Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá

22/05/2012
Sáng nay - 22/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá với những vấn đề đảm bảo tính khả thi của dự luật sau khi được ban hành.

Ngay khi cho ý kiến về dự thảo Luật từ kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2011) và tại phiên thảo luận sáng nay, một số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ý kiến băn khoăn, lo ngại rằng sau khi ban hành Luật, có thể làm giảm nguồn thu thuế từ thuốc lá, làm ảnh hưởng đến việc làm của 20.000 người sản xuất thuốc lá, gần 200.000 nông dân tham gia trồng cây thuốc lá, nhất là ở một số địa bàn xác định thuốc lá là cây giúp xóa đói giảm nghèo và có thể ảnh hưởng đến hàng chục ngàn người tham gia bán lẻ thuốc lá. Nhưng Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, do ảnh hưởng của việc hút thuốc lá đến sức khỏe người dân nên các chính sách vĩ mô phải hướng đến việc ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vì lợi ích chung của người dân. Kinh nghiệm quốc tế và nghiên cứu đánh giá tác động của dự án Luật cho thấy, ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là giải pháp các bên cùng có lợi, có nghĩa là vừa tăng thu ngân sách (do tăng thuế thuốc lá) vừa bảo vệ được sức khỏe người dân và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất và trồng thuốc lá (vì vẫn phải trồng và sản xuất thuốc lá để đáp ứng nhu cầu sử dụng cho những người chưa thể bỏ hút thuốc).

Bên cạnh đó, việc gia tăng tình trạng buôn lậu thuốc lá là do nhiều nguyên nhân khác nhau, ví dụ như công tác kiểm soát biên giới chưa đủ mạnh, điều kiện phương tiện đầu tư trang bị cho phòng, chống buôn lậu qua biên giới và kinh phí còn hạn chế..., và đặc biệt là sự khác nhau về chính sách thuế và kiểm soát thuốc lá lậu giữa các nước trong khu vực. Do vậy, cùng với sự ra đời của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các cấp các ngành cần tiếp tục tăng cường kinh phí, bố trí lực lượng kiểm soát biên giới và hợp tác với các nước xung quanh trong phòng, chống buôn lậu thuốc lá, đồng thời có cơ chế thích hợp để xử lý số thuốc lá tịch thu từ buôn lậu.

Một vấn đề khiến nhiều ĐBQH băn khăn về tính khả thi của dự thảo Luật là việc quy định cấm hút thuốc lá ở địa điểm công cộng, nơi làm việc. Trong mấy năm vừa qua dù Thủ tướng Chính phủ đã có quy định cấm hút thuốc ở địa điểm công cộng, nhưng tình trạng hút thuốc vẫn diễn ra phổ biến, khó xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là một thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng để tác động đến xã hội và người dân về tác hại của thuốc lá, các biện pháp phòng tránh để bảo vệ sức khỏe con người, trong đó nhấn mạnh biện pháp cấm hút thuốc ở địa điểm công cộng. Các biện pháp trên sẽ tạo dư luận tích cực để tự bản thân người hút thuốc có ý thức chấp hành pháp luật, bên cạnh đó việc xử phạt hành vi vi phạm sẽ tuân theo hướng dẫn thi hành của Luật này cũng như Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Dự thảo Luật cũng được bổ sung thêm quy định cấm người dưới 18 tuổi tham gia mua, bán thuốc lá, cùng quy định cấm bán thuốc lá cho trẻ em dưới 18 tuổi. Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy việc bảo vệ trẻ em trước tác hại của thuốc lá là rất cần thiết, đó là nguyên tắc cơ bản của mỗi quốc gia và cũng được thể hiện trong pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Vì vậy, các cơ quan hữu quan phải tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý để xã hội và mỗi người dân hiểu cũng như ủng hộ việc thực thi các quy định này.

Các ĐB cũng đã thảo luận về vấn đề lập Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, in cảnh báo trên bao bì, vỏ bao thuốc lá, trưng bày sản phản thuốc lá, địa điểm cấm hút thuốc lá, xử lý hành vi nhập khẩu thuốc lá,.../.

H.Giang