng thì gia đình đó không có phương tiện kiếm sống nên cần nghiên cứu các biện pháp thay thế để hạn chế tạm giữ phương tiện, có lợi hơn cho người dân”.

Đối với phương tiện không phải của người VPHC, dự thảo Luật cho phép trả lại cho chủ phương tiện là “không đảm bảo công bằng” như nhận xét của một số ĐBQH. Tuy như vậy là “đảm bảo quyền lợi của chủ tài sản” nhưng ĐB Đặng Thị Kim Chi phân vân: “Tại sao cùng là chiếc xe vi phạm mà chủ sở hữu điều khiển thì bị tịch thu còn người không phải chủ sở hữu điều khiển lại trả lại”?

Không tán thành trả lại phương tiện VPHC cho chủ sở hữu trong trường hợp người VPHC không phải là chủ sở hữu vì ĐB Trương Văn Vở lo ngại “nếu trả lại dễ lạm dụng kẽ hở pháp luật” nên đề nghị “đảm bảo công bằng nên sử dụng phương tiện của mình hay của người khác mà VPHC thì đều bị tịch thu”.

Các ĐBQH cũng đã thảo luận rất sôi nổi về các biện pháp XLVPHC khác, nhất là biện pháp đưa người mại dâm vào cơ sở chữa bệnh. Theo nhiều ĐBQH, mại dâm không phải là hành vi quá nghiêm trọng đối với xã hội, nên cách ly người hành nghề mại dâm với xã hội một thời gian (đưa vào cơ sở chữa bệnh) là quá nghiêm khắc, không đảm bảo quyền con người của họ và không cần thiết, mà nên “có biện pháp khác để quản lý và hạn chế”.

ĐB Ngô Văn Minh đề nghị, “không thể “thả lỏng” việc quản lý hoạt động mại dâm, nhất là không nên để tình trạng bạo lực lượng đấu tranh, bắt được rồi chỉ… phạt cho tồn tại mà cần giáo dục lao động hướng nghiệp để họ hoàn lương”. Thể hiện sự không tán thành với biện pháp đưa người hành nghề mại dâm vào cơ sở chữa bệnh, ĐB Đặng Thị Kim Chi đặt câu hỏi: “nếu đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh thì đưa người mua dâm vào cơ sở nào vì có mua thì mới có bán”. Ý kiến được phát biểu vào cuối giờ nhưng đã nhận được sự đồng tình của nhiều ĐBQH…

Hương Giang