Bắt, tạm giam, tạm giữ trong tố tụng hình sự: Quá tải nên vi phạm cũng “không thể khắc phục”

09/05/2012
Bắt, tạm giam, tạm giữ là những biện pháp “khởi động” cho một quá trình tố tụng hình sự đối với số phận pháp lý của một công dân. Các biện pháp này có tính “nhạy cảm đặc biệt” bởi chỉ một chút tùy tiện trong áp dụng cũng có thể xâm hại nghiêm trọng đến quyền tự do, quyền được bảo hộ về danh dự, nhân phẩm của con người.

Cơ quan tùy tiện, công dân “thành tội phạm”

Tạm giam, tạm giữ là quyền riêng có của các cơ quan tiến hành tố tụng. Lạm quyền hay thực thi tùy tiện, vi phạm các quy định của pháp luật Tố tụng Hình sự về việc bắt, giam giữ người vì không có lệnh bắt, không tôn trọng trình tự, thủ tục như không có sự chứng kiến của chính quyền, không lập biên bản khi bắt... tuy chưa phải là hiện tượng phổ biến, nhưng đã xảy ra ở nhiều địa phương, gây nên sự bất bình trong dư luận xã hội, có trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhiều công dân “tự dưng thành tội phạm”, “mang tiếng bị công an bắt”… thậm chí phải dành cả đời khiếu nại để được minh oan.

Trong thực tế, tình trạng tạm giữ không đúng đối tượng còn diễn ra, tạm giữ cả những trường hợp bị bắt khi phạm tội quả tang những sự việc phạm tội nhỏ, tính chất ít nghiêm trọng hay tạm giữ cả những người bị bắt có nơi cư trú rõ ràng và không có hành động, biểu hiện sẽ cản trở việc điều tra. Sự “ấu trĩ” trong thi hành công vụ của cán bộ công an do nhận thức không đầy đủ về tính chất, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động bắt người, tạm giam, tạm giữ cũng như các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành việc bắt, giam, giữ người đã dẫn đến “những sự việc không đáng có”, giảm uy tín của cơ quan điều tra và các cơ quan tiến hành tố tụng khác, trái pháp luật, xâm hại đến quyền con người, lợi ích hợp pháp của công dân.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tùy tiện trong bắt, giam, giữ người oan sai, không đúng trình tự thủ tục theo ông Nguyễn Tiến Đạt (ĐH An ninh nhân dân TP.HCM) là do trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ trong các cơ quan tố tụng còn hạn chế, chưa đề cao ý thức pháp luật và đâu đó vẫn còn quan niệm “quyền trong tay, làm gì chẳng được”.

Thế nên công an thị trấn Chợ Lầu (Bình Thuận) mới “cho phép” chủ tiệm vàng Mỹ Kim “giữ” (từ 16 giờ ngày 21/1 đến 2 giờ ngày 22/1/2006) hai cô Hắc Thị Bạch Tuyết và cô Hắc Thị Bạch Thủy do nghi ngờ họ tráo vàng giả, thậm chí còn cởi hết quần áo của các cô để khám xét. Hay thầy giáo Nguyễn Minh Hoàng (năm 2005) ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh tự dưng bị bắt, giam giữ 6 tháng với cáo buộc “giết người cướp của” dù chưa có bản án của tòa án. Hy hữu hơn, có những cán bộ chiến sỹ không tôn trọng quyền lợi hợp pháp của người bị dẫn giải sau khi bị bắt, vi phạm pháp luật, xâm hại đến danh dự nhân phẩm của con người, coi thường dư luận xã hội như sự kiện được phản ánh trên báo chí về việc ngày 18/2/2006 người dân được chứng kiến “một thanh niên tay phải bị còng chặt vào chân ghế gỗ, ngồi cạnh các chiến sỹ cảnh sát tại quán bia trên đường Mạc Đĩnh Chi, Quận 1, TP.HCM.

Vi phạm cũng “đành liều”!

Thực tế áp dụng biện pháp tạm giam, các cơ quan tiến hành tố tụng nhiều khi rơi vào tình trạng lúng túng, “tạm giam cũng dở mà không tạm giam không đành”. Từ một số vụ án cụ thể, ông Phạm Khắc Vực (ĐH An ninh nhân dân) chỉ ra, áp dụng biện pháp tạm giam để “ngăn chặn bị can, bị cáo tự sát” là không hợp lý vì không phù hợp với mục đích của biện pháp tạm giam.

Có nhiều trường hợp, cơ quan điều tra rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” vì muốn áp dụng biện pháp tạm giam để “bảo vệ” bị can tránh khỏi “việc quần chúng tự phát xử lý người phạm tội” do căm phẫn với hành vi của bị can, hay bị đe dọa về sức khỏe, tính mạng để “bịt đầu mối”, răn đe do bị can có thái độ khai báo thành khẩn, song vấn đề bảo vệ bị can, bị cáo đang gặp khó khăn lại chưa được quy phạm hóa, chưa có cơ chế thực hiện.

Bên cạnh đó, do quá “cẩn thận”, pháp luật tố tụng hình sự lại đang “vô tình” đẩy cơ quan tố tụng vào thế “biết vi phạm phạm tố tụng mà không đừng được” khi đồng thời quy định áp dụng hai biện pháp ngăn chặn, đó là biện pháp tạm giữ (do cơ quan điều tra nhận người bị bắt trong trường hợp đang bị truy nã áp dụng) và biện pháp tạm giam (do cơ quan đã ra quyết định truy nã áp dụng).

Mối “nguy” ở đây xuất phát từ thời hạn tạm giữ theo luật quá ngắn (tối đa là 9 ngày, sau 2 lần gia hạn). Nếu hết thời hạn tạm giữ mà cơ quan tiếp nhận người bị bắt chưa hoàn thành các thủ tục trao trả người bị bắt cho cơ quan ra quyết định truy nã thì khó tránh khỏi trường hợp người bị bắt bị tạm giữ quá thời hạn luật định. Vi phạm tố tụng trong trường hợp này đa số được “lờ” đi trong quá trình giải quyết vụ án vì bản thân cơ quan tố tụng cũng không làm gì được.

 Do đó, quy định cho áp dụng biện pháp tạm giam ngay đối với người bị bắt trong trường hợp bị truy nã, thay vì tạm giữ như quy định tại Điều 83 BLTTHS để đỡ “làm khó” cơ quan tố tụng. Bởi đang bị truy nã nên họ phải là bị can, bị cáo hoặc người đang thi hành hình phạt theo bản án đã có hiệu lực pháp luật và việc họ bị truy nã chứng tỏ có căn cứ cho rằng cần phải cách ly họ ra khỏi xã hội trong một thời gian nhất định. Đó là căn cứ để áp dụng luôn biện pháp tạm giam đối người bị bắt theo lệnh truy nã trong khi chờ cơ quan nhận người bị bắt thông báo cho cơ quan ra lệnh truy nã về việc bắt và cơ quan đã ra lệnh truy nã tiếp nhận người bị bắt.

Báo cáo của các cơ quan tố tụng TƯ, hàng năm vẫn có gần 7% số người bị tạm giữ, tạm giam cuối cùng chỉ bị xử lý hành chính. Về nguyên tắc, người bị tạm giữ, tạm giam chưa phải là tội phạm nên chế độ tạm giữ, tạm giam phải khác với chế độ chấp hành hình phạt tù. Song, “chế độ ăn, mặc cho tù nhân hiện còn cao hơn những người bị giam do tình nghi phạm tội. Người bị tạm giam có hành vi vi phạm nội quy có thể bị áp dụng biện pháp “phạt cùm chân” kéo dài 10 ngày cho người bị tạm giam trong khi phạm nhân vi phạm nội quy thì có thể chỉ bị giam ở buồng kỷ luật... Những quy định “quá nghiêm khắc và không phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp” như vậy theo nhận xét của bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khiến tạm giam, tạm giữ càng trở nên lĩnh vực đáng quan tâm hơn bao giờ hết.

Nhưng khảo sát tại các địa phương cho thấy “nhan nhản” những khó khăn, bất cập khiến việc thực hiện biện pháp tạm giam, tạm giữ trở thành “gánh nặng” đối với cơ quan tố tụng ở địa phương. Hầu hết nhà tạm giữ ở cấp huyện và trại tạm giữ, tạm giam ở cấp tỉnh luôn trong tình trạng quá tải, phòng tạm giữ, tạm giam không bảo đảm bí mật, không chống được thông cung… Cán bộ trong các nhà tạm giữ, trại tạm giam luôn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nhưng không có phụ cấp. Kinh phí tạm giữ hành chính không có, nên phải chuyển kinh phí từ tạm giữ hình sự qua…

Mọi chuyện càng thêm khó khi từ năm 2004, thẩm quyền của tòa án cấp huyện tăng, số lượng vụ án hình sự mà cơ quan điều tra cấp huyện thụ lý tăng mạnh mà công tác quản lý tam giam, tạm giữ vẫn theo Nghị định 89/1998/NĐ-CP (có sửa đổi một phần vào năm 2002). Thiếu nơi tạm giam, tạm giữ, thiếu cả quản giáo khiến vi phạm trong quy chế giam giữ là “không thể khắc phục vì cơ sở vật chất không đủ đáp ứng” như thừa nhận của VKSND các cấp khi kiểm tra công tác tạm giữ, tạm giam.

Trong khi chờ các văn bản pháp luật liên quan (nhất là Nghị định 89 và BLTTHS) được sửa đổi theo hướng chế độ người bị tạm giữ, tạm giam phải tốt hơn chế độ của người chấp hành hình phạt tù, bà Nga đề nghị Quốc hội cần lên chương trình xây dựng luật riêng về tạm giữ, tạm giam và sớm sửa Bộ luật TTHS để quy định chặt chẽ hơn các căn cứ được bắt, giữ người, qua đó hạn chế tới mức thấp nhất việc bắt tạm giữ, tạm giam, coi như một biện pháp góp phần giảm tải cho các nhà tạm giam, tạm giữ và bảo đảm quyền con người trong tiến trình cải cách tư pháp.

H.GIang

Thời hạn tạm giam trong thủ tục rút gọn: “Miếng bánh” không nên dùng chung”

Theo quy định tại khoản 3 Điều 322 Bộ luật TTHS, trong giai đoạn điều tra, truy tố theo thủ tục rút gọn, "thời hạn tạm giam để điều tra, truy tố không được quá 16 (mười sáu) ngày" mà không có sự phân định thời hạn tạm giam để điều tra là bao nhiêu ngày, thời hạn tạm giam để truy tố là bao nhiêu ngày trong 16 ngày đó, cũng như không quy định rõ cơ quan nào có thẩm quyền ra lệnh tạm giam theo quy định này. Sự mập mờ đó đã dẫn đến tình trạng “sử dụng” thời hạn 16 ngày tạm giam đối với những vụ án theo thủ tục rút gọn là tùy thuộc “ý thích” của cơ quan thực thi.

Sẽ không có gì đáng nói nếu các cách hiểu khác nhau trong việc áp dụng quy định này không gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng đối với việc giải quyết một vụ án. Theo phân tích của ông Phạm Duy Trường (VKSND huyện Kiến An – TP.Hải Phòng), nếu sau khi bắt người phạm tội quả tang Cơ quan điều tra ra lệnh tạm giữ 3 ngày sau đó mới khởi tố vụ án, bị can. Lúc đó chỉ còn tối đa 12 ngày trong 16 ngày (quy định tại khoản 3 Điều 322 Bộ luật Tố tụng hình sự) để điều tra, kể từ ngày khởi tố vụ án.

Nếu Cơ quan điều tra ra lệnh tạm giam bị can cả 16 ngày có sự phê chuẩn của VKSND mà chỉ điều tra hết 12 ngày rồi chuyển hồ sơ vụ án sang VKS đề nghị truy tố thì thời hạn tạm giữ, tạm giam trên thực tế chỉ còn 01 ngày – không đủ thời gian để VKS hoàn thiện hồ sơ, ra quyết định truy tố, tống đạt cho bị can sau đó chuyển hồ sơ sang TA.

Còn nếu sau khi khởi tố vụ án, bị can Cơ quan điều tra có thể ra lệnh tạm giam bị can trong cả 16 ngày và đề nghị VKS phê chuẩn lệnh trên. Khi hồ sơ vụ án chuyển sang giai đoạn truy tố, VKS không phải ra lệnh tạm giam mà tiếp tục sử dụng lệnh tạm giam của Cơ quan điều tra. Nhưng có lẽ cách áp dụng để “đơn giản hoá về mặt thủ tục và tạo điều kiện cho các kiểm sát viên có nhiều thời gian để nghiên cứu hồ sơ vụ án mà không phải làm thủ tục ra lệnh tạm giam của VKS” như vậy không được “minh bạch”.

Do đó, khi áp dụng biện pháp tạm giam theo Điều 322 Bộ luật Tố tụng hình sự, hồ sơ ở giai đoạn tố tụng nào thì cơ quan tố tụng đó ra lệnh tạm giam: Cơ quan điều tra chỉ được đề nghị VKS phê chuẩn lệnh tạm giam bị can 12 ngày (tính cả 3 ngày tạm giữ), tránh bất cập khi áp dụng thủ tục rút gọn cho vụ án thuộc trường hợp bắt quả tang. Trong giai đoạn truy tố, nếu lệnh tạm giam của Cơ quan điều tra đã hết mà xét thấy cần thiết phải tạm giam thì VKS phải trực tiếp ra lệnh tạm giam 4 ngày, không “sử dung chung lệnh tạm giam” của cơ quan điều tra.