Thực hiện trên phạm vi 63 tỉnh, TP, Chương trình do UB TƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP), chỉ số PAPI 2011 cho thấy vẫn còn hiện tượng “hành là chính” trong nhiều lĩnh vực, kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công là chưa hiệu quả vì “hiện tượng hối lộ khá phổ biến”.
Đáng lưu ý lĩnh vực đất đai vẫn là “địa bàn” bị người dân đánh giá là gây nhiều khó khăn khi thiếu tính công khai, minh bạch trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi và giá đền bù đất chưa hợp lý… Hải Phòng là địa phương mà người dân đánh giá thấp về vấn đề kiểm soát tài nguyên, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, trong khi Hà Giang, người dân hầu như không phải mất thêm tiền cho thủ tục này.
Theo kết quả khảo sát, Bình Dương, Cà Mau, Bình Định, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Tiền Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc nhóm đạt điểm cao nhất về kiểm soát tham nhũng. Đà Nẵng nằm trong nhóm TP trực thuộc TƯ đạt điểm cao nhất về thủ tục hành chính công. Hà Nội đạt điểm khá ở các nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “Công khai, minh bạch”, và “Cung ứng dịch vụ công”, song đạt điểm trung bình thấp ở nội dung “Kiểm soát tham nhũng”.
Phú Thọ được người dân cho là có ít “tham nhũng vặt” trong khu vực công, nhưng kiểm soát “tham nhũng vặt” lại chưa cao. TP.HCM được dân đánh giá cao về thông tin thủ tục rõ ràng, công khai về chi phí, thời gian cũng như thái độ của CBCC, nhưng lại mất điểm ở việc giấy tờ quá nhiều, Hải Dương được đánh giá cao về sự tham gia của người dân, Cà Mau, Bình Định có điểm cao về kiểm soát tham nhũng, Hải Phòng vẫn được coi là địa phương “gương mẫu” trong cung ứng dịch vụ công
Trong số 330 người trả lời trên toàn quốc cho biết cá nhân họ hoặc người thân trong gia đình đã bị cán bộ xã/phường vòi vĩnh thì chỉ có 13,27% cho biết họ đã tố cáo. Những lý do người dân giải thích về việc tại sao mặc dù là nạn nhân của tham nhũng nhưng họ không tố cáo rất đa dạng: 47,45% cho biết tố cáo không mang lại lợi ích gì; 12, 77% sợ bị trù úm, trả thù; 11,31% thấy rằng thủ tục tố cáo quá rườm rà, 10,22% không biết tố cáo như thế nào, và số còn lại đưa ra nhiều lý do khác nhau hoặc từ chối không trả lời câu hỏi./.
H.Giang