Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Giá: Lo dân “chìm” nếu giá điện bị “thả nổi”

29/05/2012
Thảo luận về dự thảo Luật Giá sáng qua (28/5), nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vẫn không khỏi băn khoăn khi cơ chế “xin cho” vẫn lấp ló trong các quy định của dự thảo Luật và nguy cơ không thể kiểm soát giá các mặt hàng độc quyền như giá điện nếu cho doanh nghiệp (DN) “tự quyết trong các quy định giá khung”.

Băn khoăn về quy định “đăng ký giá”

Mặc dù Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy, cần thiết phải quy định biện pháp “đăng ký giá” nhằm tạo công cụ kiểm soát việc hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá, nhất là trong trường hợp thao túng giá thị trường ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người tiêu dùng; việc quy định “đăng ký giá” không dẫn đến can thiệp sâu của Nhà nước vào quyền chủ động trong kinh doanh của doanh nghiệp vì chỉ áp dụng đăng ký giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá tại thời điểm bình ổn giá. Nhưng nhiều ĐBQH lại không tán thành đưa quy định về “đăng ký giá” vì hiện nay chưa có cơ chế giám sát cụ thể cũng như lực lượng tương ứng, khi áp dụng vào thực tế sẽ khó bảo đảm tính nghiêm minh.

Theo báo cáo tổng hợp tình hình đăng ký giá, kê khai giá theo Thông tư 122/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính thì qua 6 tháng thực hiện Thông tư này Cục Quản lý giá chỉ từ chối yêu cầu tăng giá bán của DN 2 lần, chưa tới 3% đơn đề nghị. Điều này cho thấy, trong một môi trường cạnh tranh khi tiếp tục tăng giá thì DN phải có lý do hết sức xác đáng, cân nhắc kỹ lưỡng vì yếu tố cạnh tranh luôn được đặt lên hàng đầu.

Theo ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh), với việc đăng ký giá thì không rõ vai trò và quyền của cơ quan Nhà nước. Nếu không đồng ý với giá đăng ký của DN mà DN phải thay đổi giá thì Nhà nước đã quyết định giá. Còn nếu cơ quan có thẩm quyền đồng ý với giá đăng ký của DN thì thực chất hoạt động đăng ký giá chỉ là “kê khai giá”, không có tác dụng gì với việc điều tiết giá cả thị trường của Nhà nước.

Theo một số phân tích, biện pháp đăng ký giá không thành công trong trường hợp cố gắng can thiệp và bình ổn giá sữa, gas, thuốc chữa bệnh… nên “Để Luật quản lý giá thống nhất và phù hợp với Luật Cạnh tranh và hỗ trợ thị trường phát triển tôi đề nghị áp dụng các biện pháp bình ổn giá trực tiếp chỉ nên giới hạn trong trường hợp có dấu hiệu lũng đoạn về giá” - ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy nêu ý kiến.

 Một số ĐBQH nhận định, việc điều chỉnh giá theo dự thảo Luật sẽ “khiến cho các nhà phân phối đầu cơ, còn các đại lý thì “găm” hàng đợi giá lên như thực tế đã xảy ra”.

Bình ổn giá “mông lung”

Đó là nhận xét của nhiều ĐBQH về các nguyên tắc về bình ổn giá trong dự thảo Luật. ĐB Trần Du Lịch còn “nhắc nhở” “đừng quá kỳ vọng vào bình ổn giá khi kinh tế vĩ mô thiếu ổn định”. Tán thành danh mục hàng bình ổn chỉ còn 10, không quá mở rộng như trước vì “Mở rộng danh mục hàng hóa bình ổn là lợi bất cập hại, Nhà nước lấn chiếm thị trường mà không giải quyết được gì”, nhưng ĐB Lịch cũng lưu ý “10 mặt hàng này có lập quỹ bình ổn giá hay không cần nghiên cứu, quy định rõ. Mặt khác, cần lưu ý những bài học kinh nghiệm từ hoạt động của quỹ bình ổn xăng dầu khi cân nhắc vấn đề quỹ bình ổn giá”.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) lo ngại, không cẩn trọng, các quy định của dự thảo Luật còn có thể bị nước ngoài sử dụng “như vũ khí” để “đánh” DN nước ta trên thị trường nước ngoài, trong bối cảnh đến năm 2018 Việt Nam mới được công nhận nền kinh tế thị trường đầy đủ. Do vậy, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, cần “điều chỉnh các quy định để không còn mang nặng dáng dấp cơ chế “xin - cho” trong quản lý giá”.

ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cũng bày tỏ không tán thành với quy định chung chung “thành lập các quỹ bình ổn giá “khi cần thiết” bởi cơ chế áp dụng các biện pháp bình ổn giá, luật chỉ giao cho các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét trong điều kiện nào đó. Đó là việc can thiệp bằng biện pháp hành chính cũng là không tốt cho thị trường, phần nào ảnh hưởng tới cơ chế thị trường. ĐB Tâm cũng đề nghị quy định rõ trách nhiệm các cơ quan kịp thời công bố các biện pháp bình ổn giá, cần có mức “trần” về thời gian để các đối tượng có liên quan chuẩn bị trước.

Đặc biệt, ĐB Trương Trọng Nghĩa chỉ ra bất cập trong quản lý giá là do bộ máy quản lý và các chính sách liên quan, nên “tại sao các nhà đầu tư “dám làm những việc mà họ không dám làm ở nước khác”. Do vậy, không chỉ đề ra các biện pháp quản lý giá, cần phải chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng và giải pháp để buộc thực hiện đúng các quy định về quản lý giá thì dự thảo Luật mới có ý nghĩa thực tiễn.

Lo lắng nếu giá bán lẻ điện bị thả nổi

Theo báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý Dự thảo Luật của Uỷ ban Thường vụ QH, vấn đề giá điện dự kiến sẽ được quy định như Chính phủ đề nghị. Nhà nước sẽ chỉ định mức giá cụ thể đối với giá truyền tải, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện vì đây là những khâu đang thuộc độc quyền nhà nước.

Trước mắt, Nhà nước sẽ vẫn quy định khung giá đối với giá phát điện, giá bán buôn điện nhưng về lâu dài sẽ áp dụng cạnh tranh theo lộ trình. Riêng về giá bán lẻ điện, Nhà nước cũng sẽ quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, Thủ tướng quy định cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để bảo đảm điều chỉnh linh hoạt theo cơ chế thị trường. Điều này đồng nghĩa, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ định giá cụ thể giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương kiểm soát trong khung giá của Chính phủ.

Suy từ thực tế thời gian qua, ngành Điện liên tục đề nghị Chính phủ tăng giá điện nên nhiều ĐBQH cho rằng, “nếu thả giá bán lẻ điện chắc chắn sẽ có mức giá không lợi cho người tiêu dùng”. ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) không tán thành để DN tự định giá trong điều kiện EVN còn độc quyền mà Nhà nước cần định giá bán cụ thể đối với giá bán lẻ điện. Bởi Bộ Công Thương vừa là chủ sở hữu EVN, vừa là cơ quan thẩm định, kiểm soát giá điện, ra các chính sách về giá điện. "Kể cả có Cục Điều tiết điện lực quyết nhưng vẫn thuộc Bộ này. Như vậy có mâu thuẫn về lợi ích trong việc điều hành giá điện, cần có cơ quan độc lập giám sát giá điện. Nếu giá bán lẻ điện không được Nhà nước định giá cụ thể thì sẽ thiệt hại cho người tiêu dùng" - ĐB Nguyễn Thanh Hải đề nghị.

Đồng tình quan điểm này, ĐB Nguyễn Văn Thành (Lạng Sơn) lưu ý các quy định về định giá cần xem xét kỹ, tránh nguy cơ sau khi thông qua Dự Luật, giá điện sẽ lại tăng cao. Còn ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) nhận thấy, “Dự thảo nói Chính phủ định khung giá của mức giá bán lẻ nhưng tôi vẫn băn khoăn về tính khả thi của nó. Giá bán lẻ điện bình quân hiểu như thế nào? Giá điện có nhiều loại cho các thành phần, có phải sau một thời gian sẽ lấy tổng doanh thu chia cho sản lượng điện, làm thế nào để Nhà nước biết doanh nghiệp bán đúng quy định giá bình quân đó?”. Nhận định, “Quy định khung giá bán lẻ này tưởng có thể hợp lý nhưng đi vào thực tế sẽ không khả thi”, ông Mạo đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành là Chính phủ quy định giá điện./.

Hương Giang